Phát triển xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững
Phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững đang được nhiều nước quan tâm, tuy nhiên do áp lực của hội nhập nên việc thực hiện điều đó không dễ dàng, nhất là các nước xuất khẩu dựa vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ. Theo quan điểm phát triển bền vững, xuất khẩu nông sản ở nước ta đang chứa đựng nhiều yếu tố thiếu bền vững, đòi hỏi phải sớm có giải pháp khắc phục.
Vì sao phải phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững?
Xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng theo quan điểm phát triển bền vững không phải là tìm cách tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bằng mọi giá mà sự tăng trưởng xuất khẩu đó phải luôn bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.
Phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững được truyền bá rộng rãi và được nhiều quốc gia hưởng ứng. Tuy nhiên, trong điều kiện toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc tăng trưởng xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu của phát triển bền vững là điều không dễ dàng. Do đó, nếu không có định hướng đúng, không có các biện pháp thích hợp, chỉ quan tâm đến tăng trưởng xuất khẩu bằng mọi giá... thì sự tăng trưởng xuất khẩu đó có nguy cơ chệch hướng so với quan điểm tăng trưởng xuất khẩu theo hướng phát triển bền vững. Nguy cơ phát triển xuất khẩu không tuân theo quan điểm bền vững luôn tiềm ẩn trong tất cả các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu như nông sản và ở tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như nước ta.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có tăng trưởng nhưng chưa bền vững
Có thể thấy rằng, trong thời gian qua, nhờ đường lối đổi mới, nên sản xuất và xuất khẩu nông sản ở nước ta tăng nhanh. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 1990 đạt 20.666,5 tỉ đồng, nhưng sau 10 năm (năm 2000) đạt giá trị là 129.140,5 tỉ đồng, tăng 6,3 lần và năm 2008 đạt giá trị là 248.314,8 tỉ đồng, tăng hơn 12 lần.
Quy mô xuất khẩu nông sản của nước ta không ngừng tăng với một tốc độ cao và tương đối ổn định. Năm 1990, kim ngạch xuất khẩu nông sản nước ta chỉ đạt 1.149 triệu USD, năm 1995 đạt 2.520 triệu USD, năm 2000 là 4.308 triệu USD và đến năm 2008 đạt 12.365 triệu USD, tức là tăng khoảng gần 11 lần so với năm 1990. Nhìn chung, tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu của ta thường chiếm khoảng 30% - 35% khối lượng hàng nông sản được sản xuất trong nước.
Kể từ năm 1991, nước ta đã bắt đầu hình thành một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu. Hiện nay, những mặt hàng trên vẫn được duy trì, trong đó đáng chú ý là lúa gạo, cà-phê, chè, cao su và hạt điều. Đây không chỉ là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao đối với nước ta, mà còn chiếm được thị phần lớn trên thị trường thế giới. Sản xuất và xuất khẩu nông sản đã góp phần cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo quan điểm phát triển bền vững, việc phát triển sản xuất và xuất khẩu nông sản của nước ta vẫn còn bất cập, đã và đang có nguy cơ tác động đến sự phát triển ổn định của kinh tế, xã hội và môi trường.
Về kinh tế, việc phát triển sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong những năm qua mới chỉ mang ý nghĩa tích cực trong việc tạo công ăn việc làm, chưa có biến chuyển lớn về hiệu quả kinh tế. Đầu tư chủ yếu theo chiều rộng, nhằm tăng quy mô, sản lượng, chưa chú trọng đầu tư chiều sâu nhằm tạo ra những mặt hàng nông sản có giá trị gia tăng cao.
Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và theo hướng gia tăng mức độ chế biến không đáng kể. Hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp thấp, sản xuất và tiêu thụ nông sản bấp bênh, thường xuyên bị đe dọa bởi sự biến động cả về thời tiết lẫn thị trường. Khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của hàng nông sản thấp. Việt Nam hiện nay mới tham gia những khâu tạo ra giá trị gia tăng ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Thực tế ở nước ta hiện nay tỷ trọng giá trị sản xuất, xuất khẩu nông sản trong GDP và trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn ở mức cao. Chẳng hạn, giá trị sản xuất nông sản (nông, lâm, thủy sản) năm 2009 còn chiếm tới trên 35% GDP và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu là 21,1%. Thực tế ở nhiều nước tỷ trọng này thấp hơn rất nhiều. Điều đó sẽ chứa đựng các yếu tố tiêu cực tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế cũng như xuất khẩu, bởi vì nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào sự tăng trưởng của nông nghiệp luôn phải đối mặt với rủi ro trước sự biến động của thiên tai và thị trường. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu phổ biến trên thế giới hiện nay là giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp, đồng thời tăng dần tỷ trọng của sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Về bảo vệ môi trường, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, đều dựa vào tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, biển, rừng...) nên sự phát triển sản xuất nông nghiệp đang có nguy cơ hủy hoại các nguồn tài nguyên này. Hơn nữa, do trình độ sản xuất lạc hậu nên môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng trong quá trình sản xuất.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu nhóm sản phẩm nông, thủy sản theo chiều rộng làm thu hẹp diện tích rừng, phá vỡ hệ sinh thái trên cạn và ven biển do mở rộng diện tích canh tác. Chỉ trong hơn hai thập niên qua, diện tích rừng ngập mặn ở nước ta giảm đi hơn một nửa, trung bình mỗi năm mất gần 20.000 ha, hơn 80% độ che phủ đã bị ảnh hưởng. Diện tích nuôi tôm càng lớn thì diện tích rừng ngập mặn càng bị thu hẹp. Từ năm 1993 đến nay, tổng sản lượng nuôi trồng tăng bình quân 3,7%/năm thì diện tích biển và ven biển chuyển sang nuôi trồng thủy sản cũng tăng tương ứng khoảng 3,8%/năm. Việc mở rộng các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản là nguyên nhân dẫn đến giảm diện tích rừng ngập mặn. Sử dụng các phương pháp đánh bắt hải sản theo lối hủy diệt như dùng thuốc nổ, các loại lưới mắt nhỏ làm mất đi các loài cá con và các sinh vật biển khác.
