Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và một số kinh nghiệm quốc tế

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 6/2020

Sự xuất hiện của công nghệ tài chính có ảnh hưởng lớn đến xu hướng phát triển các dịch vụ ngân hàng nói riêng và của toàn ngành ngân hàng nói chung. Các ngân hàng truyền thống đang nỗ lực thích ứng và cập nhật công nghệ nhằm thay đổi mô hình kinh doanh theo hình thức ngân hàng số, giúp tăng trải nghiệm cho khách hàng và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngân hàng số tại Việt Nam đang ở giai đoạn hình thành với nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, việc xây dựng ngân hàng số hiện đang đối mặt với không ít thách thức. Bài viết phân tích kinh nghiệm phát triển ngân hàng số tại Trung Quốc và Ấn Độ, trên cơ sở đó đề xuất hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Tính tất yếu phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

Ngân hàng số được hiểu là mô hình ngân hàng dựa trên nền tảng số hóa tích hợp tất cả các hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống; nhằm đảm bảo sự liền mạch trong mọi hoạt động của ngân hàng như: Chuyển khoản/giao dịch, kết nối và tư vấn cho khách hàng, đảm bảo tối đa tiện ích.

Để xây dựng chiến lược số hóa hoàn toàn, ngân hàng cần xác định được mức độ sẵn sàng cho công cuộc kỹ thuật số. Theo mô hình trưởng thành kỹ thuật số toàn diện do công ty đa quốc gia DELL đưa ra, có 5 bước để xây dựng cho doanh nghiệp một chiến lược số hóa toàn diện gồm: (1) Số hóa thông tin; (2) Giao dịch số; (3) Cá nhân hóa; (4) Thâm nhập; và (5) Đổi mới.

Việc số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng không thể nằm ngoài quy luật của việc phát triển thị trường trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và điều này phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

Một trong những động lực để ngành Ngân hàng định hướng số hóa là sự gia tăng mức độ thâm nhập của Internet và điện thoại thông minh vào cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới 2018, có 52% số người dân Việt Nam sử dụng Internet, 45% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Số người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng đạt đến 43 triệu người, tương đương 63% người ở độ tuổi trưởng thành (SBV, 2019).

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tháng 4/2018, toàn hệ thống có 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chính thức ra mắt không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA...

Tuy nhiên, phát triển ngân hàng số ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt về khuôn khổ pháp lý và công nghệ, kỹ thuật cũng như thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng mới của khách hàng. Hành lang pháp lý về ngân hàng số hiện nay chưa đầy đủ và thường đi sau sự phát triển công nghệ, ví dụ như hệ thống thông tin điện tử cơ bản của công dân chưa hoàn thiện; chưa có văn bản pháp lý hoàn thiện cho các vấn đề như định danh điện tử, văn bản số (văn bản điện tử), hay chữ ký điện tử… Việt Nam chưa có chuẩn QR chung cho việc liên thông thanh toán.

Kinh nghiệm phát triển ngân hàng số tại một số quốc gia

Trung Quốc

Để phát triển ngân hàng số, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển minh bạch cho các ngân hàng số; đẩy mạnh các giao dịch số thông qua các chính sách khuyến khích tài chính tiêu dùng, bảo vệ người dùng dịch vụ ngân hàng số, thúc đẩy sự phát triển của Internet và công nghệ thông tin...

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) 2018, có 52% số người dân Việt Nam sử dụng Internet, 45% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Số người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng đạt đến 43 triệu người, tương đương 63% người ở độ tuổi trưởng thành (SBV, 2019).

Về khuôn khổ pháp lý, chính sách: Trung Quốc xây dựng khung pháp lý về tài chính kỹ thuật số với mục tiêu là dành không gian nhất định cho việc phát triển tài chính Internet dựa trên 5 nguyên tắc chính: (1) Nâng cao hiệu quả và khả năng của dịch vụ tài chính, (2) Tài chính số phải góp phần phân bổ hiệu quả nguồn lực và xây dựng tài chính ổn định, không được gây ra biến động giá đột ngột hoặc làm tăng chi phí tài chính, (3) Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, (4) Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải tham gia cạnh tranh công bằng và tuân thủ các yêu cầu pháp lý, (5) Cân bằng sự giám sát của chính phủ và tính kỷ luật ngành.

