Thực tế quản trị công ty ở Việt Nam

Ở Việt Nam, vấn đề QTCT và quyền lợi NĐT đã được quy định khá chi tiết trong Luật Doanh nghiệp (DN), Thông tư số 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về QTCT áp dụng cho các công ty đại chúng. Tuy nhiên, các vi phạm về QTCT vẫn diễn ra hàng ngày, xâm hại đến quyền lợi của NĐT, đặc biệt là các NĐT nhỏ lẻ.

Thẻ điểm QTCT của Tổ chức Tài chính Quốc tế (được thiết kế dựa trên 5 tiêu chí là: quyền cổ đông; đối xử bình đẳng với cổ đông; vai trò của các bên liên quan; minh bạch và công bố thông tin; trách nhiệm của hội đồng quản trị (HĐQT) công bố ngày 22/11/2012 trên cơ sở khảo sát 100 công ty hàng đầu đang niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đạt kết quả còn thấp. Cụ thể, năm 2011, kết quả chung của DN Việt Nam đạt 42,5%, trong khi điểm số của Malaysia là 57,2% và Thái Lan là 77%; Năm 2010 Việt Nam đạt 44,7% trong khi Philippines là 77%; Năm 2009 Việt Nam đạt 43,9% trong khi Hồng Kông đạt 74%…

Kết quả này cho thấy, vấn đề QTCT ở Việt Nam đang khá yếu kém. Vậy, nguyên nhân của thực trạng trên là gì?

Chúng ta đều biết, trong QTCT, HĐQT được xem là yếu tố cốt lõi, đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng và duy trì các nguyên tắc QTCT hiệu quả. Họ là những người xây dựng mục tiêu, phát triển tầm nhìn và giá trị công ty, đồng thời là người định hướng chiến lược, giám sát quản lý, QTCT, đảm bảo thực thi kiểm soát. Quản trị tốt sẽ tăng cường uy tín và vị thế của DN, tăng cường khả năng tiếp cận của DN với nguồn vốn từ bên ngoài, tạo nền tảng cho DN phát triển bền vững.

Trong thành phần HĐQT, cần phải có mặt các thành viên HĐQT độc lập bởi họ là chìa khóa giải quyết xung đột lợi ích giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ. Thành viên HĐQT độc lập sẽ tạo được đối trọng với các cổ đông lớn ở HĐQT, bảo vệ lợi ích chung cũng như cổ đông nhỏ; họ mang đến góc nhìn từ bên ngoài về chiến lược kiểm soát, mang đến kỹ năng và kiến thức mới cho công ty, là người có khả năng đưa ra ý kiến độc lập và khách quan tại mọi thời điểm, không chịu sự tác động chi phối đến các quyết định hoặc xung đột lợi ích.

Theo Thông tư 121/TT-BTC về QTCT và Quyết định 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/03/2007 của Bộ Tài chính ban hành điều lệ mẫu của các công ty niêm yết có quy định ít nhất 1/3 tổng số thành viên HĐQT của công ty phải là thành viên HĐQT độc lập không điều hành. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty đại chúng tuân thủ được quy định này là rất ít. Ngân hàng Á Châu có 11 thành viên HĐQT trong đó có 2 thành viên độc lập; Tập đoàn Vingroup, hiện có 10 thành viên trong HĐQT nhưng chỉ có 1 thành viên là độc lập, còn lại các phó chủ tịch HĐQT kiêm các vị trí điều hành trong công ty như tổng giám đốc và phó tổng giám đốc, các thành viên còn lại đều là cổ đông lớn và người có liên quan... Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc cũng chỉ có 1/9 thành viên HĐQT là độc lập. Thậm chí một số công ty còn chưa có thành viên HĐQT độc lập như Tổng công ty khí Việt Nam (GAS); Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN); Công ty cổ phần Đồ hộp Hạ Long…

Việc các công ty không có đủ (hoặc thậm chí không có) thành viên HĐQT độc lập là do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, việc tìm ra những thành viên HĐQT độc lập theo đúng tiêu chuẩn là việc làm không dễ, tính một cách tổng quát, hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 1.000 công ty đại chúng, hơn 700 cổ phiếu niêm yết trên cả hai sàn. Nếu tính tối thiểu mỗi công ty có 5 thành viên HĐQT thì số thành viên độc lập cần tới hơn 1.000 người. Điều này dễ nảy sinh những tiêu cực mang tính đối phó, các công ty sẽ cố tìm cho đủ thành viên song những thành viên này chỉ mang tính “bù nhìn” và không thực sự mang lại lợi ích như thị trường mong đợi, đó là sự công bằng cho tất cả các NĐT. Mặt khác, một số ít cá nhân có đủ tiêu chuẩn trở thành thành viên HĐQT độc lập sẽ được nhiều công ty săn đón và một người có thể làm tại nhiều công ty khác nhau. Do đó, tính hiệu quả của việc quản lý cũng cần phải tính đến.

