Quản lý chặt chẽ hơn đối với hàng chuyển cửa khẩu
Hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá xuất khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa đến cửa khẩu xuất. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa.
Cụ thể, với mặt hàng hạt nhựa là nguyên liệu sản xuất có mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%, được doanh nghiệp mở tờ khai tại chi cục hải quan ngoài cửa khẩu. Theo Khoản 3, Điều 18 Nghị định 154 dẫn trên “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng sản xuất được đưa về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất”. Như vậy, để được mở tờ khai ở chi cục hải quan thì các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng hạt nhựa nguyên liệu phải đáp ứng điều kiện có nhà máy, cơ sở sản xuất.
Nhưng khi cơ quan Hải quan cửa khẩu kiểm tra đăng ký kinh doanh thì nhiều doanh nghiệp chỉ có chức năng bán buôn hạt nhựa, không có cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu hạt nhựa này, cũng không xuất trình được quyết định công nhận địa điểm kiểm tra hàng hóa. Với trường hợp này doanh nghiệp phải hủy tờ khai và mở lại tờ khai tại chi cục hải quan cửa khẩu. Khi đó sẽ có ý kiến cho rằng đơn vị Hải quan cửa khẩu cố tình gây khó dễ, đòi hỏi thêm giấy tờ trong hồ sơ hải quan… Nhưng giả sử, nếu lô hàng đó thuộc diện miễn kiểm tra, sau khi thông quan bị cơ quan chức năng khác kiểm tra trong các container hàng trên không phải hạt nhựa mà chứa hàng hóa khác thì Hải quan cửa khẩu có tránh được trách nhiệm liên đới?
Trường hợp khác là các lô hàng sản phẩm hoàn chỉnh như gạch ốp lát, chuông cửa, gỗ ván sàn, điều hòa trung tâm, thiết bị nhà bếp… cung cấp cho các dự án đầu tư không thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu do các nhà thầu phụ mở tờ khai nhập khẩu. Thông thường Hải quan ngoài cửa khẩu chỉ căn cứ vào hợp đồng ký giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ để mở tờ khai.
Các nhà thầu phụ thường là đơn vị chuyên cung cấp, lắp đặt các hạng mục hoàn thiện nội thất, cũng như các công ty xuất nhập khẩu khác có chức năng bán buôn các sản phẩm nội thất cho các công trình; loại hình nhập khẩu là nhập kinh doanh, đầu tư - kinh doanh hoặc đầu tư nộp thuế. Thực tế hiện nay cơ quan Hải quan không có cơ sở theo dõi số lượng, hạn mức, cũng như không có căn cứ xác định số hàng hóa nhập khẩu bán ra thị trường hay cung cấp cho công trình nào, hoặc công trình nào đã hoàn thành, không còn nhu cầu nhập khẩu… vấn đề này tiềm ẩn nhiều hậu quả khó lường, nhất là xu hướng tỷ lệ miễn kiểm tra thực tế hàng hóa ngày càng gia tăng. Nên chăng là loại hợp đồng này cũng cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kèm danh mục hàng, hạn mức, số lượng để trừ lùi.
Để tăng cường công tác quản lý, vừa qua Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3140/TCHQ-GSQL ngày 7/6/2013 để chỉ đạo, nội dung tăng cường trách nhiệm cho các đơn vị hải quan nơi mở tờ khai, đồng thời yêu cầu đơn vị hải quan cửa khẩu có sự phối hợp tốt hơn trong giải quyết hàng chuyển cửa khẩu. Tuy nhiên, hiện trạng làm thủ tục hải quan hiện nay là hệ thống thông quan điện tử không có cơ sở dữ liệu phân tích, cho kết quả lô hàng nào không thuộc đối tượng chuyển cửa khẩu để tự động từ chối không ra số tờ khai.
Trong khi nhận thức của nhiều doanh nghiệp chưa thấu đáo, thiết nghĩ các đơn vị Hải quan (cả cửa khẩu và ngoài cửa khẩu) cần giải thích rõ để doanh nghiệp hiểu quy định. Mặt khác các đơn vị Hải quan cửa khẩu cũng cần cương quyết không làm thủ tục cho các lô hàng chuyển khẩu chưa đúng đối tượng, kể cả khi doanh nghiệp đã kê khai nộp thuế cho lô hàng tại đơn vị Hải quan ngoài cửa khẩu.
Còn nhớ trong những năm 1990, trước sự bùng phát của nhu cầu tiêu dùng và thị trường hàng hóa, nên đã có qui định cho phép các doanh nghiệp thương mại được làm thủ tục cho tất cả các mặt hàng tại chi cục hải quan ngoài cửa khẩu. Rồi sau đó đã xảy ra vụ án Tân Trường Sanh (xảy ra giai đoạn 1994-1997). Do sự bất cẩn trong quản lý, tắc trách và cả thông đồng của một số công chức, đã có hàng hóa thẩm lậu vào nội địa, gây hậu quả lớn. Ngành Hải quan đã phải trả giá đắt về vấn đề này…
Để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời góp phần ngăn ngừa các hành vi lợi dụng sơ hở để nảy sinh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, cả phía doanh nghiệp và cán bộ công chức hải quan kỳ vọng những nội dung cụ thể nêu trên được cụ thể hóa và phân định trách nhiệm minh bạch trong Thông tư sửa đổi Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính cũng như được giải đáp thỏa đáng ở các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Khoản 3, Điều 18 Nghị định 154 quy định:
Hàng hoá nhập khẩu được chuyển cửa khẩu gồm:
a) Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa là chân công trình hoặc kho của công trình;
b) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng sản xuất được đưa về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất;
c) Hàng hoá nhập khẩu của nhiều chủ hàng có chung một vận tải đơn được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa;
d) Hàng hoá tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm; hàng hoá dự hội chợ, triển lãm tái xuất được chuyển cửa khẩu từ địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm ra cửa khẩu xuất;
đ) Hàng hoá nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được chuyển cửa khẩu về cửa hàng miễn thuế;
e) Hàng hoá nhập khẩu đưa vào kho ngoại quan được phép chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về kho ngoại quan; hàng hoá gửi kho ngoại quan xuất khẩu được chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất;
g) Hàng hoá nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về khu chế xuất; hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ khu chế xuất ra cửa khẩu xuất.