Quảng Nam đảm bảo cân đối ngân sách

Theo Trịnh Dũng/Báo Quảng Nam

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam nói, nền kinh tế của tỉnh có thể gặp bất an, nhưng cho dù diễn biến với bất kỳ tình huống nào thì Quảng Nam sẽ cân đối được ngân sách, không cắt giảm khoản chi tiêu nào trong dự toán đã được duyệt.

Cảng biển Chu Lai vẫn sôi động xuất nhập hàng hóa của các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh: T.D
Cảng biển Chu Lai vẫn sôi động xuất nhập hàng hóa của các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh: T.D

Bất an kinh tế

Những chiếc xe tiêm chủng vắc xin cơ động, xe chuyên dụng vận chuyển vắc xin, xe cứu thương đặc chủng, xe chuyên dụng lưu động phục vụ xét nghiệm PCR, nhiều trang thiết bị, dụng cụ cơ khí cần thiết khác cho phòng chống dịch do Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải thiết kế và sản xuất đã xuất hiện trên thị trường thời gian qua.

Cảng Chu Lai vẫn tấp nập xuất đi những lô hàng ô tô, sơmi rơmoóc theo các hợp đồng lớn của tập đoàn này và hàng nội địa của các doanh nghiệp tại khu kinh tế mở ra thị trường quốc tế. Hàng trăm doanh nghiệp, từ dệt may, đồ uống, hóa chất, sản phẩm cao su, gỗ… chèo chống trước đại dịch, gia tăng sản xuất.

Lát cắt sinh động ấy không thể khỏa lấp được sự bất an của nền kinh tế khi sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, giảm sút, đứt gãy chuỗi cung ứng, giao nhận vận chuyển… dẫn đến mất cân đối, thiếu hụt tài chính của số đông doanh nghiệp. Trường Hải không đứt gãy sản xuất, nhưng thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu thị trường tiêu thụ trước việc giãn cách thiếu nhất quán của các địa phương.

Không một ngành kinh tế nào thoát khỏi vòng xoáy suy giảm. Từ kinh doanh bất động sản, giáo dục, nghệ thuật, vui chơi hay vận tải, kho bãi… Con số 15.000 người cách ly thu phí tại 20 khách sạn không cứu nổi tình trạng đóng cửa, phá sản của ngành du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, thời hoàng kim của du lịch Quảng Nam đã qua, không biết bao giờ trở lại. Các khách sạn vẫn tiếp tục đóng cửa. Kịch bản đón khách quốc tế đã dựng xong nhưng chưa có chuyến bay nào đến địa phương. Các khách sạn đã sẵn sàng, nhưng vẫn chỉ biết chờ đợi, chưa biết khi nào có thể mở cửa đón khách.

Cảng biển Chu Lai vẫn sôi động chuyện xuất nhập hàng hóa của các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh: T.D
Cảng biển Chu Lai vẫn sôi động chuyện xuất nhập hàng hóa của các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh: T.D

Giới ngân hàng cũng đau đầu khi đã đưa ra nhiều giải pháp kích thích tăng trưởng dịch vụ, kích cầu tín dụng nhưng ngày càng ít tiền gửi ngân hàng từ doanh nghiệp. Lượng huy động 65.000 tỷ đồng hiện giờ chủ yếu tiền gửi tiết kiệm trong nhân dân (chiếm 78%/tổng nguồn).

Vốn đổ vào nền kinh tế tăng nhỏ giọt (82.000 tỷ đồng, tăng 3,6%), nhưng nợ xấu tăng đến 17,7% khi dịch bệnh đã đẩy doanh nghiệp vào thế không đủ khả năng trả nợ khoản vay đến hạn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng qua được công bố tăng hơn 14% so cùng kỳ, nhưng chỉ dựa vào 6 tháng đầu năm, còn riêng tháng 8 chỉ số sản xuất công nghiệp đã giảm 7,7% so tháng trước, giảm 15,5% so cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khuyến cáo các sở, ban, ngành, địa phương sẵn sàng danh mục cho thu hút đầu tư. Khi dịch tương đối kiểm soát ổn, toàn tỉnh sẽ tiến hành ngay việc phục hồi kinh tế. “Không chuẩn bị sẵn các phương án, càng để lâu doanh nghiệp càng chết, cứu không nổi sẽ dẫn đến suy sụp trầm trọng nền kinh tế địa phương” - ông Thanh nói.

