Phát triển kinh tế, kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa
Ngày 19/8/2022, tại Hà Nội, Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” nhằm tập trung thảo luận về các vấn đề lý luận, cơ hội và các thách thức về phát triển kinh tế và kinh doanh theo hướng bền vững và hội nhập.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính đã chào mừng các đại biểu tham gia Hội thảo và nêu ý nghĩa thực tiễn, sự cần thiết của Hội thảo trước xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại.
Theo đó, dù xu thế toàn cầu hóa là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong những thập kỷ qua, nhưng nó cũng đã tạo ra sự bất bình đẳng về lợi ích kinh tế ngày càng lớn. Tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế làm cho thế giới đương đại đang có những chuyển biến, tác động sâu sắc trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của nhân loại.
PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ cũng cho biết, tiếp nối sự thành công của bốn lần tổ chức Hội thảo, Hội thảo lần thứ năm này, Học viện Tài chính đồng tổ chức với 3 đơn vị: Đại học Greenwich – Vương quốc Anh; Viện kinh tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, với mong muốn tạo lập diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về kinh tế, tài chính, toàn cầu hóa...
Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, Việt Nam vừa có cơ hội lớn, vừa phải đối đầu với thách thức không nhỏ. Cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều "đối thủ" hơn, trên bình diện rộng hơn, sâu hơn. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tăng lên đáng kể. Tiến trình hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng nâng tầm thế và lực cho Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân; tạo sức ép và điều kiện để tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế; nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm…
Tuy nhiên, tiến trình hội nhập cũng mang lại nhiều thách thức đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục xu hướng đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, sự quyết tâm chính trị, đồng thuận xã hội và nâng cao năng lực, hiệu lực hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước; thúc đẩy tự do hóa kinh doanh, khuyến khích xã hội hóa, sự tham gia của cộng đồng người dân và doanh nghiệp; cũng như tăng cường phối hợp và hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường... có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính quyết định để thực hiện thành công và đạt các mục tiêu chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Hội thảo đã nghe tham luận từ ba nhà khoa học: GS. Naoyuki Yoshino - Chủ tịch, Viện trưởng ADBI; Ông Farhad Taghizadeh-Hesary - Phó giáo sư kinh tế, Đại học Tokai, Nhật Bản; TS. Nicholas Hand – Giám đốc Hợp tác Quốc tế trường Kinh doanh – Đại học Greenwich, Vương quốc Anh. Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về về các vấn đề lý luận, cơ hội và các thách thức về phát triển kinh tế và kinh doanh theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế. Ngoài 2 phiên họp toàn thể, Hội thảo sẽ được tổ chức thành 2 phiên thảo luận chuyên sâu với chủ đề: (1) Phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa; (2) Tài chính Quản trị trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chia sẻ về công nghiệp hóa và mối quan hệ với toàn cầu hóa ở Việt Nam, ThS. Nguyễn Phương Huyền (Học viện Tài chính) cho biết, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại và khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việt Nam đang bị phi công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nhờ các chính sách phù hợp và sự đầu tư trực tiếp từ các tập đoàn đa quốc gia, tình hình đã được cải thiện một cách cơ bản. Hơn nữa, toàn cầu hóa có thể có tác động không mong muốn đối với lĩnh vực sản xuất của các nước đang phát triển do đầu tư trực tiếp vào ngành công nghiệp không phù hợp hoặc xuất khẩu hàng hóa chính. Nhưng, nhờ chính sách phát triển bền vững và thiết thực của Chính phủ, hầu hết các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đều hiệu quả và mang lại lợi ích không chỉ cho khu vực sản xuất mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.
Tham gia tham luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thế Đức Tâm (Trường Đại học Kinh tế - Luật) cho rằng, nền kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh đương đại ra đời trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, nền kinh tế chia sẻ, đặc biệt là các nền tảng kết hợp, không bền vững do không thừa nhận các mối quan hệ lao động giữa các nền tảng và nhà cung cấp dịch vụ.
Tại Hội thảo, đã có hơn 117 bài tham luận và gần 300 câu hỏi của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước tập trung phân tích, làm rõ bối cảnh, yêu cầu và những vấn đề đặt ra, cùng các giải pháp thích ứng cần có cho phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng gắn kết trực tiếp với nhau, cùng sự tăng trưởng thị trường tài chính toàn cầu và sự mở rộng liên kết kinh tế quốc tế; đồng thời, đang và sẽ chi phối sâu sắc tiến trình phát triển kinh tế thế giới.