Phương Tây trừng phạt Nga: Lợi thì có lợi...

Theo Trí thức trẻ

(Tài chính) Các biện pháp trừng phạt được phương Tây áp dụng sau khi Crimea sáp nhập vào Nga được cho là cứng rắn hơn so với thái độ trước đây. Tuy nhiên, sự thực không phải như vậy.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, các chính trị gia phương Tây lo ngại rằng xã hội phương Tây sẽ gặp nhiều bất lợi bởi họ ít sẵn sàng hơn trong việc chịu đựng những bất tiện buộc phải có để có thể giành chiến thắng. 

Trước khi sự kiện ở Crimea xảy ra, không ít người quan niệm hiện tượng này đang lặp lại: phương Tây quá tham lam để có thể đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin. Ví dụ, hãy nhìn vào cuộc chiến giữa Nga và Georgia năm 2008 hay vụ cựu điệp viên Alexander Litvinenko bị ám sát tại một nhà hàng sushi ở London. 

Các biện pháp trừng phạt được áp dụng sau khi Crimea sáp nhập vào Nga được cho là cứng rắn hơn so với thái độ trước đây. Tuy nhiên, sự thực có phải như vậy? 

Ngày 17/3, lập luận rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là vô nghĩa và không hợp pháp, chính phủ Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt đối với 11 nghị sĩ Nga và Ukraine. EU cũng đưa ra danh sách của riêng mình.Danh sách của Mỹ bao gồm Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và một số nghị sĩ ở Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) cùng với cựu Tổng thống Viktor Yanukovych của Ukraine. Ngược lại, danh sách của EU dài hơn (21 người) nhưng chủ yếu là các lãnh đạo quân đội.

Những người có tên trong danh sách sẽ không thể tới Mỹ hoặc EU, đồng thời bất kỳ tài sản nào do họ đứng tên ở những nơi trên sẽ bị đóng băng. Các doanh nghiệp Mỹ và EU bị cấm làm ăn với họ. Bộ Tài chính Mỹ khẳng định lệnh trừng phạt sẽ có tác dụng kể cả khi những người này không có tài sản ở Mỹ bởi họ không thể sử dụng USD trong bất cứ giao dịch này. Đồng thời, các ngân hàng quốc tế cũng phải dè chừng.

Sự thận trọng thể hiện trong bản danh sách của EU phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ EU. Ba Lan, Thụy Điển và các quốc gia vùng Baltic thuộc phe “diều hâu”, trong khi Hy Lạp, Síp và Italia dẫn đầu phe “bồ câu”. Síp – vốn vẫn đang chìm trong suy thoái sau khi hệ thống ngân hàng đổ vỡ - là nơi cất giấu tài sản của giới nhà giàu Nga. Còn đối với Hy Lạp – vốn đang hi vọng sẽ tìm thấy động lực tăng trưởng mới, lệnh cấm vận đồng nghĩa với mất đi lượng lớn du khách Nga. 

Quá trình triển khai các biện pháp trừng phạt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp của Libya, một số lệnh trừng phạt đã thất bại. Hơn 100 vụ kiện cáo liên quan đến các lệnh trừng phạt đã được đem ra Tòa án Công lý châu Âu trong nhiều năm trong khi EU phải tìm được bằng chứng thuyết phục để chống lại từng người cụ thể. Điều này cũng có nghĩa là tấn công Tư lệnh của Hạm đội Biển Đen sẽ dễ dàng hơn so với cố vấn của Tổng thống Nga – người không có mối quan hệ rõ ràng với Crimea. 

Cả Mỹ và châu Âu đều nói rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu và lệnh trừng phạt sẽ được mở rộng tùy thuộc vào động thái của Nga. Tuy nhiên, kể cả khi điều đó xảy ra, các biện pháp trừng phạt khó có thể mang lại tác động nhiều như đối với nền kinh tế Iran. 

Theo Fiona Hill – chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Brookings, lệnh trừng phạt có nghĩa là nói với BP, Exxon, Chevron, Shell, Boeing và Siemens rằng họ không thể kinh doanh ở Nga. 

Hơn nữa, cấm vận không chỉ khiến các công ty phương Tây thiệt hại mà còn có thể ảnh hưởng đến cả các chính phủ nếu thông tin từ các điệp viên Nga được tung lên Internet. 

Rõ ràng là các chính phủ phương Tây (đặc biệt là châu Âu) không sẵn sàng hi sinh nhiều cho Ukraine. Cô lập Nga sẽ thực sự gây tổn hại cho kinh tế thế giới, trong khi chưa chắc những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn sẽ khiến Nga thay đổi dự định.