Quan chức Fed cho rằng không cần sớm giảm lãi suất
Nhận định trên được ông Eric Rosengren, người đứng đầu Fed chi nhánh Boston, đưa ra hai tuần trước khi Fed chuẩn bị tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo.
Một thành viên có quyền bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết ngân hàng trung ương này không cần sớm cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tốc độ tăng trưởng như hiện tại.
Nhận định trên được ông Eric Rosengren, người đứng đầu Fed chi nhánh Boston, đưa ra hai tuần trước khi Fed chuẩn bị tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo.
Trong bài phát biểu được chuẩn bị trước cho sự kiện tại Easton, bang Massachusetts, ông Rosengren đồng ý rằng những rủi ro cho nền kinh tế Mỹ đang tăng lên, bao gồm những vấn đề liên quan đến thương mại và tình hình địa chính trị diễn biến phức tạp.
Ông Rosengren, thành viên làm việc lâu năm nhất của FOMC, lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức thấp, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn ổn định ở quanh mức 2% và lạm phát nằm dưới mục tiêu của Fed. Nếu những yếu tố này được duy trì, Fed sẽ không cần phải có hành động điều chỉnh chính sách ngay lập tức
Chủ tịch Fed chi nhánh Boston cho biết yếu tố khiến ông có quan điểm tích cực như vậy nằm ở chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng góp tới 70% nền kinh tế Mỹ. Cho đến nay, hoạt động tiêu dùng tại Mỹ vẫn tỏ ra khá mạnh nhờ thị trường lao động vững mạnh và tăng trưởng tiền lương ở mức tương đối.
Ông Rosengren cũng nhận định rằng sự đảo ngược của cái gọi là đường cong lợi suất - một yếu tố được coi là dấu hiệu sắp xảy ra suy thoái – lại ít đáng sợ hơn so với vẻ ngoài của nó.
Theo ông Rosengren, những lần đường cong lợi suất đảo ngược trước đây là do Fed tăng lãi suất ngắn hạn để ngăn chặn tình trạng tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế. Nhưng lần này, nó xảy ra vì các nhà đầu tư ồ ạt đổ dòng tiền vào trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm thay vì những trái phiếu có lợi suất âm ở Nhật Bản và châu Âu.
Hơn nữa, ông cho rằng nếu nỗi lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ sắp suy thoái đang tạo ra sự đảo ngược của đường cong lợi suất, chúng cũng nên được thể hiện ở các thị trường khác.
Chủ tịch Fed chi nhánh Boston chỉ ra rằng quan điểm như vậy dường như không quá phổ biến trên các thị trường chứng khoán, báo cáo trái phiếu doanh nghiệp hoặc dự báo kinh tế. Về tổng thể, thị trường chứng khoán vẫn khá mạnh và cho thấy những lo ngại về suy thoái dường như chưa được phản ánh trong giá cổ phiếu hiện tại.
Các thị trường rất kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay tại cuộc họp tháng này, giữa bối cảnh các chỉ số cảnh báo khả năng suy thoái bắt đầu đỏ rực và nền kinh tế toàn cầu chậm lại do tác động từ các cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump phát động. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã chậm ở mức 2,1% trong quý II/2019, giảm mạnh so với mức tăng 3,1% trong quý trước đó. Mặc dù tăng trưởng việc làm mạnh và chi tiêu tiêu dùng ổn định, song sản lượng chế tạo đã giảm hai quý liên tiếp và đầu tư kinh doanh giảm trong quý II.
Fed dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp chính sách vào ngày 17-18/9 tới.