Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo cơ chế mới

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đối với quản lý hộ kinh doanh, từ 1/1/2015 sẽ thực hiện theo cơ chế quản lý mới. Do đó, cơ quan Thuế phải xác định doanh thu thật, sát thực tiễn và ổn định để áp tỷ lệ vào cho hộ kinh doanh; đảm bảo hài hòa an sinh xã hội và chống thất thu Ngân sách Nhà nước.

Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo cơ chế mới
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quản chặt lĩnh vực nhà hàng, khách sạn

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, từ 1-1-2015 sẽ thực hiện theo cơ chế quản lý mới như: Căn cứ tính thuế Thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh được xác định căn cứ trên thu nhập chịu thuế tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh...

Theo đó, thay vì phải kê khai nộp thuế theo quy trình khá phức tạp trước đây, thì  các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ chỉ thực hiện nộp thuế Thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % trên doanh thu hay còn gọi là nộp thuế khoán. Cụ thể, tại Luật quy định hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nộp thuế Thu nhập cá nhân theo Biểu thuế suất toàn phần trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh như sau: Phân phối, cung cấp hàng hoá: 0,5%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 2%. Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp là 5%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 1,5%; hoạt động kinh doanh khác là 1%. Số thuế phải nộp của các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan Thuế.

"Với hình thức này, việc kê khai nộp thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ đơn giản hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người nộp thuế, người dân có điều kiện giám sát việc thực hiện của cơ quan Thuế" - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mục tiêu đặt ra đối với mức thu ở các hộ kinh doanh là làm sao đạt và vượt dự toán tối đa 6%; trong đó tập trung quản lý thuế đối với hộ kinh doanh lớn như: Trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn. Do vậy, cơ quan Thuế cần khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hình thức thành lập DN để quản lý.

"Theo kế hoạch năm 2015, Bộ Tài chính sẽ ban hành các quy định về chế độ kế toán, trong đó có bổ sung hướng dẫn nhóm DN siêu nhỏ”- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay.

Tập trung tuyên truyền

Chia sẻ về những nỗ lực của ngành Thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, mặc dù từ 1-1-2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật thuế mới có hiệu lực thi hành nhưng ngay từ những ngày đầu của tháng 12 này, cơ quan Thuế các cấp đã xây dựng kế hoạch bố trí cán bộ thường trực kể cả ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật) để cung cấp tờ khai thuế theo mẫu mới cho hộ kinh doanh; cũng như tiếp nhận và xử lý vướng mắc của người dân trong quá trình thực hiện chính sách thuế mới. Thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và giải đáp vướng mắc của người nộp thuế; phối hợp với UBND các cấp, hội đồng tư vấn thuế xã, phường để tuyên truyền chính sách thuế mới tới hộ kinh doanh.

"Cơ quan Thuế chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn tới từng DN; đặc biệt tại các địa bàn lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương... để DN nắm bắt và thực hiện kê khai ngay từ năm 2015”- ông Cao Anh Tuấn nói.

Để hiểu rõ hơn về công tác triển khai tại các địa phương, chúng tôi đã theo chân đoàn công tác của Tổng cục Thuế đi thực tế tại tỉnh Lào Cai.

Theo Cục trưởng Cục Thuế Lào Cai, Nguyễn Thị Kim Yên, hiện Cục quản lý hơn 8.000 hộ kinh doanh chủ yếu kinh doanh lĩnh vực thương mại du lịch, bán hàng chợ, cửa hàng ăn uống, nhà nghỉ… Theo kế hoạch mà ngành Thuế đặt ra từ nay đến ngày 15-12, cơ quan Thuế phải phát xong tờ khai để các hộ kê khai; cũng như xác định chính xác doanh thu để ấn định thuế.

“Đây là khó khăn lớn của cơ quan Thuế Lào Cai bởi để làm được thì vận động làm sao cho các hộ kinh doanh phải hiểu và chấp hành; nhất là các hộ kinh doanh nhỏ, chỉ tăng vài trăm nghìn đồng mỗi năm cũng là vấn đề. Trong khi đó, trên địa bàn Lào Cai hầu hết các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; lại là tỉnh biên giới nên công tác triển khai càng thận trọng; tránh gây xáo trộn lớn tâm lý cho các hộ kinh doanh”- bà Yên nói.

Hiện nay Cục Thuế Lào Cai đã xây dựng riêng một chuyên mục trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế để cung cấp thông tin, hướng dẫn về chính sách mới quy định trong Luật; trong đó tập trung hướng dẫn đối với cá nhân kinh doanh về nội dung mới, các mẫu tờ khai thuế khoán… Đồng thời, cử cán bộ trực làm việc trong các ngày nghỉ để kịp thời hỗ trợ cho các hộ kinh doanh...

Tại địa bàn Hà Nội, công tác quản lý thu thuế hộ kinh doanh cá thể rất phức tạp, tốn nhiều công sức, với 147.625 hộ kinh doanh, trong đó có 124.929 hộ kinh doanh nộp theo phương pháp khoán; tính bình quân một cán bộ thuế quản lý trên dưới 250 hộ.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, Thái Dũng Tiến, Cục đã xác định ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền, giải thích cho các hộ kinh doanh khi có sự thay đổi chính sách vừa đảm bảo chính sách thuế, ổn định kinh tế xã hội thành phố. Cụ thể, đối với cá nhân kinh doanh ở các chợ thì cơ quan Thuế phối hợp với Ban quản lý chợ để tổ chức phổ biến đến từng cá nhân kinh doanh; Cá nhân kinh doanh đường phố thì thông qua tổ dân phố để tuyên truyền; đối với cá nhân kinh doanh tại trung tâm thương mại thì phải nhờ đến sự hỗ trợ của quản lý trung tâm.

Trước ngày 15/12, cơ quan Thuế Hà Nội phải hoàn tất kết quả kiểm tra thực tế đánh giá doanh số đối với từng địa bàn quận, huyện, phường, xã; từng ngành nghề kinh doanh nhất là cá nhân kinh doanh nhà hàng ăn uống, thương mại, kinh doanh vận tải… để xác định đúng, đủ doanh số tính thuế phù hợp với thực tế kinh doanh của cá nhân kinh doanh.