Quản lý minh bạch việc thu, chi các khoản tiền và hiện vật ở các chùa và cơ sở thờ tự


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thu, chi các khoản tiền và hiện vật được Phật tử, nhân dân và các tổ chức đóng góp vào các Chùa, cơ sở thờ tự để giúp quản lý minh bạch nguồn kinh phí này, tránh việc các nhân lợi dụng trục lợi, gây ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và gây bất bình trong nhân dân.

Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch. Nguồn: plo.vn
Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch. Nguồn: plo.vn

Trong kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh gửi tới Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn việc thu, chi các khoản tiền và hiện vật được Phật tử, nhân dân và các tổ chức đóng góp vào các Chùa, cơ sở thờ tự để giúp quản lý minh bạch nguồn kinh phí này, tránh việc các nhân lợi dụng trục lợi, gây ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và gây bất bình trong nhân dân.

Trả lời kiến nghị của cử tri, trong Công văn số 3271/BTC-HCSN của Bộ Tài chính gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó, Khoản 6 Điều 19 về Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của các bộ, ngành liên quan quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc “hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”.

Triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP; trên cơ sở ý kiến đề xuất các nội dung chuyên môn về công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích và hoạt động lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn số 3948/BVHTTDL-DSVH ngày 2/10/2019, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội để gửi xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin Bộ Tài chính để tiếp thu ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân.

Ngoài ra, liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn công đức, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014 hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, trong đó tại Điều 7 quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức.

Cụ thể, người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch. Đồng thời, phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.