Kịch bản đã được đưa ra, nhưng không ai, không cơ quan quản lý nào có thể định lường cụ thể ngày nền kinh tế vượt qua nỗi bất an để có thể phục hồi, phát triển.

Cân đối chi tiêu

Theo thống kê, hiện thu ngân sách nội địa khoảng 12.500 tỷ đồng, bằng 80% dự toán năm, tăng 61%. Số thu này vượt tiến độ, tăng cao so cùng kỳ, nhưng chủ yếu vẫn nhờ vào tăng trưởng của 6 tháng đầu năm. Sản xuất, kinh doanh đình đốn kéo theo số thu giảm dần kể từ tháng 7. Số thu ngân sách trong tháng 8 chỉ đạt 85 tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói suy giảm bắt đầu từ tháng 7 và sẽ còn giảm nữa. Làm gì để cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, thu ngân sách tăng vẫn là bài toán khó.

Kế hoạch tăng trưởng GRDP năm 2021 sẽ không là chuyện khó khăn khi chỉ cần tăng khoảng 2,3% là đủ đạt chỉ tiêu (tăng từ 6,5% - 7%). Nhưng hụt thu ngân sách lấy gì chi tiêu khi dự báo những tháng còn lại thu ngân sách sẽ còn suy giảm bởi dịch bệnh chưa biết đến ngày nào hạ nhiệt. Trong khi nhu cầu chi tiêu không giảm mà còn sẽ gia tăng vì buộc phải sử dụng ngân sách cho chi hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phòng chống dịch bệnh và thiên tai.

Một thông tin đang được truyền tải từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc “ngân sách trống rỗng”. Dù đã được cải chính, nhưng vẫn khiến nhiều người quan tâm và phân vân. Một khi ngân sách địa phương thiếu hụt thì trung ương sẽ bổ sung. Nhưng nếu trung ương không còn tiền thì khi địa phương thiếu hụt sẽ lấy từ đâu để bù đắp?

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, ngân sách trung ương vẫn thu hơn 1 triệu tỷ đồng (đạt 75%) thì không thể có chuyện “ngân sách trống rỗng”. Nhưng việc không giải thích rõ ràng đã khiến ngay cả nhân viên ngành tài chính cũng phải phân vân. Ông Phong thừa nhận nền kinh tế bất an, khó đoán định, nhưng không đến nỗi rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Theo phân tích của ông Đặng Phong, Quảng Nam đã thu nội địa đạt đến 80%, số 20% còn lại (3.500 tỷ đồng) chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra sẽ không khó để đạt. Một khi tiến độ thu ngân sách đảm bảo, chưa kể dự phòng ngân sách còn nhiều, thì dư sức cân đối chi tiêu, không thể thiếu hụt.

Sự sụt giảm nền kinh tế đã được dự lường ngay từ đầu khi làm dự toán thu, chi ngân sách nên không bị động. Lẽ ra, thu từ Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải dự liệu sẽ tăng cao hơn nữa, nhưng định lường được sẽ giảm nên đã giảm thu từ đơn vị này ngay từ đầu năm, vì vậy sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến ngân sách. Chưa kể sẽ có khoảng 500 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô được phép giãn đến cuối năm nộp sẽ có thêm nhiều nguồn lực ngân sách.

Ông Đặng Phong cho rằng, kinh phí chi hỗ trợ, mua trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm phục vụ phòng chống dịch không lớn (chưa đến 100 tỷ đồng). Chuyện này đã được rút kinh nghiệm nên đã tăng lượng dự phòng, sẵn sàng ứng phó bất cứ tình huống xấu nào diễn ra (kể cả cho thiên tai).

“Cho đến giờ tôi vẫn khẳng định năm 2021 không thiếu tiền, không lo ngại chuyện hụt kinh phí cho chi tiêu. Dù diễn biến bất cứ tình huống nào, Quảng Nam sẽ cân đối được ngân sách, không cắt giảm khoản chi tiêu nào trong dự toán đã được duyệt” - ông Đặng Phong nói.