Phục hồi kinh tế không quên hình hài công nghiệp phụ trợ
Ngành công nghiệp phụ trợ nước ta đã có tín hiệu tích cực trong những tháng đầu năm nay khi một số doanh nghiệp đạt giá trị gia tăng xuất khẩu cao. Điều này một lần nữa nhắc nhở việc thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ, dù với tình hình hiện nay thì trước mắt cần phải phục hồi kinh tế.
Trong 5 tháng đầu năm, Công ty Samsung Electronics Vietnam (SEV) đã có giá trị gia tăng xuất khẩu đạt 1,374 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 là 12,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hơn 11,8 tỷ USD. Loại trừ phần nhập khẩu cho đầu tư, thì giá trị gia tăng của SEV trong năm ngoái là 1,159 tỷ USD. Giá trị gia tăng xuất khẩu của SEV tương đối lớn so với các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay. Kết quả này đạt được do nỗ lực lớn của SEV trong thu hút nhà đầu tư vệ tinh vào nước ta, với 54 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD cho đến thời điểm này.
Tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của SEV không ngừng tăng dần lên trong các năm qua và sẽ tiếp tục tăng, khi doanh nghiệp vệ tinh hoạt động ổn định. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp phụ trợ sau một thời gian chưa có thay đổi tích cực. Tuy nhiên, SEV chỉ là một doanh nghiệp và chưa thể giúp nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu cho nước ta. Giá trị gia tăng xuất khẩu của nước ta hiện còn ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã nhiều lần kiến nghị về việc không thể tìm kiếm được các nhà cung cấp đáp ứng được nhu cầu về nguyên phụ liệu. Công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu cũng là một rào cản lớn khiến doanh nghiệp FDI cân nhắc khi lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.
Đã có nhiều ý kiến đòi hỏi các doanh nghiệp FDI phải nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện các cam kết về nội địa hóa. Bởi lẽ, hàng hóa có giá trị gia tăng cao thì mới tạo ra giá trị thực của tăng trưởng kinh tế. Các nhà đầu tư khi vào Việt Nam phải có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện điều đó. Song khi công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển, những đòi hỏi đó sẽ khó khả thi.
Thực trạng và nguyên nhân của ngành công nghiệp này ở nước ta không phải chưa được nhìn thấy rõ. Bộ Công thương – cơ quan quản lý ngành từng thẳng thắn chỉ rõ: công nghiệp phụ trợ nước ta còn mang tính tự phát, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp làm ra chỉ mới đáp ứng nhu cầu thay thế hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu bán cho một số đại lý nước ngoài chứ chưa thâm nhập thị trường quốc tế để cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia. 50% các doanh nghiệp đầu tư trong nước do vốn ít chỉ đầu tư công nghệ ở mức trung bình, nên tính cạnh tranh sản phẩm chưa cao. Ngành công nghiệp này chưa phát triển được cho là do chính sách hỗ trợ đầu tư chưa tạo được tính hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, năm 2015, nước ta sẽ thực hiện đầy đủ lộ trình tự do buôn bán hàng hóa khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), nên nếu không có năng lực cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ, công nghiệp chế tạo sẽ bị suy thoái do sản phẩm nhập khẩu tăng. Đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp cũng sẽ rời nước ta. Nhưng trước khi nhìn vào những tác động tiêu cực nêu trên, thì hãy tính toán nếu doanh nghiệp nước ta có thêm 10% giá trị gia tăng từ tổng kim ngạch xuất khẩu thì sẽ có thêm nguồn ngoại tệ lớn thế nào. Quan trọng hơn, nếu doanh nghiệp có thể sử dụng nguyên liệu trong nước cho sản xuất, kinh doanh, thì khi ấy những con số về kim ngạch xuất khẩu mới thể hiện đầy đủ ý nghĩa và giá trị của nó.
Nhưng liệu những chính sách hỗ trợ đầu tư có đủ sức để tháo gỡ bài toán này không? Có lẽ là không, vì chính sách thuế hiện nay đã có mức ưu tiên khá cao cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Vậy cần có những biện pháp cụ thể hơn để đưa ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, đáp ứng đòi hỏi của thực tế. Trong mỗi giai đoạn phát triển 5 năm trước đây, nước ta thường đặt ra những mục tiêu tăng trưởng cụ thể như thúc đẩy tăng trưởng, khuyến khích xuất khẩu... Nhờ vậy mới góp phần đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Trong điều kiện hiện nay nhiệm vụ trước mắt vẫn là phục hồi kinh tế, nhưng không thể quên mục tiêu quan trọng là phát triển công nghiệp phụ trợ và phải tạo hình hài rõ ràng cho ngành này.