Chính sách tài khóa và tiền tệ trong quản lý tổng cầu
Chính sách tài khóa
CSTK là chính sách thông qua thuế và chi tiêu công để tác động tới nền kinh tế. Khi nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái, Chính phủ có thể thực hiện CSTK nởi lỏng thông qua giảm thuế, tăng chi tiêu để ngăn chặn suy thoái. Ngược lại, khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, có thể thực hiện CSTK thắt chặt bằng cách tăng thuế và giảm chi tiêu để ngăn cho nền kinh tể khỏi rơi vào tình trạng quá nóng dẫn tới đổ vỡ.
CSTK nới lỏng được thực hiện bằng cách tăng chi tiêu Chính phủ. Nhưng để có nguồn tài chính cho các khoản chi tiêu đó, Chính phủ phát hành công trái và trái phiếu. Do đó, các nhà kinh tế cho rằng, hôm nay Chính phủ đi vay thì tương lai Chính phủ sẽ tăng thuế để có tiền trả nợ, nên sẽ giảm tiêu dùng và tăng tiết kiệm hôm nay để tương lai có tiền nộp thuế. Vì vậy, tuy Chính phủ tăng tiêu dùng của mình, nhưng lại làm giảm tiêu dùng cá nhân, nên hiệu quả của CSTK sẽ không cao như Chính phủ mong đợi.
Ở nhiều nước, Chính phủ muốn gia tăng chi tiêu phải trình Quốc hội phê duyệt, vì thế không phải cứ muốn thực hiện CSTK nởi lỏng thông qua tăng chi tiêu Chính phủ là luôn có thể thực hiện được. Thực hiện CSTK nới lỏng thông qua giảm thuế thì dễ dàng hơn so với khi thắt chặt, bởi vì khi muốn thực hiện CSTK thắt chặt thông qua tăng thuế lại rất dễ bị người dân phản đối.
Chính sách tiền tệ
CSTT là quá trình kiểm soát lượng cung tiền của nền kinh tể để đạt được những mục đích như kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, hướng tới toàn dụng lao động hay tăng trưởng kinh tế. Khi cần kích thích kinh tế tăng trường, ngân hàng Trung ương thực hiện CSTT nới lỏng thông qua việc tăng lượng cung tiền. Ngược lại, khi cần hạ nhiệt nền kinh tế, chống lạm phát, ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiên tệ thông qua giảm lượng cung tiền.
CSTT nhằm vào hai mục tiêu là lãi suất và lượng cung tiền. Thông thường, không thể thực hiện đồng thời hai mục tiêu này. Nếu nhằm mục tiêu điều tiết chu kỳ kinh tế ở tình trạng bình thường, thì mục tiêu lãi suất được lựa chọn. Khi kinh tế quá nóng hay quá lạnh, CSTT sẽ nhằm vào mục tiêu trực tiếp hơn, đó là lượng cung tiền. Để ổn định kinh tế vĩ mô, nguyên lý hoạt động chung của CSTT là thực hiện thông qua các công cụ: thay đổi lãi suất chiết khấu, thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các nghiệp vụ thị trường mở. Khung khổ phân tích sự cân bằng của thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ IS-LM cho thấy CSTT phát huy tác dụng thông qua sự dịch chuyển của đường LM. Về những tranh luận liên quan đến hiệu quả của CSTT, có một số lưu ý sau:
Thứ nhất, CSTT có thể mất tác dụng trong trường hợp có “bẫy thanh khoản”. “Bẫy thanh khoản” xuất hiện khi CSTT được nới lỏng bằng biện pháp giảm lãi suất quá mức nhất định khiến mọi người giữ tài sản dưới dạng tiền mặt và CSTT trở nên bất lực. Kinh tế học Keynes cho rằng, khi đó việc điều tiết chu kỳ kinh tế chỉ còn dựa vào tác dụng của CSTK. Cụ thể là khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, Ngân hàng Trung ương sẽ nới lỏng CSTT bằng việc giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và kích thích đầu tư tư nhân, làm tăng tổng cầu. Tuy nhiên, nếu việc giảm lãi suất liên tục và xuống thấp quá mức thì mọi người sẽ giữ tiền mặt không gửi ngân hàng hay đầu tư. Như vậy, CSTT sẽ bất lực trong việc thúc đẩy đầu tư tư nhân dẫn đến bất lực trong kích thích tổng cầu. Trong khi đó, CSTK bình thường không phát huy đầy đủ hiệu lực do hiện tượng “lấn át” thì lúc này lại phát huy được nhiều hơn do hiện tượng “lấn át” không còn vì lãi suất thấp.
Cùng theo kinh tế học Keynes, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng này thì nên sử dụng CSTK (giảm thuế, tăng chi tiêu công), tăng xuất khẩu, khuyến khích tư nhân đầu tư để đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, cần giảm giá đồng tiền trong nước để kích thích xuất khẩu, thực hiện biện pháp nới lỏng tiền tệ qua tăng trực tiếp lượng tiền cơ sở.
Thứ hai, những tranh luận liên quan đến chế độ tỷ giá hối đoái cố định. Ở một nền kinh tế áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định, CSTT sẽ bị hạn chế sử dụng, bởi bất cứ sự thay đổi nào của cung tiền cũng làm thay đổi tỷ giá hối đoái.
Thứ ba, tình huống khi đầu tư phản ứng với lãi suất. Thông thường, khi CSTT làm thay đổi lãi suất, qua đó thay đổi đầu tư của DN và điều chỉnh được tổng cầu. Tuy nhiên, nếu đầu tư không phản ứng trước thay đổi của lãi suất, thì CSTT bị vô hiệu hóa. Khi đầu tư không phản ứng với lãi suất, đường IS trở nên thẳng đứng. Dù CSTT có làm dịch chuyển đường LM thế nào đi nữa, tổng cầu vẫn không thay đổi.
Ngoài ba hạn chế trên, nếu Ngân hàng Trung ương không hoạt động độc lập, thì Chính phủ có thể can thiệp vào việc phát hành tiền tệ (chẳng hạn khi cần bù đắp thâm hụt ngân sách), khiến cho hiệu quả của CSTT trở nên hạn chế.
Một số khuyến nghị đối với Việt Nam về chính sách tài khóa và tiền tệ trong quản lý tổng cầu
Việt Nam hiện là một nền kinh tế quy mô nhỏ, tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu cao nên có thể coi là nền kinh tế khá mở. Nền kinh tế đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 trong bối cảnh lạm phát của đất nước từ cuối năm 2007 đã thuộc mức cao nhất trong khu vực và trong quá trình phục hồi kinh tế, lạm phát năm 2011 lên đến 18,13%, trong khi tăng trưởng chỉ đạt 5,89%. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng đạt mức 5,03%, lạm phát đã được kiềm chế ở mức hợp lý…
Tăng trưởng, lạm phát, khả năng ngân sách, dự trữ ngoại tệ và thâm hụt thương mại là những yếu tố cần được tính đến khi đề xuất các giải pháp liên quan đến quản lý tổng cầu nhằm tránh gia tăng bất ổn kinh tế vĩ mô. Sau đây là một số khuyến nghị về các công cụ CSTK và CSTT trong việc quản lý các thành tố của tổng cầu nhằm hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô.
Về tiêu dùng:
Ở nước ta, một thị trường của hơn 75% dân số nông thôn với mức tiêu dùng thấp là một thị trường còn nhiều tiềm năng cho tăng trưởng. Tính theo giá so sánh, tỷ lệ tiêu dùng của hộ gia đình tăng liên tục với tốc độ bình quân 6,2%/năm trong thời kỳ 1991-2010 và tốc độ tăng trưởng này ngày càng nhanh: 4,8%/năm giai đoạn 1991-1995 so với trên 8%/năm giai đoạn 2006- 2012. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân của Việt Nam trong những năm trở lại đây đã cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Tuy nhiên, kinh tế suy giảm khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, việc làm và thu nhập bị sụt giảm thì xu hướng cắt giảm tiêu dùng là tất yếu. Tốc độ tăng (đã loại trừ yếu tố giá) của doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm sau thấp hơn năm trước (từ 2009 đến 2012). Nguyên nhân chính làm giảm tiêu dùng là lạm phát cao làm thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm và cho vay tiêu dùng giảm.
Tuy nhiên, cùng với mức sống của người dân ngày càng được nâng cao và việc Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình, tỷ lệ tiêu dùng của nước ta dự kiến sẽ giảm dần trong thời gian tới, và tỷ lệ tiết kiệm sẽ gia tăng tương ứng.
Về đầu tư:
Thành tố này của tổng cầu, theo kinh tế học Keynes là nhạy cảm nhất. Tuy nhiên, cầu đầu tư không hẳn chỉ phụ thuộc vào lãi suất, mà còn phụ thuộc vào tỷ lệ sinh lời cận biên của đầu tư. Trong thời gian qua, nền kinh tế tăng trưởng dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, hiệu quả sử dụng đầu tư thấp và trong cơ cấu tổng đầu tư của nước ta, Nhà nước hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong tổng đầu tư toàn xã hội. Dự kiến trong 5 năm tới, CSTK sẽ được điều chỉnh theo hướng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội sẽ giảm xuống còn 33,5- 35% GDP, giảm mạnh so với trung bình 42,7% GDP trong 5 năm vừa qua.
Trong thời gian qua, đầu tư công cao là nguyên nhân chính khiến nợ công của Việt Nam có xu hướng tăng. Theo thống kê, năm 2010 là 56,7% GDP và dự kiến năm 2011 sẽ tăng lên thành 58,7% GDP. Nếu đầu tư công tạo ra được các hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế thì DN tư nhân sẽ được lợi hơn, khi đó đầu tư công có tính bổ trợ và thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng và phát triển kinh tế cho thấy, đầu tư công thường dẫn đến lấn át đầu tư tư nhân, đặc biệt khi đầu tư công cạnh tranh nguồn lực với đầu tư tư nhân. Khả năng lấn át đầu tư tư nhân sẽ lớn khi đầu tư công do các DN nhà nước hoặc thông qua hình thức DN nhà nước thực hiện. Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, cần hướng đầu tư công theo hướng hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng năng suất cho khu vực tư nhân và toàn bộ nền kinh tế, trong một số trường hợp để bù đắp thất bại của một số thị trường đặc biệt (chẳng hạn thị trường lao động).
Trong bối cảnh lãi suất còn đang rất cao và CSTK tác động đến tổng cầu không còn nhiều dư địa, CSTT được hy vọng sẽ có tác động nhiều đến tổng cầu thông qua đầu tư. Tình trạng DN đang khát vốn cho thấy một khi lãi suất giảm, cầu về đầu tư sẽ gia tăng mạnh. Nhiều tín hiệu cho thấy đường IS đang ở vùng thoải và chỉ cần một sự dịch chuyển nhỏ của đường LM sang phải (với chính sách nới lỏng tiền tệ) kéo theo sự đi xuống của lãi suất sẽ tạo ra sức cầu lớn với đầu tư và tạo hiệu ứng gia tăng sản lượng.
Về chi tiêu Chính phủ:
Giãn thuế, giảm thuế đối với DN có thể được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho DN hiện nay. Cân đôi ngân sách cần thực hiện theo định hướng là giảm thu và giảm chi, đặc biệt là chi đâu tư công. Trong bối cảnh lạm phát cao, kinh tế đình trệ, thu nhập của dân cư suy giảm, việc gia tăng vai trò và chi tiêu chính phủ đối với các dịch vụ công (y tế, giáo dục) sẽ giảm bớt gánh nặng đóng góp vào quá trình xã hội hóa, người dân - đặc biệt là người có thu nhập thấp, cư dân nông thôn sẽ có nhiều tiền hơn cho tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm và đầu tư tư nhân có cơ hội tăng. Khuyến nghị của nhiều nước hiện nay là Chính phủ (đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi) phải có tầm nhìn “vượt lên trên cuộc khủng hoảng” trong việc đầu tư vào giáo dục, y tế.
Về xuất, nhập khẩu:
Theo lý thuyết kinh tế vĩ mô, các “hàm” xuất khẩu và nhập khẩu đều phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái. Một trong những nguyên nhân của tình trạng thâm hụt thương mại nặng trong những năm qua là đồng Việt Nam (VND) đã trở nên quá mạnh so với đồng tiền của các đối tác thương mại chủ yếu. Tỷ giá hiệu dụng thực của VND giảm trong giai đoạn 2000-2003, nhưng sau đó tăng liên tục, đặc biệt là trong giai đoạn lạm phát tăng nhanh, làm cho nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Vì vậy, tình trạng VND được định giá quá cao rõ ràng không thể kéo dài.
Sự suy giảm của tổng cầu trong thời gian gần đây mang lại hiệu ứng tích cực là cầu nhập khẩu giảm đáng kể, do đó cán cân thương mại sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng sẽ giảm đi do VND trở nên kém cạnh tranh và cầu ngoài nước đang giảm sút. Nhìn tổng thể, nếu xuất khẩu ròng sẽ tăng do nhập khẩu giảm và mức chênh lệch lớn trong tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu cũng đã nổi bật sự suy giảm mạnh của cầu nội địa. Xuất khẩu Việt Nam sẽ mất chút ít lợi thế cạnh tranh do VND đang ổn định, do vậy, mặc dù vẫn sẽ có tăng trưởng, nhưng tốc độ xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ chậm lại trong năm nay. Về nhập khẩu, do hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam được sử dụng cho sản xuất hơn là tiêu dùng, mức tăng trưởng nhập khẩu thấp cho thấy các DN đang khá thận trọng và dự đoán nhu cầu thị trường sẽ rất thấp trong thời gian tới.
Kết luận
Trong quá trình thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô, cần đảm bảo nguyên tắc là các chính sách quản lý tổng cầu thông qua việc tác động tới các yếu tố cấu thành tổng cầu cần được thực hiện phối hợp đồng bộ với mặt cung của kinh tế. Nếu không kích cung thì ít nhất cũng không thực thi các chính sách tác động tiêu cực đến tổng cung, về nguyên lý, giải pháp cơ bản và có hiệu quả đưa nền kinh tế ra khỏi trạng thái đình đốn và lạm phát là phải thực thi các chính sách “trọng cung”.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 - 2013
Quản lý tổng cầu trong nền kinh tế: Nhìn từ cơ chế phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ
(Tài chính) Để nền kinh tế hoạt động hiệu quả, không thể đòi hỏi hai chính sách tiền tệ và tài khóa cùng song hành thực hiện những mục tiêu mâu thuẫn nhau. Giai đoạn 2013 – 2015, chính sách tài khóa - tiền tệ cần hướng đến kiểm soát chặt chẽ các yếu tố gây lạm phát cao từ phía tổng cầu và các yếu tố tác động làm suy giảm tổng cầu quá mức. Bài viết đánh giá vai trò của chính sách tài khóa và tiền tệ trong quản lý tổng cầu hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Xem thêm