Quản lý thị trường vàng: Tránh vừa đá bóng, vừa thổi còi
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quản lý, vừa tham gia vào việc sản xuất vàng để cung cấp cho thị trường "giống như vừa đá bóng, vừa thổi còi", không phù hợp thông lệ với quốc tế.
Nghị định số 24/2012/NĐ-CP không còn phù hợp
Trước thời điểm năm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Do đó, để chống “vàng hóa” nền kinh tế, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có quy định “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”, giống như một “vũ khí” hữu hiệu giúp ổn định thị trường vàng, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất.
Tuy nhiên, sau 12 năm, giá vàng một lần nữa lại là chủ đề nóng được bàn luận, bởi không chỉ giá tăng cao mà chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới cũng là vấn đề đáng chú ý. Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước có thể gây nên những rủi ro tác động tiêu cực đến sự an toàn của thị trường tài chính tiền tệ nền kinh tế và tâm lý xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ban hành công điện về các giải pháp quản lý thị trường vàng đồng thời yêu cầu NHNN tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, đề xuất hướng sửa đổi cho phù hợp với thị trường.
Theo TS. Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, về nguyên tắc, vai trò NHNN là cơ quan quản lý, không phải là đơn vị độc quyền xuất nhập khẩu vàng, sản xuất vàng, tức không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Ông Hùng cho rằng, NHNN không thể cung cấp vàng nguyên liệu để sản xuất. Bởi, NHNN muốn đảm bảo nguồn cung vàng SJC thì phải nhập khẩu vàng. Trong khi đó, NHNN không thể can thiệp thị trường bằng cách lấy nguồn dự trữ ngoại hối, dự trữ quốc gia để nhập khẩu, làm kinh doanh rồi bán cho người dân.
“Việc NHNN không cho nhập khẩu vàng là có lý lẽ riêng của cơ quan quản lý, nhưng họ lại không đảm được nguồn cung cho thị trường. Vì vậy, tôi nghĩ là cần phải tách bạch việc quản lý nhà nước với việc kinh doanh, phải trả lại kinh doanh cho thị trường”, ông Hùng chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Hùng, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có nhiều bất cập, bởi thời điểm trước năm 2012 khác hoàn toàn với hiện tại.
Cách đây 12 năm, người dân dùng vàng để thanh toán thay cho tiền, gây hệ lụy tiêu cực cho thị trường tiền tệ, lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Do đó, Nhà nước cần phải có sự can thiệp mạnh tay là độc quyền xuất nhập khẩu và sản xuất vàng để tránh được tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.
“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi không còn chuyện người dân chỉ dùng vàng để thanh toán”, ông Cường cho biết.
Tạo ra thị trường cạnh tranh nhưng có kiểm soát
Dỡ bỏ thế độc quyền của Nhà nước, doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra – vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới. Vì vậy, hầu hết ý kiến chuyên gia đều cho rằng, nên trả vàng về cho thị trường, tức là để cho thị trường - các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập. NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, thậm chí giám sát giá cả khi cần thiết.
Theo PSG. TS. Hoàng Văn Cường, khi doanh nghiệp được phép kinh doanh thì sẽ tạo được sức cạnh tranh cho thị trường, khi đó, nhà đầu tư, người tiêu dùng sẽ không phải chịu mức áp giá “vô lý” giữa vàng SJC, vàng miếng, vàng nhẫn chỉ vì câu chuyện thương hiệu Nhà nước.
“Chúng ta cần phải đa dạng hóa thị trường này để liên thông với thế giới, được phát triển một cách bình như các thị trường hàng hóa khác”, ông Cường nhận định.
Tuy nhiên, kinh doanh cạnh tranh vẫn phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, hạn chế tính trạng đầu cơ, đảm bảo phương tiện thanh toán phù hợp.
Do đó, NHNN cần từng bước mở lại thị trường huy động vốn và cho vay bằng vàng giữa tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng để liên thông giữa các bộ phận của thị trường vàng. Điều đó không những đảm bảo sự điều tiết tốt hơn đối với giá vàng vật chất mà còn hạn chế sự đầu cơ, thao túng giá vàng.
Đồng bộ với những bước đi trên, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như đảm bảo khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả hơn.
Việc nghiên cứu để thành lập chính thức hệ thống thị trường vàng với những thiết chế tập trung phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng để khơi thông nguồn vốn vật chất quan trọng này đối với nền kinh tế.