Phát triển nhà ở xã hội cho thuê để bớt gánh nặng tài chính cho người lao động

Bảo Thương

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5,Quốc hội khoá XV, sáng 19/6/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người lao động thu nhập thấp, giúp họ có hy vọng tiếp cận nhà ở xã hội.

Quang cảnh phiên họp sáng 19/6/2023.
Quang cảnh phiên họp sáng 19/6/2023.

Quyền có chỗ ở an toàn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong sửa đổi luật lần này. Đại biểu đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Thực tế, người thu nhập thấp chủ yếu là công nhân, lao động mới đi làm. Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức với đại bộ phận người có thu nhập thấp. "Việc mua, sở hữu một căn nhà ở xã hội, dù là trả góp, cũng là gánh nặng tài chính quá lớn", đại biểu Nguyễn Văn Hiển bày tỏ lo ngại, đồng thời cho rằng hệ quả là người dân khai man về thu nhập để được mua nhà, hoặc người đầu cơ mượn tên công nhân để đăng ký mua.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, những ưu đãi với phát triển nhà ở xã hội hiện nay, chủ đầu tư sẽ chọn xây nhà để bán, thu hồi vốn nhanh hơn. Ít chủ đầu tư quan tâm tới phân khúc quản lý vận hành nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở xã hội vì khó làm, thu hồi vốn chậm.

Do vậy, đại biểu này đề nghị, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho hay, cơ quan soạn thảo cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê... Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua. 

“Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận nhà ở xã hội.”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn đại biểu Quôc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đã nêu rõ, phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội. Đại biểu đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh kiến nghị trước Quốc hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh kiến nghị trước Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội. Do đó, nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Trong đó, Nhà nước sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.

Đáng chú ý, nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng nên phát triển nhà cho thuê, thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy người lao động không có khả năng tài chính để mua. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân tư vấn, Chính phủ nên trình với Quốc hội để có một gói hỗ trợ cho các chủ nhà trọ với lãi suất “0 đồng” nhằm nâng cấp hệ thống nhà cho thuê, nhà trọ hiện nay và đảm bảo được chuẩn hóa, đảm bảo được những tiêu chuẩn do Luật quy định. Đại biểu nhấn mạnh, có như vậy mới vừa đảm bảo được an sinh xã hội, vừa huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo chỗ ở cho người lao động.

Tiết giảm thủ tục, tránh cồng kềnh với chương trình phát triển nhà ở địa phương

Phát biểu ý kiến về chương trình phát triển nhà ở, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, Điều 31 trong dự thảo luật quy định: UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về các nội dung tại các điểm c, d, đ và điểm e khoản 1 Điều 29 của Luật này trước khi trình HĐND cùng cấp thông qua. Sau khi được HĐND cùng cấp thông qua, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình. 

Đại biểu cho rằng cần xem xét, rà soát, nghiên cứu kỹ xem các quy định này có thỏa mãn được yêu cầu phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương hay không. Bên cạnh đó, chương trình phát triển nhà ở địa phương cũng được căn cứ vào chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do Bộ Xây dựng chủ trì. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị cần tiết giảm thủ tục đối với nội dung này, tránh cồng kềnh trong các thủ tục, gây mất thời gian, chậm triển khai ở các địa phương. 

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh sự khác biệt và hợp lý đối với thời gian bảo hành nhà chung cư và công trình cấp đặc biệt và cấp 1. 

"Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh sự khác biệt một cách phù hợp và hợp lý đối với thời gian bảo hành tối thiểu là 60 tháng đối với nhà chung cư và thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình hoặc hạng mục công trình cấp đặc biệt, cấp một", đại biểu Lưu Bá Mạc nêu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ một số vấn đề trước Quốc hội. 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ một số vấn đề trước Quốc hội. 

Quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở không trùng lắp với các quy hoạch khác

Phát biểu làm rõ một số nội dung mà đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, nhất là về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không phải là quy định mới mà được kế thừa từ Luật Nhà ở năm 2005, Luật Nhà ở năm 2014 và nay tiếp tục được quy định tại dự thảo luật theo hướng bố cục lại thành một chương riêng.

Theo Bộ trưởng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở là công cụ cần thiết, có tính thực thi cao để các địa phương có cơ sở định hướng trong việc phát triển từng loại nhà ở cho từng đối tượng, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Việc quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong dự thảo là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn để góp phần khắc phục tình trạng phát triển nhà ở lệch pha cung, cầu. Quy định này không chồng chéo, trùng lắp với các quy hoạch khác.

“Các nội dung được quy định trong kế hoạch phát triển nhà ở như diện tích đất phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ là các nội dung không được quy định chi tiết trong hệ thống quy hoạch, kế hoạch theo quy định của Luật Đất đai và Luật Quy hoạch. Các chỉ tiêu theo kế hoạch phát triển nhà ở được xác định theo vị trí các khu vực dự kiến phát triển mới và tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai trên địa bàn trong kỳ kế hoạch khác với chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giao đất được lập theo thời kỳ quy hoạch, kế hoạch”, Bộ trưởng nêu.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở do cơ quan nhà nước thực hiện và công bố công khai sau khi phê duyệt không phát sinh thủ tục hành chính và không có chi phí phát sinh cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát quy định này để đảm bảo quy định rõ hơn, tránh chồng chéo, trùng lắp, đảm bảo thuận lợi, thông thoáng, phân cấp, tạo tính chủ động cho địa phương. Đồng thời, đảm bảo công tác quản lý nhà nước như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 28 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên họp, ý kiến của các vị đại biểu cũng góp ý nhiều vấn đề rất cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao, đã phân tích, đánh giá sâu sắc những tồn tại, vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung của dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến, tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách và báo cáo các vị đại biểu Quốc hội tại hội nghị đại biểu chuyên trách để thảo luận, đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện dự thảo.