Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra công tác ứng phó lũ lụt tại Yên Bái
Sáng 10/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão, ứng phó lũ lụt tại tỉnh Yên Bái, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Sỹ Hiệp và một số, bộ, ngành, cơ quan.
Lũ ở Yên Bái đạt mức lịch sử
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ tối 9/9 đến ngày 10/9 có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 19h ngày 9/9 đến 5h ngày 10/9 phổ biến từ 50-150 mm, một số nơi cao hơn 300 mm như: Yên Ninh 352,2 mm; Minh Bảo 333,8 mm; Hòa Cuông 248,8 mm; Tân Nguyên 142,2 mm; Phúc Lợi 131 mm; Mậu Đông 102 mm...
Trên sông Thao tại Yên Bái lũ vẫn đang tiếp tục lên. Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử, mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức cao (phụ thuộc vào điều tiết xả lũ của các thuỷ điện phía thượng lưu).
Trong 12-24 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên và duy trì trên mức lũ lịch sử; mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức cao (phụ thuộc vào điều tiết xả lũ của các thuỷ điện phía thượng lưu).
28 người chết và mất tích; hơn 2.300 nhà phải di dời để bảo đảm an toàn
Theo báo cáo ngày 10/9 của UBND tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh có 28 người chết và mất tích, trong đó: 22 người chết do sạt lở đất (huyện Văn Chấn 1 người; huyện Lục Yên 11 người; thành phố Yên Bái 10 người); 6 người mất tích (huyện Lục Yên 2 người, thành phố Yên Bái 4 người). 10 người bị thương, trong đó: TP. Yên Bái 3 người, Lục Yên 5 người, Văn Yên 2 người.
Thiệt hại về nhà ở: 13.558 nhà, trong đó, 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 2.337 nhà phải di dời người và tài sản để bảo đảm an toàn; nhiều nhà bị tốc mái. 10.399 nhà bị ngập nước, trong đó 7.934 nhà ở thành phố Yên Bái.
Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là hơn 4.017 ha.
Yên Bái huy động trên 10.800 người tham gia khắc phục hậu quả thiên tai
Yên Bái đã huy động trên 10.850 người để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đối với 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân. Đối với 2.337 nhà phải di dời người và tài sản đã bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại các nhà văn hóa, trụ sở UBND xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.
Đối với các hộ bị ngập (10.399 nhà), đã di dời 41.590 người để bảo đảm an toàn bằng hình thức xen ghép vào nhà người thân và các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.
Tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sĩ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ.
Bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.
Tỉnh đã huy động 61.929 người, gồm các lực lượng bộ đội, công an, dân quân dự bị, dự bị động viên... sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Về phương tiện đã huy động trên 2.100 ô tô, tàu xuồng, máy xúc các loại và hơn 70.000 trang thiết bị khác phục vụ công tác phòng, chống bão lũ.
Tỉnh đã thành lập các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng có liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; chuẩn bị sẵn các khu vực và bảo đảm hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh sức khỏe, tính mạng của nhân dân là cao nhất, phải quyết tâm tối đa để không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Phó Thủ tướng đề nghị Quân khu 2 huy động số xuồng hiện có để hỗ trợ người dân. Tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn; bằng mọi cách cứu hộ 3 người dân đang mắc kẹt trong mưa lũ (hiện đan bám vào cột điện). Khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho khu vực bị ảnh hưởng.
Triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.