Quản lý tiền ảo: Cần nhanh chóng có khung pháp lý
Cơn sốt tiền kỹ thuật số, tiền ảo, đồng Bitcoin... không chỉ bùng lên mạnh mẽ ở các nước phát triển mà sôi động ngay cả tại Việt Nam, cho dù pháp luật không cho phép. Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư (NĐT) bỏ tiền thật để kinh doanh tiền ảo, bất chấp những rủi ro với mong ước làm giàu thật nhanh nhưng hậu quả mang lại không nhỏ.
Theo phản ánh của người tham gia đầu tư, iFan đã “gắn mác” xuất phát từ Singapore nhằm lấy niềm tin của NĐT. Thực tế, iFan bắt đầu chiến dịch “tô vẽ” cho sản phẩm của mình từ giữa năm ngoái, với ý tưởng xây dựng một trung tâm kết nối giữa các nghệ sĩ và người hâm mộ, chẳng hạn như mua bán album ca nhạc, chia sẻ thông tin...
Thậm chí, dự án này còn đưa ra “bánh vẽ” sẽ giúp người dùng nhập tịch Mỹ, hoặc dùng để thanh toán như thẻ Visa, hay sẽ tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ)... Công ty này còn cam kết đầu tư vào tiền ảo iFan được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Không chỉ vậy, nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia, sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%.
Bằng những thủ đoạn trên, các thành viên của Công ty Modern Tech đã mời gọi khoảng 32.000 NĐT tham gia dự án tiền ảo iFan. Điều đáng nói, sau khi NĐT góp vốn 15.000 tỷ đồng, họ không được Công ty Modern Tech hoàn trả vốn, lãi và biến mất.
Trước hệ lụy của việc đầu tư tiền ảo đang diễn ra, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, tiền ảo luôn tiềm ẩn rủi ro cho người sở hữu vì tính ẩn danh cao, không chịu sự chi phối của cơ quan chính danh nào nên người sở hữu không được bảo vệ nếu có thất thoát.
Thời gian qua, NHNN cũng đã cảnh báo nhiều lần về hình thức huy động vốn đa cấp tiền ảo. NHNN khẳng định, những đồng tiền ảo như Bitcoin hay iFan mà nhiều người tham gia không phải là đồng tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại Khoản 6, Điều 27, Nghị định 96/2014/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 150 - 200 triệu đồng.
Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Dưới góc độ chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, người dân khi lao vào kinh doanh tiền ảo sẽ xem đồng tiền ảo tương đương với VND, USD, EUR và đến một lúc nào đó sẽ không kiểm soát được tiền ảo. Ngoài ra, nếu chúng ta không kiểm soát được khối lượng tiền ảo, nền tài chính sẽ đi vào khủng hoảng, không kiểm soát được, ảnh hưởng đến lạm phát.
Bên cạnh đó, các loại tiền ảo cũng là công cụ để thực hiện việc rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài nhanh chóng, bất hợp pháp... Vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành khung pháp lý quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo nhằm bảo vệ quyền lợi cho NĐT; góp phần bảo đảm an toàn cho thị trường trường tài chính.
Đặc biệt, việc kiểm soát các sàn giao dịch, tổ chức những sự kiện quảng bá liên quan đến đầu tư tiền kỹ thuật số phải được đăng ký và được cơ quan chức năng xem xét kỹ nội dung mới được phép tổ chức. Những sự kiện không được phép tổ chức, người dân có quyền tố cáo và cơ quan an ninh có quyền xử lý.
Về phía người dân, phải thật sự tỉnh táo khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tiền kỹ thuật số. “Người dân phải hiểu, họ lấy tiền của mình để trả lãi 48%/tháng thì chẳng có cách sinh lời nào ngoài việc duy nhất lấy tiền của người sau tham gia đưa cho người trước. Đến lúc không còn lôi kéo được ai nữa, tất cả những người đã nộp tiền vào đều trở thành nạn nhân” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Để quản lý tiền ảo, TS, LS. Bùi Quang Tín - cho rằng, để bảo vệ NĐT, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành cơ chế pháp lý quản lý tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Trong thời gian chưa có khung pháp lý cụ thể, NĐT không nên tham gia, bởi nếu có rủi ro xảy ra, NĐT là người chịu thiệt nhiều nhất. Các ngân hàng thương mại cần xem xét, chú ý những giao dịch qua tài khoản đáng ngờ khi số tiền giao dịch quá nhanh, số lượng quá lớn và phải báo cáo ngay cho NHNN...
Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Trong đó, yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo.
Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo.
Thủ tướng chỉ đạo rõ, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng internet thông qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.