Thiện tốt vai trò đại diện vốn nhà nước
Ra đời từ năm 2006, đến nay, sau 8 năm hoạt động, SCIC đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Nhà nước giao: Tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; tái cơ cấu và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN); thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế trên nguyên tắc hiệu quả… Quy mô vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty đều đạt mức tăng trưởng khá qua các năm. Cụ thể, sau 8 năm hoạt động, mô hình SCIC đã thể hiện sự đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phần vốn nhà nước tại DN, bước đầu thực hiện được các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước và góp phần tích cực vào tiến trình tái cơ cấu DNNN nói chung, cụ thể:
Thứ nhất, về tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước
Tính đến ngày 31/12/2013, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 965 DN. Trong đó, có vốn nhà nước tại 4 Tổng công ty đã cổ phần hóa (CPH) bao gồm: Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại, Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng. Về cơ bản, việc tiếp nhận được thực hiện thận trọng, theo đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Hiện SCIC đang nỗ lực phối hợp với các bộ, tỉnh, thành phố để rà soát, đôn đốc việc chuyển giao vốn nhà nước tại DN về SCIC theo chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị định 151/2013/NĐ-CP, Nghị quyết 15/NQ-CP, Chỉ thị 06/ CT-TTg, Thông báo số 85/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ...
Trong thời gian tới, theo quyết định phê duyệt CPH của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tập đoàn, tổng công ty sẽ thực hiện chuyển giao về SCIC sau CPH như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Lilama, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tông công ty Đầu tư nước và môi trường…
Thứ hai, về đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn
Thông qua mô hình hoạt động của SCIC, bước đầu đã thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn, từng bước hạn chế sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động của DN. Theo đó:
- Phân loại danh mục đầu tư: Để thực hiện việc quản trị DN, SCIC đã xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi toàn bộ vốn đầu tư tại các DN, phân tích, phân loại các DN theo nhóm để có các biện pháp khác nhau áp dụng đối với từng nhóm nhằm quản lý hiệu quả, khoa học phần vốn nhà nước tại DN.
- Kiện toàn hệ thống người đại diện: Đối với một số DN quan trọng hoặc đang có nhiều tồn tại, SCIC trực tiếp cử cán bộ làm Người đại diện và tham gia quản lý DN; từng bước thực hiện tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, đặc biệt ở những DN nhóm A, SCIC đã ban hành các Quy chế liên quan đến Người đại diện vốn của SCIC tại DN và thường xuyên sửa đổi, hoàn thiện các Quy chế này nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với đặc thù của SCIC.
- Thực hiện biện pháp quản trị DN thông qua vai trò cổ đông: Thực hiện các biện pháp quản trị DN, SCIC đã chủ động phát huy vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN theo quy định của pháp luật: Chủ động phương án tham gia các Đại hội cổ đông; nghiên cứu, góp ý và biểu quyết các quyết định, các phương án kinh doanh của DN; thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin và vai trò cổ đông nhà nước DN; tham gia mua cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các DN kinh doanh có hiệu quả có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước. Đặc biệt, phát huy vai trò cổ đông năng động, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý tồn tại của các DN thuộc danh mục quản lý. Đồng thời, đối với các DN có nhiều tồn tại, SCIC cũng chủ động phối hợp với địa phương theo Quy chế phối hợp đã ký kết để chia sẻ thông tin, trao đổi thảo luận, thường xuyên phối hợp trong quá trình xử lý các tồn tại của DN.
- Thực hiện sắp xếp, CPH các công ty TNHH một thành viên sau tiếp nhận: Trong số 26 công ty TNHH một thành viên đã tiếp nhận, qua hơn 8 năm triển khai đã sắp xếp, CPH được 22 DN. Các DN sau sắp xếp, CPH đều hoạt động ổn định và có sự tăng trưởng tốt.
- Chủ động phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. SCIC đã ký kết 51 quy chế phối hợp với các địa phương; ký kết quy chế phối hợp với Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh (Bộ Công an) trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm lợi ích Nhà nước tại DN; thỏa thuận hợp tác với 2 Sở Giao dịch Chứng khoán: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thứ ba, phát huy vai trò trong đổi mới doanh nghiệp nhà nước
SCIC đã trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước tiếp tục sắp xếp, CPH và cơ cấu lại phần vốn nhà nước, tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đáp ứng nhiệm vụ đầu tư theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh củng cố, tái cơ cấu các DN tiếp nhận, SCIC đã từng bước thoái vốn nhà nước đang đầu tư ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, tập trung nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề quan trọng của nền kinh tế.
