Quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo


Quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của người dân, đặc biệt trong bối cảnh người dân đặt ra câu hỏi, số tiền công được được quản lý thế nào, thu chi ra sao, tính minh bạch của các khoản chi này... tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua.

Cần tăng cường công tác quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Cần tăng cường công tác quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo các công văn số 7467/VPCP-QHĐP ngày 21/8/2019 về việc quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; theo đó, tại Khoản 6 Điều 19 Nghị định có quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính: “hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”. 

Bộ Tài chính cho rằng, đây là lĩnh vực khó, nhạy cảm, có tính chất chuyên môn, chuyên ngành sâu thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, Bộ Tài chính đã có các công văn, gồm: Công văn số 11803/BTC-HCSN ngày 27/9/2018, Công văn số 2489/BTC-HCSN ngày 05/3/2019 và Công văn số 10200/BTC-HCSN ngày 30/8/2019 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nội dung: “Công tác tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội có tính chất chuyên môn, chuyên ngành sâu thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu và có ý kiến đề xuất các nội dung chuyên môn có liên quan gửi Bộ Tài chính để có căn cứ tổng hợp, nghiên cứu hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, đảm bảo phù hợp với hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội”.

Bộ Tài chính đã có các văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu và có ý kiến đề xuất các nội dung chuyên môn có liên quan gửi Bộ Tài chính để có căn cứ tổng hợp, nghiên cứu hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, đảm bảo phù hợp với hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội”.

Tuy nhiên, đến thời điểm Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Văn phòng Chính phủ chuyển theo Công văn số 7467/VPCP-QHĐP ngày 21/8/2019, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản đề xuất nội dung chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Tài chính cho biết, tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính sẽ đôn đốc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương có ý kiến và phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, nghiên cứu hướng dẫn nội dung nêu trên theo quy định.

Thời gian qua, việc quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận. Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ mới đây, PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, trong lĩnh vực tâm linh hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân bỏ tiền ra đầu tư và họ có nguồn thu. Trước nay việc thống kê, hoạch toán các nguồn thu chi chưa chặt chẽ, vì thế có những nhóm lợi ích lợi dụng lòng tin của người dân để mưu cầu lợi ích riêng.

Chuyên gia này cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ để có cách thức quản lý nguồn thu chi tốt hơn hiện nay. Cần có sự tham gia giám sát của các cơ quan liên ngành. Khi đó toàn bộ nguồn thu từ hoạt động lễ hội, công đức... đều được kiểm đếm, tính toán phân chia theo tỉ lệ hợp lý. Trong đó, cụ thể tỉ lệ đóng góp cho ngân sách địa phương và trung ương; bao nhiêu tiền giữ lại để sử dụng vào bảo tồn, trùng tu, hay chi tiêu... Tất cả những khoản chi tiêu phải được dự toán, báo cáo bằng hóa đơn.

"Rõ ràng việc công khai, minh bạch nguồn thu sẽ tạo cho người ta tin rồi sẽ tin hơn, đồng tiền đó sẽ được phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng", PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về sự méo mó trong quản lý quỹ công đức tại các cơ sở tôn giáo thì theo tôi, thời gian tới Nhà nước cần có sự rà soát, phân tích, đánh giá. Nếu xác định có hiện tượng méo mó thì phải có hình thức chế tài. Bởi nếu không thì sẽ có những tác động rất xấu cho niềm tin tín ngưỡng.