Phát triển sản phẩm ngách: "Cánh cửa" đầy hứa hẹn cho doanh nghiệp Việt


Việc phát triển sản phẩm ngách đang được ví như “cánh cửa” đầy hứa hẹn để bán mức giá tốt hơn, có thể có tốc độ tăng trưởng nhanh cho các doanh nghiệp Việt trên thị trường xuất khẩu vốn còn nhiều thách thức. Điều quan trọng là họ cần lựa chọn các phân khúc một cách thích hợp với “khoảng trống nhỏ” ít có đối thủ cạnh tranh, đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị và nhân lực, làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất, đáp ứng xu hướng xanh…để tranh thủ mọi cơ hội tăng tốc.

Những sản phẩm ngách trong ngành hàng thủ công mỹ nghệ do DN Việt sản xuất đã thu hút sự quan tâm của các nhà thu mua đến từ Nhật Bản.
Những sản phẩm ngách trong ngành hàng thủ công mỹ nghệ do DN Việt sản xuất đã thu hút sự quan tâm của các nhà thu mua đến từ Nhật Bản.

Theo dự kiến, trong quý 3 và quý 4/2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ xuất khẩu (XK) những đơn hàng đầu tiên đối với sản phẩm vải và trang phục chống cháy sang Indonesia, Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ.

thể có tốc độ tăng trưởng nhanh

Những sản phẩm ngách về quần áo chống cháy như vậy đang được dùng cho nhiều ngành nghề kỹ thuật khác nhau như ngành dầu khí, điện…hay ở những chung cư có yêu cầu làm rèm và các sản phẩm từ vải chống cháy để phòng ngừa cháy nổ.

Như chia sẻ mới đây của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, đó là sản phẩm có thể có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách của mỗi quốc gia, sản phẩm đặc thù không hoàn toàn như sản phẩm mà chúng ta đã làm trong những năm qua.

Ông Trường cho biết đây là mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật cao, mang tính pháp lý, bản quyền, không phải mặt hàng thời trang thông thường, thông qua hợp tác giữa Vinatex với Tập đoàn Coast (Vương Quốc Anh) với mục tiêu doanh thu 2-2,5 triệu USD và trong 5 năm đầu tiên định hướng mỗi năm có thể tăng trưởng gấp đôi. 

Theo vị chủ tịch của Vinatex, mục tiêu trước hết của các sản phẩm nêu trên là đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ – thị trường rất quan trọng của dệt may thế giới, từ bước tiến ở thị trường Mỹ sẽ thuận lợi ở các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các thị trường khác trên thế giới.

Giới chuyên gia cho rằng với sản phẩm ngách như quần áo và vải chống cháy, nếu so với các mặt hàng thông thường khác thì dư địa phát triển rõ ràng hơn, ít cạnh tranh hơn trên thị trường. Cho nên việc doanh nghiệp (DN) dệt may nội địa đón đầu thị trường ngách với sản phẩm chống cháy như vậy là rất đáng khích lệ, mở ra cánh cửa đầy hứa hẹn trước tiềm năng rộng mở về thị trường. Điều quan trọng là phía DN cần tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị và nhân lực, cũng như tiến tới làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất.

Thực tế cho thấy việc chú trọng vào phát triển sản phẩm ngách (những sản phẩm có tính riêng biệt, độc đáo, chỉ phục vụ một phân khúc khách hàng cụ thể) có thể mang đến nhiều cơ hội lớn cho DN Việt gia tăng doanh thu và lợi nhuận, cũng như góp phần gia tăng giá trị XK của Việt Nam. 

Đơn cử như nhu cầu về thay thế nhựa nguyên sinh bằng vật liệu tái chế ở thị trường trong nước và trên thế giới đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các DN ngành nhựa nội địa phát triển sản phẩm ngách như hạt nhựa tái sinh (làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chai nhựa mới). 