Tính đến 30/9/2014, SCIC đã bán vốn tại 698 DN, trong đó bán hết vốn tại 632 DN thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, thu về gần 5.800 tỷ đồng, chênh lệch so với giá trị sổ sách gần 3.150 tỷ đồng; đạt tỷ lệ trung bình 2,2 lần so với giá trị sổ sách. Việc bán vốn được thực hiện hiệu quả, bảo toàn và tăng thặng dư vốn với việc lựa chọn DN để bán vốn, lựa chọn thời điểm để bán; đồng thời, thực hiện tái cấu trúc lại DN trong từng trường hợp nhằm gia tăng giá trị vốn để thực hiện bán vốn.
Thứ tư, thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng theo chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ
Từ nguồn thu được từ hoạt động bán vốn và lợi nhuận qua các năm, SCIC đã tiến hành đầu tư vào các DN/dự án thuộc ngành, nghề, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Lũy kế tổng vốn đầu tư hiện hữu cổ phiếu, trái phiếu, dự án, góp vốn thành lập DN mới tính đến ngày 31/12/2013 là hơn 12.000 tỷ đồng. Một số dự án trọng điểm SCIC đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư như sau: Dự án Tháp Tài chính quốc tế; Dự án 29 Liễu Giai; Dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc chữa ung thư hợp tác với Công ty dược phẩm CFR - Chile; Dự án Tháp Truyền hình; Dự án mở rộng giai đoạn 2 của Thép Thái Nguyên; Tham gia góp vốn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và tư vấn đầu tư Việt Nam; Đầu tư trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Quân đội; triển khai nghiên cứu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng theo hình thức mua lại cổ phần thoái đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Nghị quyết số 15/NQ-CP, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.
Thứ năm, tạo điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh:
Sau 8 năm hoạt động, các chỉ tiêu tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của SCIC đều tăng trưởng với tốc độ tăng khá qua các năm (tính đến ngày 31/12/2013, tổng tài sản của SCIC tăng gần 8,1 lần so với năm 2006).
Mặt khác, với sự tham gia quản lý của SCIC theo phương thức mới đã giúp các DN nâng cao hiệu quả, tăng trưởng phần vốn nhà nước đầu tư tại DN. Đánh giá lại giá trị phần vốn nhà nước của danh mục 349 DN nhận bàn giao (tại thời điểm 20/12/2013 theo Nghị định 151/2013/NĐ-CP) theo giá trị thị trường tăng gấp 6,8 lần so với giá trị sổ sách.
Bên cạnh những kết quả trên, trong những năm qua, hành lang pháp lý cho hoạt động của SCIC cũng liên tục được hoàn thiện. Điển hình như, nhằm củng cố, phát triển mô hình SCIC, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những khó khăn vướng mắc trong hoạt động đối với SCIC, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã xây dựng, báo cáo và được Bộ Chính trị phê duyệt Đề án “Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của SCIC”. Tại Kết luận số 78-KL/ TW ngày 26/7/2010, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho SCIC hoạt động có hiệu quả, làm rõ địa vị pháp lý và hướng hoạt động của SCIC. Ngày 01/11/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC. Ngày 16/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2014/NĐ-CP về Điều lệ và tổ chức hoạt động của SCIC. Triển khai Đề án tái cơ cấu DNNN theo Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012; ngày 2/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2344/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015.
Khẳng định vai trò trong tái cơ cấu doanh nghiệp
Trong tiến trình tái cơ cấu DNNN, mô hình hoạt động của SCIC ngày càng được khẳng định tầm quan trọng và đã trở thành “lực đẩy” cho nhanh tiến trình này theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể:
Một là, mô hình SCIC bước đầu góp phần thực hiện thành công các chủ trương, định hướng chính sách của Đảng đề ra trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) trong việc đẩy mạnh sắp xếp, nâng cao hiệu quả DNNN, chấm dứt tình trạng cơ quan hành chính Nhà nước can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; Phân định rõ quyền quản lý hành chính kinh tế của Nhà nước và quản lý sản xuất của DN.
Hai là, SCIC bước đầu đã trở thành công cụ của Chính phủ trong việc sắp xếp, đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại DN. SCIC đã thực hiện vai trò cổ đông năng động, sau khi tiếp nhận DN, SCIC đã chủ động thực hiện các biện pháp quản trị DN theo quy định của pháp luật; triển khai các hoạt động tái cơ cấu, xử lý các tồn tại về quản trị, tài chính; kiện toàn hệ thống người đại diện… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Đồng thời, SCIC thực hiện tái cấu trúc vốn nhà nước tại DN thông qua việc bán phần vốn nhà nước tại các DN quy mô nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ; ngoài ra, đầu tư thêm vào DN sản xuất kinh doanh hiệu quả; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư đồng thời thu hồi vốn, tập trung vốn có hiệu quả cho Nhà nước; bước đầu tách biệt chức năng quản lý nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.