Ủy ban Điều tiết ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đưa ra quy định về Quản lý ngân hàng điện tử, hướng dẫn về đánh giá mức độ bảo mật của ngân hàng điện tử, và đưa ra tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro và bảo mật của hoạt động kinh doanh ngân hàng điện tử dựa trên nguyên tắc Basel về quản lý rủi ro cho ngân hàng điện tử. Bảo vệ người tiêu dùng cũng là một trong những mục tiêu chính được chính phủ Trung Quốc rất quan tâm, nhất là trong ngành tài chính số.

Về thực tiễn ứng dụng công nghệ-kỹ thuật: "Bộ đầy đủ" của chuyển đổi kỹ thuật số của Trung Quốc bao gồm các công nghệ: Internet di động, Dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây, blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI). Trung Quốc có đủ điều kiện và tiềm lực để phát triển mạnh mẽ theo hướng số hóa, Chính phủ Trung Quốc luôn kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ các ngân hàng bằng khung pháp lý đầy đủ, định hướng phát triển rõ ràng, quy định đầy đủ để bảo vệ người tiêu dùng, khuyến khích tài chính tiêu dùng.

Ấn Độ

Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia có chỉ số chấp nhận công nghệ tài chính cao nhất thế giới, đứng thứ 2 sau Trung Quốc, với 52% trong năm 2017. Quốc gia này dự kiến sẽ tăng chỉ số này lên để sớm đứng đầu thế giới. Điều này cho thấy xu hướng phát triển dịch vụ tài chính số ở Ấn Độ đang tăng cao trong các năm gần đây.

Để tạo môi trường thuận lợi cho mục tiêu số hóa ngân hàng, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Công ty Thanh toán Quốc gia (NPCI), cung cấp mã số định danh công dân (Aadhaar), phát triển ví điện tử dựa trên cổng thanh toán hợp nhất UPI...

Thành lập Công ty thanh toán Quốc gia (NPCI): Ngân hàng trung ương (RBI) cùng với Hiệp hội Ngân hàng (IBA) của Ấn Độ đã thành lập Công ty Thanh toán Quốc gia (NPCI) năm 2009 với vai trò là cơ quan chủ quản trong việc vận hành các hệ thống thanh toán bán lẻ tại Ấn Độ, đem lại sự chuẩn hóa trong hoạt động thanh toán bán lẻ, đồng thời mở rộng và phát triển thêm các sản phẩm mới nhằm đem lại tiện ích lớn nhất cho khách hàng.

Tháng 08/2016, Ấn Độ ra mắt giao diện thanh toán hợp nhất (UPI): Đây là hệ thống thanh toán số được thiết lập bởi NPCI với mục tiêu đơn giản hóa các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng trên nền tảng ứng dụng di động. UPI cho phép tích hợp các tài khoản ngân hàng trên cùng một ví điện tử, từ đó gia tăng tiện ích cho khách hàng.

Khởi động nền tảng thanh toán BHIM Aadhaar dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư: Tháng 5/2017, Ấn Độ đã khởi động nền tảng BHIM Aadhaar – một hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ sinh trắc học, cho phép người sử dụng chuyển tiền qua scan dấu vân tay. Aadhaar được kết nối với các hệ thống thanh toán số, các tài khoản ngân hàng nhằm tạo sự tiện lợi trong giao dịch, tăng cường tính bảo mật và cũng là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện của Chính phủ Ấn Độ. Nền tảng công nghệ này sử dụng giao diện lập trình ứng dụng API, quét vân tay hoặc mống mắt có sẵn trên Aadhaar, bất cứ ai cũng có thể mở tài khoản tài khoản ngân hàng hay chia sẻ hồ sơ y tế nhanh chóng. Đây là cơ sở dữ liệu hiện đại giúp Ấn Độ giải quyết bài toán ba không: Không hiện diện, không tiền mặt và không giấy tờ.

