Phát triển rừng bền vững để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quản lý rừng hiệu quả và kịp thời, nhiều khu vực rừng tự nhiên đầu nguồn có sự gia tăng đáng kể về cả diện tích và chất lượng, góp phần bảo vê môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống con người. Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, với trung bình mỗi năm có từ 10 - 15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Rừng phòng hộ với vai trò sinh thái quan trọng trong việc điều tiết nước mưa, giảm thiểu nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất. Do đó, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Từ những đánh giá quan trọng của rừng, những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quản lý hiệu quả và kịp thời, kết hợp với các chương trình trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được thực hiện có kế hoạch, nhiều khu vực rừng tự nhiên đầu nguồn đã bắt đầu hồi sinh, với sự gia tăng đáng kể về cả diện tích và chất lượng.
Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực triển khai thực hiện những cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu với việc đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng cường bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Theo đó, Việt Nam coi việc bảo vệ và phát triển rừng là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần bảo đảm sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng, cân bằng tự nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ổn định.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã ghi nhận sự hỗ trợ của các tổ chức và cộng đồng quốc tế trong hợp tác bảo vệ, phát triển rừng, trong đó phải kể tới mô hình trồng rừng hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các tổ chức quốc tế như: Sự hợp tác với Suntory PepsiCo Việt Nam năm 2024 là một điển hình trong nỗ lực chung, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng, mang lại kết quả bước đầu đáng khích lệ trong việc phát huy giá trị đa dụng của rừng.
Thông qua mô hình không chỉ đem lại hiệu quả về bảo vệ nguồn nước, hấp thụ các-bon mà còn hỗ trợ cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương được lựa chọn thực hiện chương trình. Đồng thời, hiệu quả chương trình đã giúp nâng cao nhận thức của người dân, nuôi dưỡng ý thức bảo vệ rừng, và là mô hình để nhân rộng trên cả nước, góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát triển bền vững.
Để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đi vào chiều sâu, mang lại giá trị, góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững, trong thời gian tới cần tập trung quy hoạch tổng thể, chọn loài cây phù hợp, xây dựng cấu trúc rừng đa tầng tán và phân bố không gian hợp lý. Việc quy hoạch rừng phòng hộ phải được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu của từng vùng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nhận được sự quan tâm, chủ động của các địa phương, ngành lâm nghiệp và sự hợp tác hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong triển khai thực hiện công tác bảo vệ phát triển rừng, từ đó đem lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ và phát triển rừng./.