Quản lý, quy hoạch Báo chí – Nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong giai đoạn tới
(Tài chính) Báo chí có vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đang tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Báo chí Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh chóng và đa dạng, đòi hỏi công tác quản lý, quy hoạch cũng phải đổi mới và định hướng phù hợp để các loại hình báo chí phát huy tác dụng (PHẦN I).
CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ TRONG THỜI GIAN QUA
Từ trước đến này, Đảng ta luôn coi báo chí là phương tiện hữu hiệu để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X đã nêu rõ công tác tư tưởng, lý luận và báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Ðảng. Tại bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đề cập đến công tác quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, đây là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm. Trong bài phát biểu, đồng chí Tổng bí thư đã chỉ đạo: quy hoạch là để phát triển, tạo điều kiện cho báo chí có thể cung cấp thông tin với chất lượng cao hơn, số lượng nhiều hơn, phục vụ tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình phát triển hệ thống báo chí trên toàn quốc hiện nay, công tác quy hoạch là yêu cầu cần thiết.
Để có góc nhìn đa chiều hơn về công tác quản lý báo chí trong giai đoạn hiện nay, thấy được những điểm mạnh cũng như những điểm yếu cần khắc phục, bài viết cung cấp một số nội dung sau:
Thực trạng công tác báo chí thời gian qua
Những hạn chế do công tác quản lý chưa chặt chẽ gây ra, như:
- Hệ thống báo chí của ta vừa thừa vừa thiếu: Trong khi trên thế giới, tình trạng các cơ quan báo in phải sáp nhập, giảm số lượng phát hành, tìm các hình thức thay thế hoặc giải thể,… nhưng ở Việt Nam lại có tình trạng ngược lại, mỗi năm, đầu báo chí đều có xu hướng tăng lên, dù không nhiều. Thực ra đó không phải là hậu quả của cơ chế xin cho và Việt Nam cũng không đi ngược với xu thế của thế giới, số lượng cơ quan báo tăng không nhiều, sự gia tăng cơ quan báo chí, gia tăng đầu báo chí thời gian qua chủ yếu là từ các Viện, các trường đại học… Xuất điểm là do sự phát triển khoa học công nghệ, khoa học nghiên cứu lý luận và nhu cầu cung cấp thông tin, cung cấp kết quả nghiên cứu đến các đối tượng quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, dẫn đến ra đời một số tạp chí cung cấp thông tin trong lĩnh vực này, số lượng tạp chí gia tăng cao hơn so với báo chí và chủ yếu là tạp chí nghiên cứu. Mặt khác, do nhu cầu đọc báo in đang giảm, cơ quan báo in muốn tồn tại xu hướng tất yếu là phải chuyển dần sang báo điện tử, do đó, đầu báo điện tử tăng lên, trong khi đầu báo in vẫn còn đang khai thác. Lịch sử báo chí đã kiểm chứng, báo in ra đời đầu tiên sau đó đến hình thức báo nói. Tuy nhiên, báo nói (phát thanh) dù có cạnh tranh nhưng không tiêu giệt báo in. Đến hình thức truyền hình ra đời, sự cạnh tranh càng mạnh mẽ hơn nhưng cũng không triệt nhau. Đến nay, tình thế có thể thay đổi, khi báo điện tử ra đời, nó là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của báo in, có thể thay thế báo in, do thế mạnh về thông tin nhanh, không có giới hạn về thời gian và không gian. Lúc này, hệ thống báo chí đã bộc lỗ rõ sự vừa thừa vừa thiếu của mình;
- Tôn chỉ mục đích còn trùng chéo: Có tình trạng, nhiều tờ báo, tạp chí (trên cả 4 loại hình in, phat thanh, truyền hình, điện tử) còn na ná nhau về tôn chỉ mục đích; chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình; thông tin lấn sân sang của ngành khác, ít nói đến lĩnh vực ngành mình phụ trách. Ngay cả đối tượng bạn đọc cũng chưa được xác định đúng;
- Chưa quản lý chặt chẽ nội dung thông tin, xuất bản: Ngoài thông tin chồng chéo, tình trạng nhiều cơ quan báo chí cùng đưa 1 thông tin (thậm chí thông tin chưa có sự kiểm định đúng sai) là chuyện quá thường tình. Nhiều báo điện tử, báo mạng đưa thông tin không đúng đường lối của Đảng Nhà nước; thông tin phản cảm, câu khách; thông tin không phù hợp thuần phong, mỹ tục, phong tục tập quán của người Việt Nam như đăng ảnh khỏa thân, hành vi tình dục, chém giết… Nguy hại nhất là các trang báo điện tử “lề trái” đưa ra các thông tin sai sự thật, bôi xấu chế độ và các nhà lãnh đạo… khiến xã hội bất an. Công tác xuất bản quản lý lỏng lẻo, còn để tình trạng có nhà xuất bản in lậu sách, không nộp lưu chiểu, vi phạm bản quyền, làm sai lệch bản gốc, có nội dung in xúc phạm uy tín cá nhân và tổ chức liên quan,… ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác xuất bản và gây dư luận không tốt trong xã hội;
