Quy định rõ trách nhiệm quản lý chất lượng nguồn nước
Tiếp tục Kỳ họp thứ Sáu, sáng nay, 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Đã bổ sung quy định bảo đảm an ninh nguồn nước
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, tại Điều 3, nhiều ý kiến đề nghị tập trung vào các nội dung như: thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.
Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.
Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra tại Khoản 1, Điều 3.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 79), nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, từng Bộ, ngành liên quan đến tài nguyên nước để tránh chồng chéo, hiệu quả; bổ sung trách nhiệm của các Bộ liên quan đến khai thác, sử dụng nước để tránh bỏ sót trách nhiệm quản lý.
Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng để tránh chồng chéo về chức năng và phạm vi quản lý giữa các Bộ có liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý khai thác, sử dụng nước.
Làm rõ chủ trương kinh tế hóa việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Thảo luận tại hội trường, đa số ĐBQH đánh giá cao dự thảo Luật đã tiếp thu tối đa các ý kiến, bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Theo các đại biểu, về cơ bản, các nội dung của dự thảo Luật sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý hoàn thiện và bao trùm các vấn đề quản lý nhà nước đối nguồn tài nguyên nước, bảo đảm tính minh bạch, tạo tiền đề cho việc khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên nước hiệu quả.
Bên cạnh đó, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị, cần nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung quy định về thời điểm lập hồ sơ khai thác, sử dụng tài nguyên nước so với thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý khác có liên quan. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung vào các điều khoản trong dự thảo Luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương kinh tế hóa việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bổ sung đầy đủ đánh giá tác động đối với các chính sách mới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay.
Về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, dự thảo Luật đang quy định cơ quan chịu trách nhiệm cho từng mục đích khai thác tài nguyên nước nhưng không thấy "bóng dáng" trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, cần bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo Luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác thì cần có quy định phối hợp giữa các cơ quan cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo thẩm quyền.
Lấy ví dụ tại khoản 3, Điều 43 dự thảo Luật quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, hiện vẫn chưa phân định rõ thẩm quyền của hai cơ quan cũng như chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát và việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt. Do đó, cần tách riêng thẩm quyền của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tránh chồng chéo trong quản lý.
Tán thành với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia song ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị, để tạo thuận lợi hơn cho việc tổ chức thực hiện cần làm rõ quy định này là giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an.