Điển hình là Công ty tái chế nhựa Duy Tân (DuyTan Recycling) trong nửa đầu năm 2024 đã thu gom và tái chế 26.000 tấn rác thải nhựa tương đương 2 tỷ chai nhựa, qua đó cung cấp cho thị trường nội địa 7.730 tấn hạt nhựa tái sinh và XK 7.770 tấn hạt nhựa tái sinh cho 15 quốc gia.

Tranh thủ mọi cơ hội để tăng tốc

Hoặc như một số DN nội địa trong ngành gỗ đang tập trung vào sản phẩm ngách là dăm gỗ và viên nén gỗ trước triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ về mặt XK.

Với sản phẩm dăm gỗ (được dùng để làm nguyên liệu sản xuất các loại bao bì giấy và làm viên nén), các DN trong lĩnh vực này có thể yên tâm về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Nhất là khi giá XK hiện đang tăng (do nhu cầu thị trường tăng, đặc biệt từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) trong khi nguồn cung thấp. Giá FOB dăm gỗ XK sang Trung Quốc trong tháng 8/2024 tăng 2 USD/tấn lên ở mức 139 – 143 USD/tấn, còn giá FOB dăm gỗ XK vào Nhật Bản ở mức 141 – 144 USD/tấn. 

Theo dự báo XK dăm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2024. Tuy nhiên, các DN cần lưu ý các rủi ro từ biến động giá dăm gỗ, chính sách của các thị trường XK, cạnh tranh từ các quốc gia khác và chính sách quản lý rừng của Việt Nam.

Còn với sản phẩm viên nén gỗ, hiện nay, các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản…bắt đầu lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm lượng khí thải CO2 nên nhu cầu sử dụng loại nguyên liệu đốt này đang phát triển mạnh và ngày càng tăng cao. Nhờ đó, riêng nửa đầu năm 2024, kim ngạch XK sản phẩm ngách viên nén đã đạt trên 345 triệu USD, chiếm 4,7% tổng kim ngạch XK của ngành gỗ cả nước.

Hoặc như với sản phẩm ngách trong ngành hàng cà phê Việt. Theo hai chuyên gia từ Đại học RMIT là Ts. Devmali Perera và Ts. Majo George, việc XK cà phê đặc sản (là sản phẩm cà phê từ các vùng trồng có điều kiện tự nhiên nhiên đặc biệt cùng quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến công phu) và cà phê hữu cơ đang ngày càng được chú ý hơn trên toàn cầu với xu hướng ưa chuộng cà phê “xanh”. 

Việc đầu tư phát triển sản phẩm ngách là cà phê hữu cơ được cho là có thể mang lại giá trị cho DN Việt cao hơn 45% so với cà phê thường. Hơn nữa, thị trường cà phê hữu cơ toàn cầu dự kiến đạt giá trị 12,96 tỷ USD vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,4% trong 5 năm tới. 

Chính vì thế, theo Ts. Devmali Perera, việc khuyến khích các chứng nhận như Fair Trade, Organic và Rainforest Alliance sẽ giúp các nhà sản xuất cà phê của Việt Nam tiếp cận thị trường cao cấp và đạt được mức giá tốt hơn với sản phẩm ngách.

Có thể thấy trong bối cảnh thị trường XK vẫn còn đầy thách thức việc phát triển các sản phẩm ngách được xem như “cánh cửa” đầy hứa hẹn giúp cho các DN Việt có được sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Vấn đề là họ cần lựa chọn sản phẩm ngách phục vụ các phân khúc một cách thích hợp với “khoảng trống nhỏ” ít có đối thủ cạnh tranh.

Và điều mà các DN Việt cần làm khi phát triển sản phẩm ngách là chủ động tìm hiểu, thu thập thông tin qua những kênh riêng của mình, có sự tương tác với khách hàng quốc tế để nắm diễn biến tình hình cung cầu từng thị trường, từng hệ thống tiêu thụ trên thế giới. Từ đó đề ra giải pháp sách lược cho mình ở từng tình huống, giai đoạn, cũng như kịp thời tranh thủ mọi cơ hội tăng tốc cho thời gian tới.                                                                                 

Theo Thế Vinh/vnbusiness.vn