Quản lý và xử lý xe biển ngoại giao hết hạn lưu hành: Gỡ dần các vướng mắc

Theo báo Đầu tư

Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông - Vận tải đều đang gặp một số vướng mắc nhất định trong quá trình quản lý và xử lý xe biển ngoại giao hết hạn lưu hành. Bộ Công an đã đề xuất một số biện pháp tháo gỡ.

Mới đây, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, khuyến khích các cá nhân, tổ chức đang sử dụng trái phép xe mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài tự giác đến làm thủ tục đăng ký biển số, nộp thuế theo quy định.

Bộ Công an cũng đã lên kế hoạch tổng kiểm tra và quy định lại màu biển số xe ngoại giao, xe nước ngoài và tổ chức đổi biển số, nhằm thông qua đó tiến hành rà soát, phát hiện những xe mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài đã chuyển nhượng.

Trước đó ít ngày, Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cũng đã đề nghị Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao) thông báo cho các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao về 551 xe hết hạn đăng ký cần đến cơ quan này làm thủ tục gia hạn hoặc thu hồi đăng ký, biển số, trước khi đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam không kiểm định an toàn kỹ thuật. Đồng thời, công an các địa phương cũng được chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo quy định hiện hành.

Ngay sau đề nghị này, đã có một số cơ quan ngoại giao nước ngoài gửi văn bản tới các cơ quan chức năng Việt Nam thông báo về tình trạng những chiếc xe ô tô của nhân viên ngoại giao do mình quản lý, nhưng đã hết thời gian sử dụng tại Việt Nam và đề xuất các hướng xử lý.

Nét chung nhất được Bộ Công an rút ra là, cả 4 cơ quan liên quan đến quản lý xe ô tô biển ngoại giao, biển nước ngoài gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông - Vận tải đều đang gặp một số vướng mắc trong quá trình quản lý.

Với Bộ Công an, tuy Giấy đăng ký xe có ghi thời hạn sử dụng, nhưng khi xe hết hạn, cơ quan công an đăng ký xe không được thông báo trực tiếp yêu cầu chủ xe nộp lại giấy đăng ký, biển số mà phải thông qua cơ quan ngoại giao. Khi giải quyết các trường hợp vi phạm, mặc dù đã đủ cơ sở xác định việc mua bán trái phép xe mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài, nhưng không được trực tiếp xác minh mà phải thông qua cơ quan ngoại giao nên thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến việc xử lý.

Với Bộ Ngoại giao, trên thực tế mới chỉ quản lý được đầu vào của các đối tượng được ưu đãi, miễn trừ, mà chưa quản lý được đầu ra. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BCT-BNG, khi các viên chức, nhân viên ngoại giao nước ngoài đến Việt Nam công tác phải thông báo và đăng ký với Bộ Ngoại giao để được cấp chứng minh thư ngoại giao, công vụ và sổ định mức hàng miễn thuế. Khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam phải thông báo và nộp lại sổ định mức hàng miễn thuế cho Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp viên chức, nhân viên ngoại giao đã kết thúc nhiệm kỳ công tác về nước hoặc về nước trước thời hạn, nhưng không thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Việc khó quản lý cũng diễn ra ở Bộ Tài chính với trách nhiệm quản lý hoạt động tạm nhập, tái xuất chuyển nhượng xe mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài, khi mới quản lý được đầu vào – khi cấp giấy phép tạm nhập cho các đối tượng được hưởng ưu đãi, miễn trừ. Còn tình trạng các nhân viên cơ quan đại diện hết hạn về nước qua các cửa khẩu, nhưng không khai báo hải quan để tái xuất xe hoặc chuyển nhượng diễn ra trong thời gian dài, nhưng không bị ngăn chặn.

Bất cập từ công tác quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải nằm ở chỗ, một số lượng lớn xe mang biển ngoại giao có Giấy đăng ký xe hết hạn sử dụng nhiều năm nay, nhưng vẫn được kiểm định, lưu hành, tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng trái phép xe, gây khó khăn cho công tác xử lý.

Cũng có thực trạng, giấy phép tạm nhập xe của các đối tượng ưu đãi, miễn trừ lại không ghi thời gian tạm nhập theo thời gian công tác của chủ xe, nên một số lượng lớn xe loại này đang bị trôi nổi, không làm thủ tục thanh khoản hồ sơ hải quan, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi làm nhiệm vụ.