Thứ hai, với các công ty cổ phần có các cổ đông lớn nằm trong HĐQT, họ không muốn có thêm thành viên bên ngoài tham gia vào những quyết định của họ và đôi khi những thành viên độc lập còn là rào cản của họ khi thực hiện những lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, phần lớn các DNNN cổ phần hoá, trong thành phần HĐQT thường là những người đại diện vốn, người có liên quan hoặc các nhân viên cũ của DN. Do Nhà nước chiếm phần lớn cổ phần nên các hoạt động của HĐQT thực chất không mang tính “chủ động” mà chịu sự chi phối rât lớn từ các cơ quan nhà nước. Việc có hay không thành viên HĐQT độc lập cũng trở nên vô nghĩa.

Thứ ba, do các chế tài hiện hành về vấn đề quản trị DN của các công ty đại chúng Việt Nam còn chưa nghiêm. Xuất phát từ thực trạng này, mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2013, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các công ty đại chúng không tuân thủ quy định này. Tuy nhiên, giả sử các công ty có bị xử phạt thì mức phạt cũng rất nhẹ (chỉ từ 5-10 triệu đồng), chế tài không đủ mạnh để các công ty buộc phải thực hiện.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 85/2010/NĐ-CP đã có những bước tiến đáng kể, bổ sung một số quy định cụ thể về hành vi vi phạm quản trị công ty. Dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến, dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý II/2013.

Giải pháp đề xuất

Hạn chế thành viên HĐQT hoạt động kiêm nhiệm

Để tránh những xung đột lợi ích và giao dịch tư lợi ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, các thành viên HĐQT không được là giám đốc (tổng giám đốc), bởi các thành viên này có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng có liên quan về mặt lợi ích. Theo Điều 10 - Thông tư 121/2012/TT-BTC cũng đã quy định chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc (tổng giám đốc) và cần hạn chế thành viên HĐQT kiêm nhiệm các chức danh quản lý trong bộ máy điều hành của công ty để đảm bảo tính độc lập của HĐQT và ngăn ngừa những xung đột lợi ích.

Đề cao vai trò của thành viên HĐQT độc lập

Để phát huy tốt vai trò của thành viên HĐQT độc lập trong việc bảo vệ quyền lợi NĐT, pháp luật cần quy định chặt chẽ hơn nữa về số lượng thành viên bắt buộc phải có trong HĐQT và có chế tài nghiêm minh nếu DN không tuân thủ quy định nói trên. Để đảm bảo tính hiệu quả của những thành viên này, nên chọn ra những cá nhân có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, pháp luật và có mức thù lao tương xứng.

Nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của HĐQT và Ban giám đốc

Các thành viên HĐQT và Ban giám đốc cần chủ động trong việc nâng cao và cập nhật kiến thức giúp làm tốt công việc của mình một cách hợp pháp, góp phần bảo vệ quyền lợi NĐT. Mặt khác, trách nhiệm giải trình của các thành viên HĐQT và Ban giám đốc cần được quan tâm đúng mức. Muốn làm tốt điều này, Ban lãnh đạo công ty tối thiểu phải trải qua các lớp tập huấn về quản trị DN do các đơn vị đào tạo có chuyên môn thực hiện.

Cụ thể hóa các vi phạm và có hình thức xử phạt nghiêm minh đến từng cá nhân là thành viên HĐQT và Ban giám đốc

Pháp luật cần cụ thể hoá tội danh cũng như truy cứu tới từng cá nhân vi phạm, nhất là thành viên HĐQT và Ban giám đốc trước những sai phạm của họ, tránh tình trạng xử lý chung chung và mọi tổn thất đều do công ty đứng ra nộp phạt. Cần có chế tài cụ thể đối với từng vi phạm cụ thể của từng thành viên điều hành công ty để nâng cao trách nhiệm cá nhân, hạn chế những vi phạm xâm hại đến quyền lợi của NĐT.

Pháp luật quy định nhóm cổ đông có quyền triệu tập ĐHCĐ khi HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, quyền của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao… Vì vậy mà rất khó triển khai trong thực tiễn và làm cho các cổ đông nhỏ cũng bối rối trong việc tự bảo vệ mình, các nhà quản lý cũng không có căn cứ để xác định vi phạm. Do vậy, sự cụ thể hóa vi phạm và chế tài là hết sức cần thiết.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 5 - 2013

Quản trị công ty và vấn đề bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư chứng khoán

ThS. Hà Thị Đoan Trang

(Tài chính) Quản trị công ty (QTCT) là hệ thống những quy tắc, chuẩn mực thể hiện sự cam kết của công ty trong việc xây dựng và đẩy mạnh mô hình quản lý có trách nhiệm, dựa trên các giá trị kinh doanh. Trong đó, hội đồng quản trị và ban giám đốc điều hành phải phục vụ những lợi ích cao nhất của công ty, tìm cách gia tăng giá trị cho công ty và quyền lợi của nhà đầu tư (NĐT) một cách bền vững.

Xem thêm

Video nổi bật