Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 27/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và đã được quan tâm thảo luận, góp ý hết sức tâm huyết, trách nhiệm. Đã có 246 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường, 10 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và 54/63 Đoàn đại biểu gửi ý kiến tham gia về dự án Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, thuận lợi trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường kinh doanh bảo hiểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 154 điều (giảm 01 chương và 03 điều); có 40 điều sửa đổi nội dung; 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản; bổ sung 07 điều, bãi bỏ một số quy định tại 09 điều và giữ nguyên 33 điều.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Cũng trong chiều ngày 27/5, các đại biểu đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, đây là dự thảo Luật có chuyên môn sâu vào phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Vì vậy, đã được sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp thứ 2 cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến 7 vấn đề đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu như: Kết cấu của dự thảo Luật; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm vi mô...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về hai vấn đề còn ý kiến khác nhau về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan và về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án 2, giữ quy định tại Điều 3 về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, đồng thời, tiếp tục quy định về việc áp dụng Bộ luật Dân sự và áp dụng pháp luật đối với hợp đồng bảo hiểm hàng hải tại Điều 15 của dự thảo Luật; bổ sung nguyên tắc áp dụng tập quán quốc tế đối với các quan hệ có yếu tố nước ngoài; chỉnh sửa tên điều thành áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, tập quán quốc tế.
Về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1, bỏ quy định về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ...