Quỹ đầu tư Nhật đổ tiền vào đâu?
Với kinh nghiệm đầu tư sâu rộng, người Nhật có thể đánh giá đúng tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam.
Sau khi quỹ đầu tư Creed Group vào thị trường Việt Nam thông qua hợp tác với các đối tác trong nước như Công ty Năm Bảy Bảy, Công ty Phát Đạt, thì mới đây một nhà đầu tư khác là ICC Kajima quyết định sẽ hợp tác quỹ đầu tư Indochina Capital khoảng 1 tỷ USD trong 10 năm tới để đầu tư vào 50 dự án bất động sản ở Việt Nam.
Lĩnh vực đầu tư của Kajima sẽ trải rộng trên hầu hết các phân khúc như căn hộ dịch vụ, khách sạn và văn phòng cho thuê tại Hà Hội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Hiện 4 trong số các dự án này dự kiến sẽ được khởi động trong vòng 15 tháng tới với tổng chi phí khoảng 100 triệu USD.
Kajima đã thành lập một công ty con tại Việt Nam vào tháng 4 năm nay và thâu tóm một khu phức hợp cao 13 tầng tại Đà Nẵng trong một thương vụ không được tiết lộ chi tiết về giá chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, sau nhiều năm chậm chạp trong việc phối hợp với Becamex phát triển dự án thành phố mới Bình Dương, một phần bị ảnh hưởng bởi thị trường đi xuống vào những năm 2008-2012, có vẻ như Tập đoàn Tokyu đang trở lại với tham vọng mới.
Cụ thể, Tokyu sẽ bắt tay đầu tư một dự án trị giá 800 triệu USD để xây 9.000 căn nhà tại Bình Dương. Mỗi căn hộ sẽ có diện tích khá lớn, 260-330 m2 nhằm phục vụ nhu cầu ăn ở của các chuyên gia nước ngoài làm việc tại tỉnh công nghiệp này.
Ngoài 3 tên tuổi kể trên, danh sách các nhà đầu tư Nhật tham gia vào thị trường Việt Nam còn có những tên tuổi danh tiếng khác như Hankyu Realty, Nishi-Nippon RailRoad hay Sanyo Homes.
Trong bối cảnh nguồn vốn phát triển thị trường bất động sản đang dần bị thắt chặt lại từ 2017 theo Thông tư 06/2016 thì việc các dự án trong nước đi tìm kiếm nguồn tài trợ chính mang tính dài hạn từ bên ngoài như từ các nhà đầu tư Nhật là một tín hiệu chuyển mình tích cực. Nó sẽ giúp thị trường tiếp tục chu kỳ phục hồi kể từ 2015.
Với kinh nghiệm đầu tư sâu rộng, người Nhật có thể đánh giá đúng tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam. Dù thị trường vẫn kém minh bạch, rủi ro lệch pha cung cầu trên phân khúc cao cấp vẫn còn đó, nhưng không thể phủ nhận. Lợi nhuận thu được từ việc đầu tư tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các thị trường phát triển khác tại châu Á (ngoại trừ Australia), nhờ nhu cầu thực và tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Và nhất là nhờ các chính sách sở hữu nhà ở đã được mở ra dễ dãi hơn.
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, Luật Nhà ở mới cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một trong những điều kích thích dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ như hiện nay.
Trong một động thái mới nhất (ngày 21/9/2016), thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật ông Haruhiko Kuroda tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng cơ sở tiền tệ trong thời gian tới để đảm bảo tiến tới mục tiêu lạm phát 2% hay cao hơn nữa.
Điều này được đánh giá là hợp lý bởi chính sách đưa lãi suất xuống mức âm vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Phản ứng với quyết định này, thị trường chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận những đợt tăng giá khá ấn tượng ngay sau đó.
Việc tiếp tục gia tăng lượng vốn cho nền kinh tế của Chính phủ Nhật sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các tập đoàn Nhật mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, trong đó khu vực ASEAN đang nổi lên trở thành các thị trường hấp dẫn nhất nhờ tăng trưởng khởi sắc hơn so với các khu vực khác.
Thực tế thì tỷ suất sinh lợi khi đầu tư các thị trường mới nổi như Việt Nam sau điều chỉnh rủi ro khả quan hơn nhiều so với mức lãi suất siêu thấp chỉ 1% hay thậm chí là âm cho các khoản đầu tư trái phiếu 10 - 30 năm của trái phiếu Nhật. Rõ ràng, khi đặt lên bàn cân so sánh, hành động đầu tư mạnh tay của người Nhật cũng là điều dễ hiểu.