Vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân

Dù ở cấp toàn cầu, quốc gia hay từng địa phương, KTTN đã, đang và sẽ ngày càng phát triển và đảm nhận vị thế quan trọng hơn trong toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những quốc gia và địa phương nào sớm nắm bắt được nhu cầu, tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của khu vực KTTN thì càng khai thác được nhiều hơn các tác động tích cực, phòng ngừa hoặc giảm thiểu được các tác động tiêu cực từ sự phát triển KTTN...

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn từ 2000-2010, hiệu quả đầu tư từ tổng số tiền bỏ ra trong năm (hệ số ICOR) tại Việt Nam là 6,07 (nghĩa là để tăng 1 đồng GDP cần bỏ ra 6,07 đồng vốn). Hệ số này thuộc vào loại thấp nhất thế giới, chủ yếu là do đầu tư kém hiệu quả của khu vực nhà nước (8,53) và khu vực đầu tư nước ngoài (9,65). Trong khi đó, khu vực KTTN tỏ ra rất hiệu quả khi bỏ ra 3,28 đồng vốn đã tạo ra 1 đồng giá trị tăng thêm.

Một ví dụ nhỏ như trên cũng đã cho thấy khu vực KTTN sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Khu vực này cũng đóng góp nhiều nhất vào GDP và tạo ra việc làm nhiều nhất, xấp xỉ 50% GDP và gần 90% số lao động. Thế nhưng, khu vực này hầu như không được hưởng ưu đãi nào, chưa kể những bất cập về chính sách, các cơ quan hành chính gây khó dễ, cơ chế xin - cho gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp (DN). KTTN ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vì vậy, cần có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho KTTN phát triển. Theo đó, cần coi KTTN là bộ phận cấu thành và động lực phát triển ngày càng quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Cần lấy sự phát triển nhanh KTTN và hiệu quả kinh tế - xã hội chung, sự cải thiện chất lượng sống mọi mặt của nhân dân làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của những cơ chế, chính sách được lựa chọn.

Phát triển kinh tế tư nhân: Những vấn đề đặt ra  - Ảnh 1

Một số vấn đề đặt ra

Để phát huy hơn nữa vai trò của KTTN, Nhà nước cần tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân, tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; Đổi mới phương thức quản lý kinh tế của Nhà nước theo hướng tạo điều kiện cho mọi DN) được tự do kinh doanh theo pháp luật, bình đẳng, cùng có lợi, nhất là trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kết hợp hài hòa các lợi ích kinh tế - chính trị - xã hội và môi trường; Nghiên cứu đề ra các chính sách hỗ trợ, trong đó tập trung giải quyết các khó khăn của khu vực KTTN về đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, vốn, năng lực khoa học – công nghệ và về thị trường... Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chương trình giáo dục đào tạo khoa học và công nghệ, cũng như có chế độ khen thưởng thích đáng kịp thời để động viên khuyến khích, tôn vinh và nhân rộng các điển hình của hoạt động KTTN trong nền kinh tế thị trường. Giáo dục lòng yêu nước tự hào dân tộc và bản lĩnh kinh doanh cho các doanh nhân trong KTTN...

Tại Việt Nam, tỷ lệ DN tư nhân thành lập mới trong giai đoạn 2000 - 2010 tăng trung bình khoảng 22%/năm. Với sự phát triển nhanh chóng cả về lượng và chất, các DN tư nhân đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, đặc biệt coi trọng cải cách thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước trong sạch, nâng cao trình độ nắm và thi hành pháp luật của đội ngũ công chức quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp đối với KTTN, đảm bảo cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thực sự là chỗ dựa vững chắc và là người hướng dẫn hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát “thân thiện” đối với KTTN. Nhà nước cần xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực KTTN, chuyển từ mục đích "quản chặt DN" sang "hỗ trợ DN" bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn, chứ không theo từng DN, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.

Nhà nước cần xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp công dân, hệ thống thông tin DN, hệ thống đăng ký thế chấp, cầm cố tài sản... được nối mạng nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, cũng như quản lý Nhà nước và phòng tránh, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kinh doanh, các hành vi vi phạm sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp và các vi phạm bản quyền, an ninh, trật tự an toàn văn minh thương mại và thị trường khác; Xây dựng hệ thống thông tin, phân tích và dự báo các xu hướng thị trường, cung cấp thông tin và các dịch vụ về pháp lý thương mại thị trường, các thông lệ và tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đăng ký thương hiệu cho DN tư nhân... Coi trọng kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm minh hiện tượng gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, sản xuất hàng giả, trốn lậu thuế, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và sự cạnh tranh lành mạnh của lĩnh vực KTTN.

Các địa phương, cơ quan trong cả nước cần tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa các DN, tạo điều kiện cho các DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh doanh và đầu tư ra nước ngoài; coi trọng xây dựng và phát triển hành lang pháp lý trong nước và quốc tế nhằm mở đường và định hướng cho các doanh nhân và DN đầu tư ra nước ngoài an toàn và thuận lợi. Các đại sứ quán, lãnh sự quán và phòng thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần hỗ trợ DN hoạt động tại quốc gia, vùng lãnh thổ do mình phụ trách. Các ngân hàng thương mại cần có những chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, ưu tiên đặt tại các trung tâm lớn có cộng đồng đông đảo doanh nhân, DN Việt Nam hoặc ở những trung tâm thị trường tài chính quốc tế lớn để trực tiếp cung cấp các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và bảo lãnh cần thiết cho hoạt động đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ cần quan tâm tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc định kỳ và không định kỳ các doanh nhân, DN Việt Nam - các đại sứ quán, lãnh sự quán, thương vụ của Việt Nam và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và ở các nước- thị trường tiềm năng hay nơi có đông đảo cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam đang hoạt động... để nắm bắt và xử lý nhanh, kịp thời, chính xác, hiệu quả hơn các nhu cầu, vấn đề bức xúc đặt ra trong quá trình hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nhân, DN Việt Nam; Khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ tư pháp, nhất là về đăng ký và xử lý tranh chấp thương hiệu, tư vấn kế toán, thuế, thủ tục xuất - nhập khẩu...

Mối quan hệ giữa các doanh nhân, chủ sử dụng lao động, DN với Chính phủ và với người lao động xã hội cần được củng cố; Hiệu lực của bộ máy tư pháp trong việc xử lý các vi phạm và tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động của khu vực KTTN cần đề cao sự nghiêm minh và tăng cường lòng tin của dân chúng, doanh nhân và DN vào luật pháp và chính quyền nhà nước các cấp...

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của KTTN, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng phá sản, giải thể, chia tách và sáp nhập, mua bán chuyển nhượng lại các DN, các cổ phần, cổ phiếu DN, thậm chí là hiện tượng độc quyền KTTN của các DN, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước. Bên cạnh đó, các tranh chấp kinh tế, thương mại, lao động và các dạng tội phạm khác trực tiếp phát sinh từ toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của DN cũng sẽ gia tăng với mức độ nhiều hơn và phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi những giải pháp phòng ngừa và xử lý nhanh, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bao quát của nền hành chính nhà nước. Do vậy, Nhà nước cũng cần phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế, xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển KTTN và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 – 2013

Phát triển kinh tế tư nhân: Những vấn đề đặt ra

ThS. PHAN MINH TUẤN - Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam

(Tài chính) Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) có vai trò ngày càng quan trọng, trở thành động lực lớn đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế. Bài viết đề xuất một số việc cần làm ngay nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế đất nước.

Xem thêm

Video nổi bật