Quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong 25 năm qua và định hướng cho giai đoạn mới (*)
(Tài chính) Là một trong những dấu ấn đậm nét nhất của chính sách đổi mới kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam được ban hành lần đầu tiên vào tháng 12/1987, trở thành khung khổ luật pháp cơ bản đầu tiên cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta về mở cửa, hội nhập. Tuy có đôi lúc thăng trầm, song khu vực kinh tế có vốn ĐTNN nói riêng và các hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung đã thể hiện vai trò tích cực trong thành tựu tăng trưởng, phát triển của Việt Nam suốt 25 năm qua, và ngày càng khẳng định ảnh hưởng tích cực nhiều mặt đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời gian tới.
Trong các giai đoạn tiếp theo, ĐTNN là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, khai thông thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách nhà nước, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo thêm việc làm.
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, ĐTNN đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như BP, Total, Toyota, Canon, Samsung, Intel, Unilever… với những sản phẩm chất lượng quốc tế, qua đó vừa góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới, vừa góp phần tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa. ĐTNN cũng đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cho quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Mặc dù ĐTNN đã đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song việc thu hút ĐTNN thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng. Đó là tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp, chưa thu hút được công nghệ nguồn, tỷ lệ việc làm mới chưa cao. Tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với quy hoạch; chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề an ninh quốc gia; chưa chú ý đến hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản... còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Nhiều dự án chưa được thẩm tra, xem xét kỹ các khía cạnh công nghệ, lao động, môi trường, lao động... dẫn đến chất lượng dự án chưa cao. Những hạn chế vốn có của hoạt động đầu tư tư nhân như chuyển giá; không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động về giờ làm việc, tiền lương, phúc lợi, dẫn đến việc đình công, bãi công; vi phạm pháp luật về môi trường chậm được khắc phục.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư gián tiếp không còn ổn định do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, ODA có xu hướng giảm dần do Việt Nam tham gia vào hàng ngũ nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn trong nước còn hạn chế, thì ĐTNN càng trở thành là nguồn lực quan trọng cho mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ chiến lược mới với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, thu hút ĐTNN trong giai đoạn tới cần quán triệt định hướng sau:
Một là, cần tạo bước chuyển mạnh về thu hút ĐTNN từ chạy theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.
Hai là, đặc biệt quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ.
Ba là, quy hoạch thu hút ĐTNN theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng và phù hợp tổng thể lợi ích quốc gia.
Bốn là, chuyển dần thu hút ĐTNN với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.
Để thực hiện thành công các mục tiêu về thu hút và sử dụng ĐTNN thời gian tới theo định hướng nêu trên thì việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng thị trường nội địa để tạo ưu thế về quy mô thị trường, tập trung khắc phục các “nút thắt” về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, trong đó có công nghiệp hỗ trợ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta cùng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư đồng bộ, minh bạch, rõ ràng và có tính tiên liệu. Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn tới, đồng thời đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Cải tiến một cách căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và đối tác. Công tác quản lý doanh nghiệp có vốn ĐTNN cũng được chú trọng cải thiện hiệu quả, đặc biệt là tập trung chuyển đổi mạnh áp dụng chế độ hậu ưu đãi và hậu kiểm, kết hợp tăng cường chế độ báo cáo, thống kê và giám sát, thanh tra.
Cuối cùng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục cho công dân và doanh nghiệp; kiên quyết đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí để tạo môi trường kinh tế xã hội thuận lợi, cạnh tranh thu hút mạnh mẽ hơn nữa vốn đầu tư FDI.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến nhanh và phức tạp, mang lại không ít những cơ hội và thách thức cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, cần có giải pháp đột phá, có hiệu quả và tính thực thi cao để cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục thu hút và phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn ĐTNN. Sự gia tăng quy mô và chất lượng liên kết kinh tế quốc tế không những tăng cường nguồn lực phát triển nền kinh tế mà còn là động lực của việc tiếp tục đổi mới trong nước và giảm thiểu sức ép, rủi ro từ bên ngoài.
Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ và những kinh nghiệm quý báu đã đúc kết được sau 25 năm phát triển, ĐTNN nói riêng và hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung sẽ tiếp tục đạt được những thành công và có những đóng góp xứng đáng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển của đất nước.
(*) Bài viết này được trích từ kỷ yếu Hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.