Sản xuất và xuất khẩu nông sản của nước ta tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Việc mở rộng diện tích trồng trọt cũng như thâm canh tăng vụ là nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa đất nông nghiệp. Hơn nữa, việc sử dụng các loại phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy cách và quá mức nhằm tăng năng suất cây trồng còn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; làm tăng mức độ quen thuốc, tăng tính chống thuốc ở các loài sâu bệnh, thúc đẩy việc hình thành các quần thể sâu bệnh kháng thuốc; tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích trong các hệ sinh thái nông nghiệp, nhất là các loài côn trùng thiên địch, các loài côn trùng ăn sâu hại, phá vỡ nguyên tắc tự cân bằng trong phát triển loài; gây độc cho gia súc, gia cầm và gây độc trực tiếp cho người nông dân; để lại dư lượng chất độc trong nông sản gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.
Diện tích rừng tự nhiên của nước ta đang bị thu hẹp. Theo thống kê, hiện nay diện tích rừng giàu tại Việt Nam chỉ còn khoảng 5%. Một trong số những nguyên nhân làm giảm diện tích rừng giàu là khai thác trái phép gỗ và các loại sản phẩm phi gỗ. Khai thác gỗ trái phép cũng là nguyên nhân dẫn đến thu hẹp diện tích rừng nguyên sinh. Rừng trồng cây công nghiệp hiện nay mang tính thuần loại về cây trồng cao, do vậy tính đa dạng sinh học thấp. Suy giảm đa dạng sinh học làm mất nơi cư trú và sinh trưởng của các loài động, thực vật quý hiếm, gây nên những thiệt hại to lớn về kinh tế và môi trường, ảnh hưởng đến phát triển xuất khẩu bền vững.
Về mặt xã hội, phát triển sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đang là nơi thu hút nhiều lao động nhất, tuy nhiên, đây cũng là nơi nảy sinh những nguyên nhân dẫn đến kém bền vững về mặt xã hội của nước ta hiện nay. Do xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn theo chiều rộng, chất lượng lao động không cao và thu nhập của người lao động không ổn định nên sự biến động của thị trường thế giới làm cho người nông dân dễ bị tổn thương, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong thu nhập giữa các vùng, các tầng lớp dân cư. Lao động nông nghiệp chịu nhiều thiệt thòi trong việc phân chia giá trị gia tăng thu được nhờ quá trình hội nhập và tự do hóa thương mại. Khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư ngày càng lớn, những dấu hiệu bất bình đẳng ở Việt Nam đã xuất hiện. Một báo cáo gần đây của UNDP cho biết hệ số bất bình đẳng Gini của Việt Nam đã lên tới 0,41. Sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị còn thể hiện qua sự bất bình đẳng trong giáo dục và có nguy cơ ngày càng gia tăng.
Như vậy, phát triển sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong những năm qua đã góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo... Tuy nhiên, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất bình đẳng thu nhập, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững đòi hỏi thực hiện các giải pháp nhằm hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
Giải pháp nào cho mục tiêu xuất khẩu nông sản bền vững?
Trước hết, nhằm bảo đảm các yêu cầu phát triển bền vững về mặt kinh tế, cần có chính sách đầu tư và chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu thích hợp. Trong đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Từng bước giảm thiểu việc bảo hộ đối với nông nghiệp, chuyển nguồn bảo hộ trực tiếp sang gián tiếp thông qua việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học kỹ thuật và đào tạo lao động nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước vào lĩnh vực nông nghiệp. Các biện pháp khuyến khích sản xuất và xuất khẩu nông sản thông qua các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, lãi suất, trợ cấp...
