Quy định mới về mức thu phí đường bộ
(Tài chính) Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 133/2014/TT-BTC để thay thế Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện để tháo gỡ các vướng mắc sau 2 năm triển khai thu khoản phí này. Trong đó, đáng quan tâm là các nội dung về thu phí xe mô tô.
Bỏ mức phí "sàn"
Theo Biểu mức thu phí hiện hành kèm theo Thông tư 197, mức thu phí đối với xe mô tô được quy định theo khung. Cụ thể: Xe có dung tích xy lanh đến 100 cm³, mức thu từ 50.000 đến 100.000 đồng/năm; xe có dung tích xy lanh trên 100 cm³, mức thu từ trên 100.000 – 150.000 đồng/năm.
Tuy vậy, quá trình thực hiện, có một số địa phương cho rằng mức phí quá cao gây khó khăn cho địa phương trong việc quy định mức thu phí đối với từng trường hợp cụ thể như xe của chủ phương tiện thuộc hộ cận nghèo, hộ khó khăn,... đề nghị không quy định mức thu tối thiểu, để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc quy định mức phí cụ thể. Một số ý kiến lo ngại, việc không giữ khung mức thu có thể dẫn đến việc quy định mức thu chênh lệnh giữa các tỉnh.
Giải đáp vấn đề này, Vụ Chính sách thuế- Bộ Tài chính cho rằng, đây là khoản thu phân cấp cho địa phương, do vậy, việc quy định mức thu cụ thể thuộc thẩm quyền địa phương. Hơn nữa, điều kiện kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương khác nhau nên việc quy định khung mức thu hoặc một mức phí cố định, mức thu phí sẽ tác động khác nhau, khó đảm bảo công bằng trong việc áp dụng mức thu phí.
Để địa phương thuận lợi trong việc quy định mức thu phí đối với từng trường hợp cụ thể, Bộ Tài chính đã quy định lại mức thu phí đối với xe mô tô (không bao gồm xe đạp điện) như sau: Tối đa là 100.000 đồng/năm đối với loại có dung tích xy lanh đến 100 cm³; tối đa là 150.000 đồng/năm đối với loại có dung tích xy lanh trên 100 cm³.
Gắn trách nhiệm xử lý
Về quy định cơ quan thu phí đối với xe mô tô, hiện nay, công việc này do UBND cấp xã chỉ đạo Tổ dân phố (thôn xóm) thực hiện thu phí đối với xe mô tô. Song, trên thực tế, các địa phương đều phải huy động các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ tổ dân phố thực hiện thu phí. Có nhiều ý kiến phản ánh, tổ dân phố đã có quá nhiều công việc phải làm nên khó đảm đương công việc thu phí.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và một số địa phương đề nghị giao việc thu phí này cho bưu điện.
Qua nghiên cứu, quy trình thu do Tổng Công ty Bưu điện xây dựng dựa trên cơ sở chủ phương tiện tự động đến khai, nộp phí (tương tự như trả lương hưu, nộp các khoản phí, lệ phí khác). Tuy nhiên, áp dụng quy trình này để thu phí đối với mô tô có khó khăn nhất định vì phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện không giống một số khoản phí khác mà khi trả tiền mới được sử dụng dịch vụ. Đối với trường hợp chủ xe mô tô không đến nộp phí, bưu điện không thể có chế tài và biện pháp yêu cầu chủ phương tiện đến khai, nộp phí.
Để đảm bảo tính khả thi trong trường hợp giao bưu điện thu phí vẫn cần có sự phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thống kê, đôn đốc và xử lý các trường hợp không nộp phí, Bộ Tài chính sửa nội dung này trong Thông tư 133 như sau: "Căn cứ điều kiện thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) và đơn vị có liên quan là cơ quan thu phí đối với xe mô tô."
Trường hợp giao Ủy ban nhân dân cấp xã thu phí, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo tổ dân phố, thôn, bản hướng dẫn chủ phương tiện trên địa bàn kê khai phí sử dụng đường bộ tổ chức thu phí.
Trường hợp giao Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị có liên quan thu phí, căn cứ điều kiện thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị phối hợp triển khai thu phí đối với xe mô tô.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-11-2014.