Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Kìm chế lạm phát là ưu tiên số một"


Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã dùng những cụm từ “tình hình cấp bách”, “thực hiện quyết liệt” khi nói về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011.

Sáng 24/2/2011, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 địa phương, triển khai nghị quyết về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tại đây, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, lạm phát sẽ gây tác động xấu tới kinh tế vĩ mô và có thể dẫn đến các vấn đề về cuộc sống người dân, về lâu dài ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông nói, quyết tâm chính trị của Chính phủ là kiềm chế cho được lạm phát. “Kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một, nhất quán của cả Chính phủ và các địa phương”.

Thắt tín dụng và cung tiền

Nổi lên trong 7 nhóm giải pháp chủ yếu được nêu tại nghị quyết lần này là chính sách tiền tệ, trong đó quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng.

Quan điểm trên được đặt ra trong bối cảnh khả năng can thiệp của chính sách tiền tệ khá hạn chế, hoạt động điều hành nền kinh tế vừa phải đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa phải đảm bảo tăng trưởng. Vì vậy, nhiều chỉ tiêu vốn đã được thông qua hồi đầu năm, nay sau hai tháng đã có thay đổi về liều lượng.

Cụ thể, chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng đã rút xuống mức dưới 20%, thay vì 23% vốn đã được thông qua trước đó; tổng phương tiện thanh toán cũng áp chỉ tiêu mới ở mức khoảng 15-16%.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, việc thắt chặt tín dụng và cung tiền sẽ làm giảm cầu đầu tư, tiêu dùng. Tuy nhiên, ông lưu ý lãnh đạo các ngành, địa phương là việc thắt chặt lần này sẽ không làm ảnh hưởng đến cung tiền cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành sản xuất, xuất khẩu quan trọng.

"Trong quá trình chỉ đạo mục này, các đồng chí chú ý có thắt chặt, có hãm việc ra tiền nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu của nền kinh tế. Thay vào đó, các công cụ lãi suất, công cụ hút tiền về sẽ phải được thực hiện linh hoạt", Phó thủ tướng nói.

Liên quan đến điều hành tỷ giá, hướng của Chính phủ là điều hành thị trường ngoại hối linh hoạt song hành cùng các biện pháp tăng cường quản lý.

Phó thủ tướng lưu ý, tình trạng ngoại tệ của Việt Nam hiện nay, xét về dòng tiền vào và ra, dự trữ ngoại tệ, số dư của ngân hàng thương mại, dự trữ trong dân cư… vẫn lớn hơn tổng thanh toán nền kinh tế cần. “Tính ra tổng cân đối cung cầu ngoại tệ của quốc gia là thặng dư”, ông Hùng khẳng định.

Phó thủ tướng cho rằng, nếu tạo ra được sự ổn định về kinh tế và xã hội thì sẽ khiến cho lưu thông ngoại tệ tốt hơn, đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và hoạt động của nền kinh tế. Vì vậy, các giải pháp tới đây là gắn các công cụ quản lý của nhà nước để huy động tối đa ngoại tệ, để số dư ngoại tệ ở ngân hàng, doanh nghiệp và người dân cân bằng bình thường và không gây ra các xáo trộn về tỷ giá.

“Tỷ giá ngoại tệ ổn định thì giá trị đồng tiền Việt Nam được nâng cao, lòng tin của nhân dân vào tiền đồng cũng nâng cao, kiềm chế được lạm phát”, ông Hùng nói.

Cũng thông tin tại buổi họp, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng một nghị định về kinh doanh vàng, để cho thị trường vàng trở thành một kênh ngoại hối cần thiết cho nền kinh tế, thay vì tạo nên những xáo trộn như thời gian vừa qua.

“Điều hành tốt thì thanh khoản tốt, bình ổn được tỷ giá, lạm phát”, ông chuyển quyết tâm của Chính phủ đến đại diện các ngành, địa phương tham gia buổi họp.

Bội chi ngân sách: Phấn đấu dưới 5% GDP

Chính sách tài khóa thắt chặt hơn cũng là một nội dung quan trọng tại nghị quyết lần này. Một mức bội chi hợp lý đáng được tính đến trên cơ sở “lui” tỷ lệ bội chi so với GDP từ mức 5,3% theo con số đợc Quốc hội thông qua, về mức dưới 5% ngay trong năm nay.

Để thực hiện được chỉ tiêu này, hai định hướng lớn là phấn đấu tăng thu ngân sách trong cùng lúc với giảm chi. Hai khoản chi phải cắt giảm trong năm nay được Phó thủ tướng nhắc đến là chi đầu tư và chi tiêu thường xuyên.

Cụ thể, mức tăng thu ngân sách năm nay sẽ được đặt ra ở mức cao hơn, khoảng 7-8% thay vì mức 5% được Bộ Tài chính nêu ra trong Hội nghị Chính phủ và các địa phương hồi đầu năm nay.

Trong khi đó, những khoản chi tiêu thường xuyên và chi đầu tư có thể tạm dừng được, tạm lùi được sẽ được thống kê lại và chốt vào cuối tháng 3 năm nay. Mục tiêu là trong 9 tháng cuối năm chi tiêu thường xuyên giảm khoảng 10% so với dự kiến, nhưng các khoản tiết kiệm chi sẽ không nhằm vào chi tiền lương, và chi cho các đối tượng chính sách xã hội, chính sách giảm nghèo để đảo bảo an sinh xã hội...

Về chi đầu tư, Nghị quyết tập trung vào hai khoản chi đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, thời gian tới sẽ rà soát lại các khoản chi đầu tư trong năm nay, nếu không cân đối được nguồn vốn và có thể lùi lại được thì sẽ dừng lại. Ngoài ra, các công trình đang còn dở dang, kéo dài sẽ phải tạm dừng để tập trung vốn cho công trình có thể hoàn thành trong năm nay.

Chính sách thắt chặt đầu tư lần này dự kiến sẽ kéo thấp tổng đầu tư xã hội, theo kế hoạch khoảng 41%, giảm xuống còn khoảng 38-39% GDP. Điều này, theo Chính phủ sẽ có tác động trực tiếp đến tăng giá, kìm hãm lạm phát có xu hướng ấm lên.

Liên quan đến giải pháp phát triển kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, Phó thủ tướng cho rằng đây là yếu tố cốt lõi để kiềm chế lạm phát.

Về chỉ tiêu nhập siêu, Chính phủ chủ trương sẽ kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với chỉ tiêu 18% được Quốc hội đưa ra trước đó để tạo cân bằng hơn cho cán cân thanh toán quốc tế.