Phát triển nền kinh tế carbon thấp, có khả năng chống chịu với khí hậu
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần cân bằng tốt hơn giữa các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu đang gia tăng bằng cách theo đuổi hai lộ trình có sự liên kết với nhau là tăng cường khả năng chống chịu và khử carbon.
Mục tiêu phát triển kinh tế đứng trước nhiều thách thức
Sau hơn 2 thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam nhận thức được yêu cầu phải chuyển đổi mô hình kinh tế và đã khởi xướng các hành động nhằm ngăn chặn gia tăng phát thải và đối phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và ngăn chặn gia tăng phát thải khí nhà kính.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một loạt cam kết, trong đó có mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ đã bắt đầu sửa đổi quy hoạch và khung pháp lý với một kế hoạch hành động cho chiến lược tăng trưởng xanh. Khu vực tư nhân cũng đang bắt tay vào quá trình chuyển dịch năng lượng, với các khoản đầu tư kỷ lục về năng lượng mặt trời trong hai năm qua.
Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR) công bố tháng 7/2022 của Ngân hàng Thế giới đánh giá, trong khi trọng tâm chủ yếu đặt vào giảm thiểu và tìm ra phương pháp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, mối đe dọa thực sự đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam là đầu tư quá ít cho thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới với xếp hạng 127 trên 182 theo Sáng kiến Thích ứng Toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN) và đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu của Germanwatch trong giai đoạn 2000-2019.
Với tính dễ bị tổn thương cao với biến đổi khí hậu, khó có thể phóng đại yêu cầu phải thích ứng. Trên thực tế, mối đe dọa của việc đầu tư không đủ cho biện pháp thích ứng là mối quan ngại lớn hơn so với biện pháp giảm thiểu khí hậu ở Việt Nam. “Đất nước cần nhanh chóng xây dựng khả năng chống chịu của các tài sản tự nhiên, cơ sở hạ tầng và con người”, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu rõ.
Thích ứng và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu
Theo Ngân hàng Thế giới, nhìn chung, Việt Nam cần cân bằng tốt hơn giữa các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu đang gia tăng bằng cách theo đuổi hai lộ trình có sự liên kết với nhau là tăng cường khả năng chống chịu và khử carbon.
Thích ứng và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR)
Thích ứng với biến đổi khí hậu - Lộ trình xây dựng khả năng chống chịu: Tính dễ bị tổn thương cao đối với rủi ro khí hậu của cơ sở hạ tầng, năng suất và vốn xã hội của Việt Nam sẽ hạn chế khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn của đất nước, và vì vậy, sẽ đòi hỏi phải có biện pháp thích ứng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và lũ lụt, cộng với sự suy thoái của các dịch vụ hệ sinh thái do mất rừng ngập mặn hoặc đất ngập nước, đã khiến tài sản trị giá nhiều tỷ USD của đất nước bị ảnh hưởng.
Các vị trí chiến lược như Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh, các hoạt động kinh tế như trồng lúa và các khu công nghiệp đang chịu ảnh hưởng của nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa và xâm nhập mặn. Do đó, tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu là mục tiêu vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai.
Lộ trình xây dựng khả năng chống chịu hàm ý không chỉ việc thích ứng với các rủi ro khí hậu mà còn khả năng có được những năng lực mới và có thể trỗi dậy mạnh hơn sau những cú sốc khí hậu.
Giảm thiểu biến đổi khí hậu - Lộ trình khử carbon: Mặc dù lượng phát thải KNK ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng phát thải toàn cầu nhưng vẫn cần xây dựng các biện pháp giảm thiểu vì chính lợi ích của quốc gia. Các biện pháp giảm phát thải KNK cũng sẽ giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các trung tâm đô thị chính, mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính gây ra khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm, gây ra chi phí kinh tế lớn do suy giảm sức khỏe và năng suất lao động. Các công ty đa quốc gia và người tiêu dùng tại những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang chuyển hướng sang nền kinh tế carbon thấp. Để duy trì khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần khử carbon trong lĩnh vực năng lượng và thực hiện các hành động trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông và công nghiệp chế biến, chế tạo. Khử carbon ở đây đề cập đến các chính sách đang được thực hiện để giảm thiểu biến đổi khí hậu như được chỉ rõ trong Thỏa thuận Paris.
Theo Ngân hàng Thế giới, một nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn sẽ bảo vệ được tài sản tư nhân, cơ sở hạ tầng công cộng và con người của đất nước đó. Các biện pháp thích ứng cần tập trung vào các lĩnh vực và địa điểm dễ bị tổn thương nhất của đất nước, đặc biệt là nông nghiệp, giao thông, thương mại/công nghiệp, các vùng ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cần đầu tư đáng kể để nâng cấp và trang bị thêm cho các tài sản và cơ sở hạ tầng công cộng. Các khoản đầu tư bảo vệ nhằm quản lý mực nước biển dâng cũng sẽ cần đến nguồn tài chính đáng kể. Và để có thể ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan thì buộc phải nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm và mở rộng chương trình hỗ trợ hậu thiên tai.
Các cải cách chính sách bổ sung trong lĩnh vực tài khóa và tài chính có thể kích thích đầu tư từ cả khu vực công và khu vực tư nhân. Những cải cách này sẽ cải thiện công tác quản lý đầu tư công và tăng cường hành động phối hợp giữa các tỉnh để đạt được kinh tế theo quy mô trong hoạt động thiết kế, triển khai thực hiện và cung cấp nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Sự phối hợp theo chiều ngang ở cả cấp trung ương và địa phương có thể điều chỉnh kế hoạch ngân sách hàng năm phù hợp với kế hoạch đầu tư trung hạn - và chi thường xuyên (cho vận hành và bảo trì) với chi đầu tư và phát triển. “Và các dòng tài chính đáng tin cậy có thể hỗ trợ khu vực tư nhân thích ứng với biến đổi khí hậu”, Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR) của Ngân hàng Thế giới nêu rõ.