Phòng, chống buôn lậu thuốc lá: Đồng bộ và quyết liệt hơn
Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%, sẽ khiến giá thuốc lá tăng cùng với những thách thức trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu. Bởi vậy, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu thuốc lá.
Thách thức lớn nhất trong chống buôn lậu thuốc lá vẫn là câu chuyện chưa cân sức giữa các lực lượng chức năng và tội phạm buôn lậu. Lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá đủ lớn để các “đầu nậu” sẵn sàng trang bị công cụ, phương tiện hiện đại để chuyển hàng.
“Trong khi tội phạm vận chuyển hàng lậu bằng xe ô tô hạng sang, tốc độ cao thì lực lượng quản lý thị trường (QLTT) vẫn truy đuổi bằng xe ô tô cũ nát, thậm chí là xe gắn máy. Tội phạm được trang bị nhiều loại vũ khí như dao găm, bình xịt hơi cay thậm chí cả súng thì lực lượng QLTT chỉ có… tay không”, một cán bộ thuộc đội QLTT số 3, TP. Hồ Chí Minh tâm sự.
Ngoài ra, kinh phí chi cho các hoạt động bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá lậu còn thấp, chưa thực sự động viên, khích lệ các lực lượng tham gia đấu tranh. Việc thanh toán kinh phí vụ việc theo chế độ tài chính hiện hành còn rất chậm. Chế độ trích thưởng cho các cán bộ làm công tác chống buôn lậu rất ít nên động lực chưa đủ mạnh. Chi phí mua tin thấp dẫn đến người cung cấp thông tin không nhiệt tình báo tin.
Vấn đề thứ hai là tình trạng thất nghiệp, đời sống kinh tế quá khó khăn khiến dân cư khu vực biên giới sẵn sàng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu.
Thêm vào đó là tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại vất vả của người đứng đầu chính quyền ở nhiều địa phương trong công tác đẩy lùi buôn lậu thuốc lá mà trong một hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ ra: “Một số địa phương chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng thực trạng buôn lậu thuốc lá. Cá biệt, có tình trạng một số ít cán bộ bảo kê, bao che, dung túng cho nạn buôn lậu thuốc lá”.
Năm 2019, các doanh nghiệp nội địa cũng sẽ phải đối mặt với một thách thức không nhỏ, đó là thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho sản phẩm thuốc lá sẽ tăng lên 75% từ ngày 1/1/2019 có thể sẽ gây ra hiện trạng đầu cơ, gây bất ổn cho việc tiêu thụ, không phản ánh chân thực quan hệ cung - cầu của thị trường.
Cần các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn
Một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ Công thương trình Chính phủ là phải xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế cho các địa bàn vùng biên giới.
Cụ thể là cần đầu tư phát triển các ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ theo đặc điểm của từng địa bàn; đào tạo nghề, hỗ trợ kiến thức, cho vay vốn ưu đãi để nông dân tham gia sản xuất, tăng thu nhập. Kiến nghị chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu buôn lậu thuốc lá là vi phạm pháp luật.
Mặt khác, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu. Còn QLTT đã kiến nghị Bộ Công thương và Chính phủ cho phép thí điểm thành lập các đội QLTT cơ động trực thuộc Cục QLTT.
Đáng chú ý là một số kiến nghị của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam. Cụ thể: Kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp tục chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 địa phương và các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp đề ra chương trình hành động tại các vùng trọng điểm buôn lậu thuốc lá.
Kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục QLTT và các chi cục địa phương kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn.
Kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cho phép chuyển việc quản lý Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá về Bộ Tài chính để phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn và trích khoảng 50% Quỹ cho công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu, hỗ trợ kinh phí trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp thi hành công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét chưa thực hiện sửa đổi căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp áp dụng đối với mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà…