Biến đổi khí hậu - Thách thức lớn cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp. Vì vậy, nhận diện rõ các tác động và tìm ra các giải pháp thích ứng đang là vấn đề được các tỉnh, thành trong vùng, trong đó có Hậu Giang đặc biệt xem trọng, hướng đến phát triển bền vững.

Thích ứng linh hoạt

Để bảo vệ cho 5 công chanh không hạt đã cho trái, những mùa hạn, mặn vừa qua, ngoài chủ động giữ nước ngọt, phục vụ tưới tiêu thì ông Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, thường xuyên dùng dụng cụ đo nồng độ mặn trước khi lấy nước vào mương vườn dự trữ hoặc mỗi lần tưới cho cây trồng. Dù nồng độ mặn còn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng ông Hoàng vẫn duy trì việc làm này thường xuyên, đồng thời đậy bọng trong, bọng ngoài để giữ nước.

“Mỗi lần tưới nước cho cây trồng, mình phải đo trước nồng độ mới an toàn. Để không khéo mặn xâm nhập mình không hay tưới lên cây trồng sẽ bị hư. Có dụng cụ đo độ mặn trước khi tưới tôi cũng an tâm”, ông Nguyễn Văn Hoàng bộc bạch.

Toàn tỉnh hiện có trên 900 khu vực khép kín với quy mô 100-300ha, trong đó có 130 trạm bơm điện, diện tích phục vụ trên 27.200ha. Ngoài ra, hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng như: Đê bao Ô Môn - Xà No; hệ thống cống Nam Xà No; đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh với tổng số 98 cống hở, 29 cống tròn sẽ tiếp tục nâng cấp trong thời gian tới để đảm bảo phục vụ sản xuất của bà con nông dân tốt hơn.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ngoài thách thức của BĐKH như sạt lở, ngập úng, sụp lún, xâm nhập mặn do nguyên nhân khách quan đối với Hậu Giang cũng có một số thách thức mang tính nội tại của tỉnh. Đó là tỉnh đang thực hiện việc quy hoạch để phát triển tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 thì có tăng diện tích về đô thị và hạ tầng, diện tích, quy mô nông nghiệp cũng có thu hẹp lại. Thứ 2, việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng đan xen như thửa đất này lúa, thửa đất kia cây ăn trái, thửa đất nọ là thủy sản nên nhiều khi trong HTX, đầu tư hạ tầng cũng có khi bị xung đột lợi ích trong chỗ này, đây là cái hết sức trăn trở.

“Chúng tôi đang hoàn thiện quy hoạch của tỉnh, trên cơ sở tích hợp quy hoạch của vùng và một số Nghị quyết Trung ương vừa mới ban hành như Nghị quyết 18, Nghị quyết 19, Nghị quyết 20. Trên cơ sở đó, tỉnh đặt ra một số ưu tiên thực hiện trong thời gian tới đối với lĩnh vực nông nghiệp đặt trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với điều kiện tự nhiên của tỉnh, an toàn trước tác động của lũ, ngập úng, xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hiện đại, hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính”, ông Trương Cảnh Tuyên đưa ra giải pháp.

Nhiều thách thức

Phân tích về tác động của BĐKH đối với kinh tế vùng ĐBSCL, TS. Nguyễn Thanh Bình - chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, chỉ rõ: BĐKH đã, đang và sẽ diễn ra với nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn. Nhiệt độ và mực nước biển đều có xu hướng tăng trong tương lai. Đến cuối thế kỷ này có thể tăng từ trên dưới 50cm đối với kịch bản thấp và kịch bản trung bình, có thể tăng 70-80cm đối với kịch bản cao. Khi mực nước biển dâng lên 1m thì gần như ĐBSCL của chúng ta khoảng phân nửa ngập dưới mực nước biển.