Một số vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả tích cực trên, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, SCIC nhận thấy có một số vấn đề sau:
Một là, nếu để các bộ, địa phương quản lý DNNN đã chuyển đổi, CPH thì có thể gần với DN về mặt địa bàn, tuy nhiên sẽ nhiều bất cập, phân tán, mang nhiều tính hành chính trong quá trình thực hiện quản lý DN, đặc biệt, đối với các DN CPH. Với vai trò là 1 cổ đông “nhà nước” hoạt động bình đẳng theo luật DN đòi hỏi phải thường xuyên, trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và quyết định các vấn đề quan trọng như quản trị, tổ chức, nhân sự, tăng vốn, thoái vốn… Do vậy, qua thực tế triển khai trong thời gian qua cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy phải có một đầu mối thống nhất, chuyên nghiệp, linh hoạt để thực hiện quản lý DNNN đã chuyển đổi, CPH theo nguyên tắc thị trường.
Hai là, đối với các DN kinh doanh tốt, cần tái cơ cấu để đầu tư mở rộng, tăng vốn nhà nước hoặc tránh nguy cơ DN mất cân đối… thì cần tổ chức có chuyên môn về đầu tư tài chính và có nguồn lực để thực hiện, trong khi đó các Bộ, địa phương lại thiếu nguồn vốn cho DN.
Ba là, đối với các DNNN không cần nắm giữ, cần thực hiện quy trình CPH tiếp theo là thoái vốn thì các bộ, địa phương thường triển khai chậm và nếu triển khai thì phải thực hiện đầy đủ các quy trình định giá, tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư, giao dịch trên sàn, đấu giá công khai… theo nguyên tắc thị trường, trong khi đây là chức năng chuyên môn của tổ chức đầu tư tài chính như SCIC.
Bốn là, về công tác kiện toàn, đánh giá người đại diện sẽ khó thực hiện tốt nếu gắn với bộ, địa phương quản lý do vẫn mang nặng tính chất hành chính, trong khi đó công tác này được SCIC điều phối thực hiện thuận lợi hơn, do chủ yếu dựa trên quan hệ dân sự, đánh giá cụ thể theo hiệu quả hoạt động DN và bản thân người đại diện.
Năm là, do không phải là cơ quan có chức năng chuyên môn tài chính và nguồn vốn cần thiết nên việc bộ, địa phương thực hiện đầu tư kinh doanh vốn, đặc biệt các ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm quốc gia sẽ không thuận lợi và khó khả thi…
Sáu là, quản lý vốn phân tán tại các tỉnh, thành phố và bộ ngành sẽ: Khó áp dụng nhất quán các quy trình, quy chuẩn về quản lý DN, về xem xét thẩm định các phương án tăng vốn và đầu tư dự án, về việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin...; Khó tạo được các kết nối theo chuỗi giá trị theo ngành dọc và ngành ngang (ngành dược, ngành xây dựng).
Tính đến 30/9/2014, SCIC đã bán vốn tại 698 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 632 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, thu về gần 5.800 tỷ đồng, chênh lệch so với giá trị sổ sách gần 3.150 tỷ đồng; đạt tỷ lệ trung bình 2,2 lần so với giá trị sổ sách.
Những khó khăn, vướng mắc
Với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, SCIC là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN, thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc thị trường. SCIC hiện quản lý danh mục đầu tư bao gồm hàng trăm trăm DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, như: dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin… Trong quá trình hoạt động, SCIC gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý, đầu tư, đại diện vốn… điển hình như:
- Về tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN: Qua hơn 8 năm hoạt động, vốn nhà nước tại SCIC quản lý mới bằng khoảng 3% tổng số vốn nhà nước đầu tư tại DN. Lý do là đối tượng tiếp nhận mới chỉ hạn chế tại các công ty TNHH, công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập thuộc các bộ, địa phương; Chưa quy định việc chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty sau CPH (chỉ chuyển giao một số tổng công ty theo quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ). Điều đó dẫn tới khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại DN gắn với quá trình tích tụ, tập trung vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, củng cố tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thông qua mô hình SCIC. Việc tiếp nhận vốn giảm dần, đặc biệt là từ năm 2008 do một số tỉnh, thành phố chuyển giao vốn chậm, mặc dù SCIC có nhiều giải pháp đôn đốc, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo.
- Về việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thông qua ủy quyền người đại diện:
Địa vị pháp lý, trách nhiệm, quyền lợi của Người đại diện không rõ ràng; Một số người đại diện chưa tuân thủ đầy đủ quy định về báo cáo, lấy ý kiến của SCIC; Chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Người đại diện còn bất cập, chưa có hướng dẫn cụ thể.