Tranh thủ cơ hội do mở cửa thị trường để nâng cao kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản có lợi thế. Nâng cao năng suất và chất lượng hàng nông sản xuất khẩu như thủy sản, gạo, cà-phê, điều, chè, rau quả, cao su. Đa dạng hóa mặt hàng và chuyển dịch cơ cấu mặt hàng nông sản xuất khẩu. Chuẩn bị đối phó với các vấn đề tranh chấp thương mại, trước hết là việc áp thuế chống bán phá giá đối với hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam. Cung cấp thông tin, hướng dẫn cách phòng tránh và xử lý các vụ kiện bán phá giá, nâng cao năng lực chuyên môn của các cơ quan tư vấn. Thành lập các cơ quan nghiên cứu sâu và cụ thể hơn về các tranh chấp thương mại và các phương án xử lý để tư vấn cho các doanh nghiệp khi bị kiện.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tăng cường công tác dự báo để định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản. Thực hiện hiệu quả Chương trình xúc tiến xuất khẩu trọng điểm để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, từ điều tra, quy hoạch đến tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ. Củng cố tổ chức và vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao, ngoại thương của ta ở nước ngoài, trợ giúp tiếp cận và thâm nhập thị trường quốc tế...
Thứ hai, để giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu nông sản và bảo vệ môi trường, cần nâng cao nhận thức về môi trường đối với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất thân thiện môi trường. Nghiên cứu các quy trình sản xuất thân thiện môi trường và đưa vào áp dụng tại các cơ sở sản xuất như quy trình rau an toàn, thịt an toàn, nuôi trồng thủy sản an toàn... Hỗ trợ việc áp dụng chứng chỉ môi trường đối với hàng nông sản xuất khẩu, thành lập các trung tâm kiểm định, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ tài chính để có được chứng nhận môi trường. Hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh thân thiện môi trường; áp dụng các quy định và tiêu chuẩn môi trường, mô hình quản lý môi trường tiên tiến như ISO 14000, HACCP...
Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo hướng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế như các quy định tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về quy trình sản xuất thân thiện môi trường (PPM), các quy định và tiêu chuẩn về bao bì, đóng gói, nhãn môi trường và nhãn sinh thái...
Hoàn thiện một số chính sách môi trường và xuất khẩu. Sửa đổi, bổ sung các sắc thuế và biểu thuế xuất khẩu nhằm khuyến khích xuất khẩu đồng thời hạn chế việc lạm dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hạn chế xuất khẩu các mặt hàng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Áp dụng các nguyên tắc, công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động bảo vệ môi trường, áp dụng rộng rãi nguyên tắc "người gây thiệt hại đối với tài nguyên và môi trường thì phải bồi hoàn". Xây dựng tiêu chí phát triển bền vững về môi trường. Tăng cường công tác quản lý môi trường, chia sẻ thông tin về các vấn đề môi trường tới các đối tượng có liên quan đến xuất khẩu nông sản như cơ quan quản lý, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và cộng đồng địa phương.
Thứ ba, nhằm bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu và giải quyết các vấn đề xã hội, cần xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích bình đẳng trong thương mại, trước hết là cơ chế chia sẻ lợi ích trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Điều chỉnh thuế đối với một số tài nguyên như đất, rừng, mặt nước. Chẳng hạn, thuế đối với đất rừng ngập mặn để nuôi tôm phải cao hơn đất canh tác nông nghiệp. Khắc phục tình trạng độc quyền trong sản xuất và độc quyền trong phân phối để hạn chế các nhà đầu cơ trục lợi gây thiệt hại cho người sản xuất.
Thiết lập hệ thống an sinh xã hội rộng khắp. Có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với dân cư các vùng sâu, vùng xa và những đối tượng chính sách. Giải quyết vấn đề mất việc làm và thay đổi ngành nghề của người lao động.
Hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu thu hút nhiều lao động như thủy sản, nông sản, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ trong trường hợp có biến động xấu hạn chế xuất khẩu để người nông dân và người lao động vẫn có thu nhập, việc làm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nông nghiệp là lĩnh vực bị tác động nhiều nhất trong điều kiện hội nhập, do đó Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ nông dân.
Tăng cường công tác dự báo thị trường để hạn chế tối đa thiệt hại đối với người sản xuất. Có chính sách để phát triển nghề phụ tại nông thôn, đồng thời tăng cường công tác đào tạo nghề cho nông dân để giảm áp lực việc làm khi người nông dân đối mặt với những hậu quả do thiên tai và thị trường gây ra.
Về bản chất, phát triển xuất khẩu nói chung và hàng hóa nông sản nói riêng theo hướng bền vững hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng ta đã chỉ ra là “Tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Song, để thực hiện mục tiêu này, ngoài những nỗ lực, cố gắng thuộc về phía Nhà nước, cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và toàn thể nông dân.