Phong phú các hoạt động đón Tết Tân Sửu
Khoảng thời gian trước Tết cổ truyền luôn là thời điểm sôi động của nhiều hoạt động đón chào năm mới Âm lịch. Năm nay, dù trong bối cảnh trạng thái bình thường mới, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, người dân cả nước vẫn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động chào đón Tết Tân Sửu đặc sắc.
Trải nghiệm đón Tết cổ truyền
Theo Sở Du lịch Hà Nội, đến nay các khu, điểm du lịch tại thành phố đang triển khai các chương trình đón Tết Tân Sửu 2021, với mục tiêu tăng lượng khách, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch trong năm 2021.
Nổi bật tại Hoàng thành Thăng Long, từ ngày 4/2 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý) đến ngày 20/2/2021 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Tân Sửu) diễn ra chương trình "Tân Sửu nghênh xuân".
Du khách sẽ được hòa vào không gian độc đáo tái hiện về nghi lễ tiến xuân ngưu thông qua mô hình thần câu mang tế xuân, xuân ngưu vua ban trong nghi lễ ngày lập xuân thời Lê Trung Hưng; các phong tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong ngày Tết Nguyên đán thể hiện ở các gian trưng bày không khí chuẩn bị đón Tết, không gian thờ cúng, phong tục chúc tết và mừng tuổi ngày Tết; tiễn năm Canh Tý, đón năm Tân Sửu; nghệ thuật thư pháp; tranh vẽ với chủ đề Chào đón mùa xuân…
Tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ ngày 5/2 (tức ngày 24 tháng Chạp) đến ngày 21/2 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Tân Sửu), theo truyền thống sẽ diễn ra chương trình "Hội chữ Xuân Tân Sửu” với các hoạt động thiết thực bảo tồn nét đẹp văn hóa thư pháp, văn hóa xin chữ của người Việt.
Điểm di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục tổ chức trưng bày "Sắc xuân nơi ngục lửa" từ tháng 1 đến tháng 3/2021 và thực hiện các tour tham quan buổi tối.
Tại các không gian đi bộ của Hà Nội, nhiều hoạt động ngoài trời mang tính trải nghiệm sẽ đưa đến không khí xuân tươi mới cho du khách. Từ ngày 22 đến 24/1, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ diễn ra chương trình quảng bá văn hóa, du lịch Hòa Bình.
Từ 6/2 (tức 25 tháng Chạp), Ban Quản lý phố cổ Hà Nội sẽ phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức chương trình “Tết Việt - Tết Phố năm 2021”. Chương trình “Tết Việt - Tết Phố” năm nay có nhiều hoạt động ý nghĩa và mang đậm nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền của người Việt như: Rước lễ ra đình, nghi lễ cúng Thành Hoàng, lễ dựng cây nêu, các hoạt động diễn xướng nghệ thuật dân gian…
Bên cạnh đó, tới các điểm du lịch ngoại thành Hà Nội, du khách có thêm trải nghiệm nhiều sản phẩm văn hóa đặc trưng hấp dẫn.
Tới điểm điểm di tích Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) vào ngày 27/1 đến 11/2 (tức 15 tháng Chạp đến 30 Tết), du khách sẽ được tham gia vào Chợ hoa xuân truyền thống. Khu vực này cũng diễn ra triển lãm cây cảnh, báo xuân, chợ Tết từ ngày 5/2 (tức ngày 24 tháng Chạp) đến ngày 19/2 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín) sẽ khai trương sản phẩm du lịch đêm và khai hội hoa xuân vào ngày 30/1 (tức ngày 18 tháng Chạp)...
Ngay từ đầu tháng 1, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức một loạt chương trình "Đón xuân vùng cao" với nhiều hoạt động lễ hội, sinh hoạt, ca múa, ẩm thực đặc sắc của các dân tộc.
Sôi động các lễ hội đón Tết
Tại TP. Hồ Chí Minh, năm nay sẽ diễn ra Lễ hội Tết Việt từ ngày 21 đến 24/1( tức từ ngày 9 đến 12 tháng Chạp, năm Canh Tý). Đây là một hoạt động quy mô, góp phần thu hút du khách đến thành phố trong những ngày trước Tết.
Với hàng loạt hoạt động thuộc các chủ để: Xem Tết - Ăn Tết - Chơi Tết và Chợ Tết, lễ hội dự kiến đón khoảng 70.000 lượt người dân và du khách đến tham quan trải nghiệm và mua sắm chuẩn bị đón Tết Tân Sửu.
Với chủ đề “TP. Hồ Chí Minh - Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình”, Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay sẽ được tổ chức trong bảy ngày, khai mạc lúc 19 giờ ngày 9/2 đến 21 giờ ngày 15/2/2021 (tức từ 28 Tháng Chạp Âm lịch đến hết Mùng 4 Tết). Trải dài trên đoạn đường 720m, Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay có bốn điểm nhấn độc đáo, hứa hẹn là điểm hút du khách trong và ngoài thành phố mỗi dịp Tết đến xuân về.
Cùng với Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Đường sách Tết Tân Sửu 2021 diễn ra tại trục đường Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế với ba chủ đề riêng biệt, gồm: Kho tàng tri thức của nhân loại tại đường Nguyễn Huệ; Du hành thế giới cùng sách tại đường Ngô Đức Kế và Tri thức kết nối tương lai ở đường Mạc Thị Bưởi.
Tại TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 22 đến 27/1 ( tức từ ngày 10-15 tháng Chạp năm Canh Tý), người dân và du khách sẽ được hòa mình vào Tuần lễ văn hóa Du lịch Đồng Tháp với chủ đề: Sa Đéc - Phố và Hoa. Sự kiện được kỳ vọng là điểm nhấn của tỉnh diễn ra với năm nhóm nội dung lớn: Sa Đéc trên bến dưới thuyền; Sa Đéc gạo trắng, bánh ngon; Sa Đéc xứ sở hoa hồng; Sa Đéc lãng mạn người tình; Sa Đéc xứ sở hạnh phúc.
Theo Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, từ ngày 29 đến 31/1 (tức 17 đến 19 tháng Chạp năm Canh Tý), tại TP. Nha Trang sẽ diễn ra “Lễ hội ẩm thực và du lịch xuân Tân Sửu 2021”. Lễ hội năm nay thu hút 48 gian hàng đặc sắc từ giới thiệu quảng bá các tour, tuyến du lịch tới giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề và cả trò chơi dân gian đặc trưng dịp Tết địa phương.
Tham gia lễ hội năm nay, du khách và người dân có cơ hội được thưởng thức những món ăn đặc sản nổi tiếng của người dân Khánh Hòa; tham gia trải nghiệm những trò chơi dân gian chỉ có trong những ngày Tết; tìm hiểu, đặt mua những tour du lịch kích cầu với giá ưu đãi và được mua sắm những loại hàng hóa phục vụ ngày Tết với chất lượng tốt nhưng giá cả rất phù hợp.
Ban tổ chức dự kiến, “Lễ hội ẩm thực và du lịch xuân Tân Sửu 2021” sẽ thu hút khoảng 50 nghìn lượt khách đến tham quan và mua sắm.