- Chưa quản lý được đầu báo và người làm báo: Hiện thông tin có từ rất nhiều nguồn, cả chính thống và không chính thống. Các cá nhân cũng dễ dàng trở thành người làm báo (Blog), thông tin cá nhân cũng trở thành các thông tin “hot” trên toàn quốc, thậm chí, khiến cả thế giới quan tâm, người làm báo cá nhân hay tổ chức cá nhân có thể thu được nguồn lợi kinh phí rất nhiều từ các nhà quản lý hệ thống do thu hút lượng view cao. Ở khía cạnh khác, vừa qua, có rất nhiều bài viết đề cập đến tình trạng các trang báo điện tử, Blog trở thành các trang bán hàng, thương mại điện tử lẩn thuế, khiến Nhà nước thất thu ngân sách và tạo ra sự không công bằng trong kinh doanh. Thêm nữa, cơ quan chức năng cũng chưa quản lý được về tần xuất và thời lượng phát hành (đặc biệt là báo điện tử, báo nói) từ các trụ sở phát hành đặt ở nước ngoài, do vậy, chưa khống chế được nội dung của các loại hình này, mà thông tin từ đây thường là thông tin gây dư luận hoang mang, mục đích làm suy yếu hệ thống chính trị của nước ta và sự lãnh đạo của Đảng;
- Công tác xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí: Trong năm qua, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng trăm trường hợp để đảm bảo sự công bằng cho người dân, tổ chức và xã hội (trong đó, có hình thức xử phạt bằng tiền, cảnh cáo, có trường hợp bị thu hồi, rút giấy phép xuất bản, tạm dừng phát hành, đình chỉ hoạt động…). Theo thống kê trường hợp vi phạm phải xử phạt bằng tiền, thì số tiền phạt lên tới nhiều tỷ đồng. Có thể kể tên cả báo trung ương và địa phương, cả cơ quan báo chí và nhà xuất bản cũng vi phạm và bị xử phạt như: Đài Truyền hình Việt Nam; báo điện tử VietnamNet, Trí thức Trẻ, Pháp luật và Xã hội; báo Tuổi trẻ, Đầu tư, Dân trí, Nông thôn ngày nay, báo Khánh Hòa…, Nhà xuất bản Thời đại, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin…
Tuy nhiên, ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước hướng tới chứ không phải xử lý vi phạm, vì công tác báo chí là “người” dẫn đường, định hướng dư luận, những thông tin phát ra, bất luận dưới hình thức nào, cũng gây dự luận nhiều chiều trong xã hội, chúng ta phải quản lý ngay từ khâu đầu, hạn chế đến mức thấp nhất những dư luận tiêu cực.
Những việc phải làm ngay:
Để công tác báo chí, xuất bản đi đúng đường lối, có rất nhiều việc phải làm, nhưng phải định ra những công việc trước mắt cần phải tiến hành song cùng với công tác quy hoạch cho sự phát triển lâu dài. Cụ thể:
- Làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản và người đứng đầu: Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng mới phối hợp xử phạt đối tượng là cơ quan báo chí vi phạm chứ chưa quy trách nhiệm người đứng đầu (tổng biên tập, giám đốc) cũng như cơ quan chủ quản các đơn vị báo chí, xuất bản vi phạm, dù trong các văn bản Luật cũng đã quy định việc quy trách nhiệm đó. Tới đây, công tác xử lý vi phạm phải áp dụng đối với cả các đối tượng này để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng như người đứng đầu lên.
- Duy trì công khai công tác thông tin: Cung cấp thông tin báo chí gắn với nền hành chính minh bạch, với việc cơ quan hành chính nhà nước phải công khai hoạt động của mình (cả tốt và chưa tốt) cho người dân biết. Quy định về trách nhiệm này, ngay từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/05/2007 Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó, có chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, tỉnh… cơ quan chức năng phải thực hiện. Tuy nhiên, hiện vẫn có tình trạng, nhiều cơ quan (nhất là các cơ quan hành chính của bộ hay ở các tỉnh, huyện, xã) đã không cung cấp thông tin cho báo chí, từ chối trả lời khi các nhà báo, phóng viên đến làm việc… Để xử lý vấn đề này, ngày 4/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế mới kèm theo Quyết định 25/2013/QĐ-TTg về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Quy chế này yêu cầu các cơ quan hành chính phải cung cấp thông tin đều đặn hơn, ít nhất phải họp báo 3 tháng/lần để cung cấp thông tin đến người dân và cơ quan báo chí. Ngoài ra, khi có việc xảy ra, cơ quan hành chính phải trả lời ngay trong ngày (không đợi đến định kỳ họp báo mới cung cấp). Không hạn chế các đối tượng cung cấp thông tin, mọi người đều có quyền cung cấp thông tin và phải chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.
- Rà soát nội dung đăng tải trên báo chí, trang tin điện tử và mạng xã hội… nhằm hạn chế tối đa những bài viết có nội dung sai phạm. Vừa qua, sai phạm nhiều nhất là trên các trang thông tin điện tử, gây bức xúc trong dư luận. Các đơn vị chức năng đã tăng cường kiểm tra, rà soát nội dung thông tin trên các trang tin điện tử và mạng xã hội để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc, bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Đảng và Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, không chỉ quản lý chặt chẽ nội dung báo điện tử (đặc biệt các báo điện tử không phép) mà còn phải quản lý chặt chẽ nội dung báo in. Rà soát lại các ấn phẩm phụ của các báo, ấn phẩm nào thực hiện nội dung không đúng tiêu chí sẽ bị thu hồi giấy phép.
Một vấn đề quan trọng hiện nay là công tác quy hoạch báo chí, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng có thể phát huy vai trò quản lý, đưa hệ thống báo chí nước ta đi đúng hướng, phát huy tác dụng.
(Chúng tôi sẽ cung cấp nội dung này trong phần II của bài báo).
Tài liệu tham khảo:
- tapchicongsan.org.vn; vov.vn; vtc.vn
- Báo điện tử chinhphu.vn; baochivietnam.com.vn; business.gov.vn…