- Về quản trị DN thông qua vai trò cổ đông: Bên cạnh các kết quả đạt được, việc quản lý vốn của SCIC vẫn còn gặp nhiều vướng mắc do các tồn tại phát sinh trước thời điểm CPH chưa giải quyết dứt điểm; Nhiều vấn đề phức tạp phát sinh tại DN như kiện cáo kéo dài, nhiều bất cập, tồn tại về tài chính, quản trị DN; Các DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau (đa ngành) nên đòi hỏi kiến thức tổng hợp, chuyên sâu của các cán bộ quản lý DN...
- Về bán vốn nhà nước: Công tác bán vốn nhà nước tại DN còn chậm, số lượng DN bán vốn thành công giảm dần qua các năm từ năm 2010, nguyên nhân là do: (i) Trong số DN đã tiếp nhận đến nay có đến 80% các DN quy mô nhỏ, nằm rải rác ở nhiều địa phương, tỷ lệ sở hữu SCIC thấp, làm ăn không hiệu quả, có nhiều tồn tại về tài chính, quản trị… do vậy không thu hút nhà đầu tư; (ii) Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 151/2013/NĐ-CP, các quy định về thoái vốn nhà nước tại DN do SCIC quản lý còn bó hẹp, nhiều bất cập; (iii) Sức mua giảm, thị trường chứng khoán khó khăn.
- Về công tác đầu tư: Một số quy định về trình tự, thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc, làm kéo dài quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư của SCIC; Tình hình thị trường một số năm gần đây hết sức khó khăn dẫn tới việc lựa chọn dự án đầu tư bị hạn chế…
Một số kiến nghị về mô hình đại diện chủ sở hữu
Để tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và khắc phục những khó khăn, hạn chế đối với quá trình tái cơ cấu DNNN, thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, cần quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước tại các Nghị quyết Trung ương, Kết luận 78-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh sắp xếp, nâng cao hiệu quả DNNN, đổi mới tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN tiến tới không còn chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, UBND các tỉnh, thành phố đối với DNNN mà thông qua SCIC. Tiếp tục khẳng định chủ trương tập trung đầu mối đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước tại các DN đã chuyển đổi, CPH sang SCIC.
Thứ hai, Quốc hội quan tâm, chỉ đạo ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo chủ trương của Đảng, cụ thể, khẳng định tiếp tục mô hình SCIC theo kết luận Bộ chính trị và vai trò của SCIC đối với tái cơ cấu DNNN tại dự thảo Luật DN (sửa đổi) và Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, căn cứ quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP và Nghị định 57/2014/NĐ-CP, nghiêm túc thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN sang SCIC (bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty đã CPH). Căn cứ định hướng chuyển giao và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định 151/2013/NĐ-CP và Nghị định 57/2014/NĐ-CP, việc thí điểm mô hình công ty đầu tư tài chính nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội nên có tổng kết đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ ba, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tạo điều kiện cho SCIC được trực tiếp tham gia đầu tư các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Với mô hình hoạt động theo Nghị định 151/2013/ NĐ-CP, Nghị định 57/2014/NĐ-CP; triển khai cụ thể hóa định hướng hoạt động theo Quyết định số 2344/QĐ-TTg, SCIC đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển SCIC đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển SCIC là: Tiếp tục củng cố SCIC với vai trò là tổ chức kinh tế đặc biệt, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; đẩy mạnh đổi mới phương thức đầu tư vốn nhà nước, từng bước thực hiện thống nhất quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước tại DN. Phát triển SCIC trở thành Tập đoàn tài chính có quy mô lớn trong khu vực, nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ trong và ngoài nước; Tập trung đầu tư có hiệu quả theo nguyên tắc thị trường vào các ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu Nhà nước cần nắm giữ chi phối.
Sau 8 năm hình thành và hoạt động, mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung tại SCIC đã phát huy hiệu quả nguồn lực nhà nước tại các DN, đồng thời góp phần quan trọng vào công tác sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc phát sinh vẫn tiếp tục đặt ra với SCIC trong quá trình hoạt động, đòi hỏi hành lang pháp cần tiếp tục được hoàn thiện, nhằm nâng cao công tác quản lý, đầu tư kinh doanh hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại DN…
Quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước: Nhìn từ mô hình SCIC
(Tài chính) SCIC ra đời trước yêu cầu cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Những kết quả SCIC đạt được trong đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đã và đang góp phần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp, bảo toàn và phát huy nguồn vốn nhà nước…
Xem thêm