Quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện lộ trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001- 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tế cho thấy, trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, thì quản lý hiệu quả nguồn tài chính trở thành một nhiệm vụ trọng tâm và rất cần thiết, ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng cung cấp dịch vụ của đơn vị. Đồng thời, tác động đến thu nhập của cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Việc quản lý nguồn tài chính góp phần quản lý chặt chẽ các nguồn thu từ ngân sách nhà nước, từ viện trợ hay từ sản xuất kinh doanh của đơn vị, trên cơ sở đó đánh giá được hiệu quả hoạt động của đơn vị. Bên cạnh đó, công tác này cũng góp phần tạo khuôn khổ chi tiêu phù hợp với tình hình tài chính, làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán tại đơn vị; Đảm bảo được nguồn tài chính cho hoạt động của đơn vị, từ đó đưa ra những kế hoạch, định hướng phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn của sự phát triển. Ngoài ra, việc quản lý cũng giúp cho các khoản chi được thực hiện theo đúng kế hoạch, đạt hiệu quả hoạt động cao đồng thời tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cũng như nhiều đơn vị sự nghiệp công lập khác trong cả nước, việc thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo được những thay đổi đáng kể trong nhận thức của cán bộ, nhân viên trong Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An. Qua đó tạo tính tự chủ cho đơn vị trong việc ra các quyết định, trong đó có các quyết định tài chính, mang tính chủ động v à sát với thực tiễn hơn, thu được hiệu quả cao hơn. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã thực hiện đầy đủ cơ chế quản lý tài chính, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, những quy định tại Nghị định này cũng đã giúp Trung tâm mở ra khả năng tự chủ trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, phát triển hoạt động sự nghiệp; Vay vốn các tổ chức tín dụng, huy động vốn từ các cán bộ, nhân viên và từ các nhà đầu tư (thông qua các hoạt động liên doanh, liên kết), từ đó tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị mở rộng các hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao. Tóm lại, nhờ việc nghiêm túc chấp hành các quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về các định mức, chế độ, tiêu chuẩn cho các nội dung chi, trong thời gian qua, công tác quản lý tài chính ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã đi vào nề nếp, đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý tài chính

Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP, việc làm này đang được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trung tâm khuyến nông. Tuy nhiên, với những đặc thù trong hoạt động để công tác quản lý tài chính tại các trung tâm khuyến nông trong cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng thu được kết quả tốt, cần chú ý vào các giải pháp trọng tâm sau:

Một là, giải pháp về cơ chế quản lý tài chính.

- Đưa ra các giải pháp tăng nguồn thu: Tăng nguồn thu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trung tâm khuyến nông. Do vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cần phát huy thành công từ một số dự án như: Dự án khí sinh học, dự án nông nghiệp thông minh... và các hợp đồng trách nhiệm ký kết với các dự án ODA nhằm tăng cường hợp tác quốc tế để có được thêm nguồn thu từ các dự án tài trợ. Ngoài ra, Trung tâm cần mở rộng và phát triển các dịch vụ, tư vấn khuyến nông để mang lại nguồn thu cho đơn vị, từ đó góp phần cung cấp cho nông dân các loại giống cây, giống con, vật tư, phân bón có chất lượng tốt; cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp một dịch vụ tư vấn có chất lượng cao.

- Đổi mới cơ chế tự chủ trong công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính và tài sản: Cần tăng cường quản lý việc sử dụng nguồn tài chính để nâng cao năng lực tự chủ tài chính cho Trung tâm. Ngoài ra, cần tập trung quản lý chi tiêu nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo thực hiện chủ trương đẩy mạnh tiết kiệm chống lãng phí của Nhà nước. Trung tâm cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện Quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với tình hình thay đổi cơ chế chính sách và thực tế...

- Đổi mới cơ chế phân phối kết quả hoạt động tài chính và chi tiền lương tăng thêm: Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo động lực và tạo niềm tin cho cán bộ viên chức và người lao động, Trung tâm cần nâng cao mức chi tiền lương tăng thêm vì thu nhập của người lao động sẽ quyết định đến hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, Trung tâm cần tăng trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập để tạo sự chủ động trong chi tiêu tiền lương, tiền công; tạo niềm tin cho cán bộ viên chức và người lao động khi nền kinh tế của cả nước đang gặp khó khăn.

Hai là, hoàn thiện công tác quản lý tài chính, tài sản.

- Hoàn thiện công tác xét duyệt phân bổ kinh phí: Đối với việc xây dựng mô hình khuyến nông, dựa trên quá trình theo dõi, giám sát, chọn lọc qua các năm, Trung tâm cần lựa chọn và đề xuất danh mục mô hình khuyến nông trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Trên cơ sở danh mục các mô hình lựa chọn, căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật, tỷ lệ hỗ trợ và chế độ của nhà nước, Trung tâm xây dựng dự toán kinh phí chi tiết cho từng mô hình, trình cơ quan quản lý phân bổ và phê duyệt... Tranh thủ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền ở địa phương để xây dựng và nâng cao chất lượng các bản tin khuyến nông, kết nối mạng và trao đổi thông tin với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia…

- Hoàn thiện công tác tổ chức hạch toán kế toán: Trung tâm và các trạm trực thuộc cần rà soát để hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ, bổ sung, cập nhật những văn bản tài chính mới, sửa đổi những quy định chưa phù hợp, thay thế những văn bản đã bị bãi bỏ. Bổ sung, chỉnh sửa các văn bản quy định tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng công việc của cán bộ viên chức và người lao động. Hàng năm sau khi kiểm tra, xét duyệt quyết toán tài chính năm cho đơn vị cần phải ra thông báo kết quả kiểm tra, xét duyệt theo đúng tinh thần Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính.

- Hoàn thiện công tác quản lý và sử dụng tài sản: Tăng cường hơn nữa việc sử dụng và khai thác tài sản đúng mục đích được giao, đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả đồng thời phải chịu trách nhiệm nếu có sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản. Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của các phòng ban chuyên môn, các trạm trực thuộc nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh nhưng tránh đầu tư dàn trải, không đồng bộ gây lãng phí nguồn vốn...

Quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp: Một số kiến nghị

ThS. TRẦN MẠNH HÀ

(Tài chính) Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hiện vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác quản lý tài chính. Trong bối cảnh đó, yêu cầu về hoàn thiện công tác quản lý tài chính hiệu quả tại các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và hệ thống Trung tâm khuyến nông tại các địa phương nói riêng là rất cần thiết.

Xem thêm

Video nổi bật