Quản lý thị trường vàng: Thành lập định chế chuyên biệt (*)
(Tài chính) Những chính sách quản lý thị trường vàng thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ghi nhận những thành công nhất định, dù mới đáp ứng nhu cầu vàng trong nền kinh tế, chưa tập trung vào nguồn cung vàng. Trong khi đó, nếu để huy động vàng trong dân càng làm nhu cầu nắm giữ vàng tăng lên, khiến NHNN mất nhiều chi phí để triển khai. Vì thế, cần có những giải pháp quyết liệt để quản lý hiệu quả thị trường vàng, đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Mô hình đặc thù
Trong các giải pháp chúng ta đang thực hiện để quản lý thị trường vàng, chuyển đổi vàng huy động chỉ là cách thức đáp ứng tạm thời nguồn cung đang thiếu hụt. Việc đấu thầu vàng tạo ra chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được xem như một phần của giải pháp tác động lên cầu.
Tuy nhiên, nguồn vàng đấu thầu được nhập khẩu xem như sự thiếu hụt nguồn cung và Việt Nam phải xuất ngoại tệ để nhập khẩu, nên cũng không phải là giải pháp lâu dài. Hơn nữa, chúng ta phải thừa nhận tính hấp dẫn của vàng dưới góc độ một kênh đầu tư khi biến động giá vàng thế giới ngày càng tăng, tức phải chấp nhận thực tế về nhu cầu đầu tư, đầu cơ trên giá vàng.
Từ đó, cần tạo ra một kênh đầu tư vàng hiệu quả và cách làm theo đúng thông lệ thế giới. Dựa trên những bước đi trong việc quản lý thị trường vàng đạt được thời gian qua và những tồn tại hiện nay cũng như đặc thù quốc gia, chúng tôi đề xuất giải pháp mang tính dài hạn hơn, đó là thành lập định chế tài chính chuyên biệt (SPV) thực hiện một số công việc sau:
Thứ nhất, trực tiếp sản xuất vàng miếng thay vì ký hợp đồng với Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Hiện nay, hầu hết công ty kinh doanh vàng không được phép sản xuất vàng miếng, trừ SJC được phép sản xuất theo đơn hàng của NHNN. Nếu để hình thức này tồn tại sẽ làm yếu đi tính thống nhất trong quản lý.
Thứ hai, kiểm định chất lượng vàng lưu thông theo tiêu chuẩn đăng ký. Hiện nay người nắm giữ vàng dù nữ trang hay vàng miếng đều chủ yếu dựa trên niềm tin của thương hiệu. Khi xảy ra tranh chấp, chưa có cơ quan quản lý nhà nước đủ điều kiện giám định sản phẩm lưu hành.
Thứ ba, tổ chức mua bán vàng miếng và vàng nữ trang. Hiện nay, NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng ra thị trường thông qua các thành viên thị trường đủ điều kiện theo Nghị định 24. Các thành viên thị trường sau khi mua được vàng đấu thầu sẽ làm các thủ tục nhận vàng vật chất, trong khi nhu cầu của các thành viên này là đầu tư tích trữ.
Do đó trước mắt sẽ thực hiện việc ghi sổ số vàng đấu thầu và nhận giữ hộ lượng vàng cho các thành viên thị trường. Vấn đề đặt ra là việc đấu thầu vàng của NHNN đáp ứng nhu cầu người dân, không phải cho các thành viên thị trường (ngân hàng, công ty kinh doanh vàng).
Do đó, bước tiếp theo NHNN tiến hành thiết lập một hệ thống giao dịch vàng vật chất thống nhất theo mô hình sàn giao dịch vàng tập trung mà các nước trên thế giới đang thực hiện: SPV.
Các giải pháp
Thứ nhất, nhà đầu tư thực hiện mở tài khoản giao dịch vàng miếng tại SPV thông qua các thành viên thị trường là các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty kinh doanh vàng.
Do giải pháp mà chúng tôi đề xuất là loại bỏ vàng ra khỏi bảng cân đối tài sản, NHTM không đầu tư mà chỉ thực hiện chức năng môi giới trung gian cho nhà đầu tư. Tài khoản vàng và tiền có thể là một do SPV đảm nhận hoặc có thể mở tài khoản tiền gửi tại các NHTM và được kết nối vào hệ thống giao dịch của SPV.
Thứ hai, các công ty kinh doanh vàng vừa thực hiện trung gian môi giới nhưng có thể được phép thực hiện chức năng tự doanh. Lúc này, NHNN xem xét để có thể quyết định cho phép giao dịch vàng miếng song hành, vừa mua bán vàng miếng thông qua sàn giao dịch vàng tập trung, vừa duy trì cách thức hiện tại, hoặc chấm dứt việc mua bán vàng miếng tại các công ty kinh doanh vàng và chỉ mua bán thông qua tài khoản tại SPV. Khi hoạt động của SPV đi vào ổn định, Nhà nước có thể chấm dứt chức năng kinh doanh vàng miếng của các công ty kinh doanh vàng.
Thứ ba, nhà đầu tư có thể nhận vàng miếng trực tiếp tại các chi nhánh SPV. Bằng việc mở tài khoản mua vàng miếng tại các điểm giao dịch trung gian và kết nối tài khoản tiền tại ngân hàng, người dân có thể mua vàng miếng theo mức giá mình đặt ra. Lúc này, việc mua bán vàng miếng sẽ không còn sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán như hiện nay các công ty kinh doanh vàng niêm yết giá.