Hệ thống thanh toán nhờ Aadhaar (AEPS): là một bước tiến trong việc thanh toán số tại Ấn Độ bằng cách sử dụng mã số Aadhaar chứa số liệu sinh trắc của người Ấn Độ. AEPS là công cụ quan trọng với việc phổ cập dịch vụ tài chính số, do lượng lớn người dân Ấn Độ có mã Aadhaar.

Cùng với các chính sách thiết lập hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử, Chính phủ Ấn Độ cũng ban hành nhiều cơ chế khuyến khích khác như giảm thuế 2% cho thu nhập được thanh toán điện tử thay vì chi trả trực tiếp, các khoản chi trả vượt hạn mức cho phép hay chuyển tiền từ thiện có đầy đủ chứng từ thanh toán điện tử thì được khấu trừ thuế. Đồng thời, Chính phủ Ấn Độ còn cấm tuyệt đối việc trao đổi tiền mặt giữa các cá nhân có giá trị từ 300,000 Rupi trở lên trong một ngày/một giao dịch/tổng giá trị các giao dịch liên quan đến một sự kiện kinh tế…

Nhìn chung, Chính phủ Ấn Độ đang hướng tới việc xây dựng một xã hội phi tiền mặt, sử dụng nhiều hơn các giao dịch số trong tương lai. Việc xây dựng các hệ thống chung, vững chắc như mã số Aadhaar, hay các hệ thống thanh toán chung... của Chính phủ cũng sẽ là bước tiền đề giúp cho các ngân hàng tại Ấn Độ dễ dàng hơn trong việc số hóa hoàn toàn hệ thống.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ thực tiễn phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và qua tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc và Ấn Độ, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách để phát triển hệ thống ngân hàng số tại Việt Nam thời gian tới như sau:

Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Kinh nghiệm của Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy, cần có chính sách tạo lập môi trường cho phát triển ngân hàng số gồm các chính sách tạo dựng nền tảng thông tin, cơ sở dữ liệu công dân quốc gia, quy định về quy trình định danh khách hàng điện tử và hoàn thiện hạ tầng hỗ trợ.

Chính phủ và NHNN Việt Nam đang xây dựng hệ thống e-KYC (hệ thống thông điện tử tin cơ bản của các công dân), với những quy định chặt chẽ cho phép các ngân hàng có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu Căn cước công dân cũng như hệ thống dữ liệu ghi nhận các thông tin liên quan đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp để định danh khách hàng dựa trên mã số định danh do khách hàng cung cấp.

Thúc đẩy xây dựng nền tảng công nghệ-kỹ thuật

Dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất trong triển khai trí tuệ nhân tạo. Để triển khai ngân hàng số thành công, cần phải loại bỏ những rào cản do dữ liệu phân bố rải rác, tạo những cơ sở dữ liệu lớn nhờ mức độ tích hợp dịch vụ cao trong hệ sinh thái tài chính và thực hiện chuyển đổi dữ liệu vào đám mây giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.

Từ thực trạng công nghệ tại các ngân hàng của Việt Nam, thời gian tới cần xây dựng tiêu chuẩn thống nhất về mã QR cho thị trường, xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin liên ngân hàng, hoàn thiện các công nghệ liên quan đến việc sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký điện tử...

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Các nhân tố tác động đến sự phát triển ngân hàng số (Digital Banking) tại Việt Nam”, mã số B2018-NTH-16.

Tài liệu tham khảo:
1. ATKearney (2013), Banking in a Digital World, https://www.atkearney.com, truy cập ngày 0/11/2019;
2. Barquin, S., Vinayak, H.V., and Shrikhande, D. (2018), "Asia’s digital banking race: Giving customers what they want", McKinsey&Company;
3. Citigroup (2018), Bank of the future, http://www.vostokemerging-finance. com/content/uploads/2017/05/Citi-GPS-Bank-of-the- Future.pdf, truy cập ngày 20/12/2019;
4. Chris, S. (2014), “Digital banks: Strategies to launch or become a digital bank”