Phát triển ngành gỗ trước thách thức hội nhập

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Năm 2014, mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những nhóm hàng có giá trị kim ngạch tăng trưởng cao. Tuy nhiên, bước vào năm 2015, nhiều chuyên gia nhận định, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để có thể đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD.

Phát triển ngành gỗ trước thách thức hội nhập
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo thống kê của Bộ NN và PTNT, tháng 12/2014, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ ước đạt 655 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu cả năm 2014 đạt 6,21 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2013. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2014 ước đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2013. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gỗ từ thị trường Lào (chiếm 26,8%), Campuchia (chiếm 11,6%) và Hoa Kỳ (chiếm 11,5%). Có thể thấy, năm 2014, mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những nhóm hàng có giá trị kim ngạch tăng trưởng cao. Năm 2015, các doanh nghiệp ngành gỗ phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 7 tỷ USD. Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, cùng với nhu cầu về gỗ của nhiều nước trên thế giới tăng cao, nhiều hiệp định tự do thương mại đã và đang chuẩn bị được ký kết, ngành gỗ kỳ vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất nhập khẩu như mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những thách thức lớn nhất của ngành gỗ nước ta trong năm 2015. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện cả nước mới chỉ có khoảng 180.000ha rừng có chứng chỉ FSC - chứng chỉ quản lý rừng bền vững; trong đó có tính đến các nguyên tắc về truy xuất nguồn gốc áp dụng cho các công ty thương mại và sản xuất sử dụng các sản phẩm gỗ bắt nguồn từ những khu rừng được chứng nhận quản lý theo đúng quy chuẩn. Có thể thấy, lượng rừng trồng để bảo đảm nguồn gỗ nguyên liệu trong nước vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển hiện có và chưa đáp ứng nhu cầu gỗ rất lớn từ nguồn rừng có chứng nhận này. Bên cạnh đó, đến hết năm 2015, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ kết thúc đàm phán và được ký kết. Theo đó, yêu cầu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên EU phải có nguồn gốc hợp pháp. Trong khi đó, gỗ nguyên liệu của nước ta lại được nhập từ nhiều quốc gia trên thế giới và phần lớn chưa có chứng chỉ nguồn gốc hợp pháp. Hơn nữa, nếu lựa chọn gỗ nhập khẩu thay đổi sang những thị trường gỗ có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ của gỗ sẽ có thể làm giá gỗ nguyên liệu tăng cao. Hơn nữa, trong giai đoạn hội nhập sâu, các sản phẩm gỗ của nước ta sẽ phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm của nhiều nước phát triển về gỗ trên thế giới. Và, các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ sẽ tiếp tục phải đối mặt với rào cản không nhỏ là chi phí sản xuất gỗ vẫn cao, đặc biệt là phí vận tải bằng tàu thủy.

Để thúc đẩy ngành gỗ phát triển mạnh và bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ tăng cường nhận thức về FSC và Hiệp định VPA/FLEGT. Theo đó, sớm ban hành kế hoạch mở rộng diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ rừng FSC nhằm bảo đảm đáp ứng được nhu cầu về gỗ nguyên liệu của các doanh nghiệp cũng như nguồn gốc xuất xứ sản phẩm gỗ trong nước. Việc bảo đảm xuất xứ hợp pháp đối với gỗ nhập khẩu, Vifores cần phối hợp với cơ quan liên quan để nắm danh sách doanh nghiệp các nước xuất khẩu gỗ có chứng nhận FSC, hợp pháp để nhập khẩu. Tăng cường kiểm tra và đề cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc chế biến gỗ chất lượng cao và bảo đảm hợp pháp.

Thêm vào đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ xây dựng chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng, để trồng và khai thác rừng hợp pháp như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vốn cho hộ gia đình nhỏ lẻ trồng rừng đúng quy định của pháp luật quốc tế, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, tận dụng lợi ích mà các hiệp định thương mại mang lại. Về lâu dài, ngoài kế hoạch trồng mới, các bộ, ngành liên quan phải rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô lớn; đầu tư kỹ thuật, công nghệ cao để nghiên cứu, tuyển chọn giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các doanh nghiệp FDI trong nước, ngăn ngừa việc trốn thuế và không kê khai xuất xứ gỗ nhằm bảo đảm uy tín của gỗ và sản phầm từ gỗ Việt trên thị trường quốc tế; góp phần, tạo điều kiện cho ngành gỗ trong nước chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và phát triển bền vững.