Trên cơ sở của những giá trị mua bán, SPV sẽ quy định mức phí người mua bán phải trả. Khi có nhu cầu rút vàng miếng, người mua vàng có quyền nhận được vàng miếng tại các chi nhánh SPV. Hoạt động mua bán này sẽ giúp người dân khi có nhu cầu mua bán vàng không bị thiệt hại về giá giữa chênh lệch của giá mua bán hiện nay. Họ cũng được Nhà nước đảm bảo cho nhu cầu cất trữ thay vì phải thực hiện nghiệp vụ giữ hộ vàng tại các NHTM hiện nay.
Thứ tư, SPV sẽ nhận ký gửi vàng miếng của các tổ chức nắm giữ vàng, bao gồm nhà đầu tư và các công ty kinh doanh vàng. Vàng được ký gửi có thể bao gồm cả vàng nữ trang, các loại vàng miếng của các thương hiệu khác SJC đã được phát hành và lưu thông trước đó.
Thông qua việc giám định chất lượng vàng phi SJC, SPV sẽ quy đổi sang vàng miếng chuẩn SJC cho người dân và thực hiện việc lưu ký lượng vàng miếng này. Bằng cách này người dân đang nắm giữ vàng phi SJC sẽ được đảm bảo lợi ích mà không bị các đơn vị kinh doanh vàng miếng chèn ép giá.
Đồng thời, SPV sẽ tham gia bán vàng hoặc mua vàng khi cần thiết. Thông qua việc giao dịch vàng tập trung, SPV xác định hay đo lường được nhu cầu để có những chính sách quản lý thị trường vàng thích hợp nhằm tác động lên nguồn cung hay lực cầu về vàng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc đấu thầu vàng của SPV chỉ được thực hiện thông qua các thông báo đấu thầu chứ không trực tiếp tác động trong từng phiên giao dịch của thị trường. Điều này cũng thường diễn ra tại các ngân hàng trung ương trên thế giới khi tiến hành bán vàng dự trữ ra thị trường. SPV phải có cơ chế đảm bảo minh bạch thông tin khi có những can thiệp vào thị trường vàng để tránh hoặc giảm thiểu việc trục lợi thông tin.
Thứ năm, các công ty kinh doanh vàng sau khi chấm dứt việc phân phối vàng miếng chỉ còn thực hiện kinh doanh vàng nữ trang theo tiêu chuẩn đăng ký với SPV. Các công ty kinh doanh vàng sau khi mua được vàng miếng có thể tự doanh lượng vàng miếng này như một nhà đầu tư trên thị trường và có thể nhận lại lượng vàng miếng để chế tác sang vàng nữ trang.
SPV sẽ tiến hành giám sát hoạt động chuyển đổi này để tránh tình trạng ngụy tạo của các công ty kinh doanh vàng. Vàng miếng được nhận không nhất thiết phải là vàng miếng đúng nghĩa mà có thể là thỏi.
Thứ sáu, SPV có thể mua lại vàng nữ trang từ các công ty kinh doanh vàng theo giá vàng thị trường tại thời điểm mua để dự trữ hoặc chế tác sang vàng miếng đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc mua lại vàng nữ trang được thực hiện trên cơ sở kết quả giám định chất lượng vàng và chi phí chế tác vàng.
Và xa hơn, chúng ta có thể phát triển SPV dưới dạng một quỹ đầu tư tín thác vàng theo mô hình của các quỹ ETF (Exchange Trade Fund) khá nổi tiếng trên thế giới như SPDR, khi đó các nhà đầu tư có thể đầu tư vào vàng thông qua việc đầu tư vào các chứng chỉ quỹ này. Tuy nhiên, đây là một giải pháp dài hơi và cần có những nghiên cứu chuyên sâu và đề án chi tiết.
Hài hòa lợi ích
Trên cơ sở phác thảo này, chúng tôi cho rằng thị trường vàng Việt Nam sẽ được quản lý một cách tập trung và thống nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. NHNN cũng sẽ đo lường được nhu cầu vàng của nền kinh tế. Điều quan trọng là có khả năng một lượng vàng lớn của nền kinh tế dưới hình thức vàng miếng sẽ được ký gửi tại SPV.
Việc thành lập SPV như trên kế thừa được những thành quả hiện tại NHNN đã đạt được như chuẩn hóa một loại vàng lưu thông SJC, độc quyền sản xuất vàng miếng và đấu thầu vàng. Mặc dù vậy vẫn còn nhiều bất cập hiện nay trong quá trình quản lý thị trường vàng.
Chẳng hạn, làm thế nào để NHNN mua vàng trong dân, chất lượng vàng chưa được quản lý thống nhất, vàng nữ trang còn bỏ ngỏ, người có vàng hiện nay thiếu nơi ký gửi. Giải pháp hình thành SPV có khả năng giải quyết các bất cập hiện nay trong quá trình quản lý thị trường vàng.
(*) Trích báo cáo thường niên "Triển vọng kinh tế Việt Nam: Thể chế và minh bạch" của Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh.