Quản lý đất đai: Quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin

Theo ktdt.vn

(Tài chính) Đất đai vừa là phương tiện sản xuất, vừa là tài sản quý giá của các hộ gia đình để lo chỗ ăn, chỗ ở. Tuy nhiên, pháp luật đất đai hiện nay còn không ít kẽ hở, tạo nguy cơ tham nhũng lớn và khiếu kiện nhiều.

Quản lý đất đai: Quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin
Sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền về quản lý đất đai là yếu tố tạo nên bền vững xã hội. Nguồn: internet
Nên chăng, cần có sự đồng thuận cần thiết giữa chính quyền và người dân  và công khai, minh bạch thông tin trong lĩnh vực quản lý đất đai. Đó là ý kiến của Gs.,Ts. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.

Theo Gs.,Ts. Đặng Hùng Võ, sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền có thẩm quyền quyết định về đất đai là yếu tố tạo nên bền vững xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, sự đồng thuận này vẫn thiếu hụt. Người dân cho rằng, chính quyền "thân" với các nhà đầu tư kinh tế hơn dân, có thể một phần vì ưu đãi đầu tư phát triển nhưng cũng có nơi vì lợi ích nhóm. Có nhiều cách để vừa đầu tư phát triển và vừa đồng thuận được với dân, trong đó, lợi ích từ đầu tư phát triển phải được chia sẻ minh bạch, hợp lý và công bằng. 

Tăng cường quyền giám sát của công dân

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nhiều ý tưởng về cơ chế tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân. Theo đó, vai trò của người dân cần được xác định cụ thể trong quá trình hình thành các quyết định của Nhà nước về đất đai như quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ lần đầu. Vai trò của người dân cần cho cả quá trình quản lý như tham gia giám sát việc thực thi pháp luật; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; giám sát việc sử dụng đất. Tuy nhiên, sự tham gia của người dân là phải của cả cộng đồng với ý kiến đa số, để đạt được công bằng, khách quan. 

Về quyền giám sát của công dân, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định nguyên tắc người dân được trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện cho mình thực hiện quyền giám sát trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên tắc như vậy chưa đủ vì người dân cần một cơ chế để thực hiện được quyền giám sát của mình. Chỉ cần Luật Đất đai quy định các cơ quan quản lý đất đai phải thiết lập "đường dây nóng" theo nhiều kênh chuyển tải thông tin để có thể tiếp nhận ý kiến giám sát của người dân; chỉ rõ tên người có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển tới nơi xử lý; công khai ý kiến giám sát của dân, quá trình xử lý và kết quả xử lý.

Trước đây, trong giai đoạn mới thành lập, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức đường dây nóng như vậy. Khi kiểm tra về quy hoạch "treo", dự án "treo", chỉ trong 1 tuần, Bộ đã nhận được khoảng 3.000 ý kiến phản ánh về tình trạng đất đai bị "treo" ở các địa phương, và đi kiểm tra thực tế đều đúng. Cơ chế giám sát thông qua sự tham gia của người dân là một vũ khí rất mạnh để phòng, chống tham nhũng trong đất đai. 

Bổ sung các quy định cụ thể 

Gs.,Ts. Đặng Hùng Võ cho biết, công khai, minh bạch thông tin trong quy định của pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp sổ đỏ lần đầu; trình tự, thủ tục hành chính về đất đai và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, việc thực hiện công khai, minh bạch này rất yếu kém ở các cấp địa phương. Theo khảo sát năm 2010 của Ngân hàng Thế giới tại 24 huyện và 117 xã trên địa bàn cả nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới chỉ được công khai ở 10/24 huyện và 60/117 xã. Công khai thông tin về thủ tục cấp sổ đỏ được thực hiện ở 93/117 xã; danh sách người được cấp sổ đỏ ở 35/117 xã; và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở 24/117 xã. Như vậy, pháp luật đã có quy định cụ thể nhưng địa phương không thực hiện khá phổ biến.

Công khai, minh bạch thông tin trong quản lý đất đai là công cụ quan trọng để người dân đủ điều kiện tham gia vào quản lý đất đai, phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. "Điều cần hướng đến là Luật Đất đai (sửa đổi) phải bổ sung các quy định về công khai, minh bạch thông tin. Trong đó, phải tính tới 3 việc cơ bản nhất: Công khai, minh bạch không chỉ thủ tục hành chính mà còn cả quá trình thực hiện thủ tục hành chính; công khai, minh bạch về dự án đầu tư cần lấy đất và năng lực của chủ đầu tư dự án; công khai, minh bạch dữ liệu của hệ thống thông tin đất đai, trừ đất sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng" - Gs.,Ts. Đặng Hùng Võ chia sẻ.