Cơ cấu kinh tế của ĐBSCL phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp, khi bình quân tỷ trọng khu vực I của vùng chiếm đến 30%, thậm chí có địa phương nông nghiệp chiếm trên 43% cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp gắn liền với thời tiết, gắn liền với khí hậu cho nên khi thời tiết khí hậu thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với ĐBSCL, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Giai đoạn trước 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL cao hơn so với cả nước, nhưng từ năm 2015 đến nay tốc độ tăng trưởng của vùng đã chậm hơn so với cả nước.

Theo TS. Nguyễn Thanh Bình, tác động của BĐKH đối với ĐBSCL thời gian qua biểu hiện rõ nhất là nhiệt độ tăng, hạn hán, lũ lụt, xói lở ngày càng trầm trọng, như vậy tác động đến đời sống, sinh kế, hạ tầng ĐBSCL rất lớn. Chỉ tính riêng về nông nghiệp và thủy sản thì đợt hạn, mặn lịch sử 2015-2016 đã gây thiệt hại cho ĐBSCL lên đến 300 triệu đô la Mỹ.

Ngoài ra, BĐKH còn ảnh hưởng tới hàng triệu người dân ở vùng ven biển, thiếu nước ngọt sinh hoạt… đặt ra gánh nặng cho nền kinh tế rất lớn. Một vài dự báo về lúa trong tương lai với tác động của BĐKH, đặc biệt là các năm có hiện tượng La Nina, El Nino thì năng suất lúa giảm rất nhiều. Còn kết quả nghiên cứu của Viện tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP thì chỉ riêng lũ lụt đã làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm. Trong đó, riêng 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thiệt hại lên đến gần 9.000 tỉ đồng do thiên tai.

“Liên quan đến tài nguyên nước, nếu Việt Nam không hành động và có những can thiệp thì dự báo đến năm 2035, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lên đến 6% GDP của Việt Nam. Đặc biệt đối với ngành nông nghiệp ĐBSCL thì con số đó phải vượt 6%, nếu không có tác động ngay từ bây giờ”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

ThS. Nguyễn Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Trung tâm ứng phó BĐKH, Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, các địa phương và các doanh nghiệp trong vùng cần thực hiện các giải pháp mang tính tổng thể để thúc đẩy liên kết vùng và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tăng cường chủ động thích ứng với BĐKH.

Theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố, đối với tác động của BĐKH nếu mực nước biển dâng 100cm thì nguy cơ ngập cho ĐBSCL sẽ lên tới 47,29% và khoảng 570.000ha lúa sẽ bị ngập và các khu vực chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Các ảnh hưởng của BĐKH cũng tác động rất nặng nề như xâm nhập mặn cùng tác động của hạn hán sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước ngọt, giảm chất lượng nước mặt, nước ngầm.

Để thích ứng với BĐKH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 là rất quan trọng, ngoài ra tháng 4/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13 cho vùng ĐBSCL. ThS. Nguyễn Thị Hoàng Anh chỉ rõ: Các địa phương ở ĐBSCL cần quan tâm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ với tri thức.

Xây dựng kinh tế dựa trên lợi thế sông nước và biển, các-bon thấp, chống chịu cao. Thúc đẩy tập trung đất đai hình thành các tổ chức nông hộ thành các hợp tác xã kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp. Tăng cường điều tra, đánh giá, kiểm soát tài nguyên; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; bảo tồn đa dạng sinh học và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL…

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ: ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới sẽ bị tổn thương bởi lũ lụt, nước biển dâng. Thực tế tại ĐBSCL năm 2022 cho thấy rằng, hiện tượng ngập lụt, sụt lún tại đây đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Hiện tượng xâm nhập mặn, hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng đến việc nuôi trồng, sản xuất và chế biến nông sản, cũng như gây tác hại nghiêm trọng đến nhiều mặt đời sống của người dân, góp phần gây thiệt hại, cản trở sự phát triển của vùng ĐBSCL nói chung và doanh nghiệp ĐBSCL nói riêng.

Theo Mộng Toàn/ Báo Hậu Giang