Quy định về ngày nghỉ phép hàng năm
(Tài chính) Bà Phạm Thị Minh (Nam Định) ký hợp đồng lao động làm việc cho một cơ quan nhà nước từ ngày 1/10/2012 đến nay. Nay, bà có việc riêng xin nghỉ phép thì được cơ quan giải quyết cho nghỉ 3 ngày. Theo cơ quan giải thích, 12 tháng đầu đi làm bà không được tính phép, nên từ ngày 1/10/2012 đến ngày 31/12/2013, bà chỉ được nghỉ 3 ngày phép của 3 tháng cuối năm 2013. Bà Minh muốn được biết, cơ quan thực hiện như vậy có đúng quy định không?
Thời điểm (1/10/2012) bà Minh ký hợp đồng lao động làm việc cho một cơ quan nhà nước cho đến thời điểm 1/5/2013, chế độ ngày nghỉ hàng năm (thường gọi là nghỉ phép năm) áp dụng quy định tại Bộ Luật Lao động năm 1994. Tại điểm a, khoản 1, Điều 74 và khoản 2, Điều 77 Bộ Luật này quy định:
- Người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
- Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể được thanh toán bằng tiền.
Kể từ ngày 1/5/2013, Bộ Luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành. Điểm a, khoản 1, Điều 111 và khoản 2, Điều 114, Bộ Luật này quy định:
- Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
- Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.
Đối với trường hợp làm không đủ năm
Cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm được quy định cụ thể tại Điều 7, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP như sau:
Số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm việc không đủ năm được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 1 đơn vị.
Nếu sự việc đúng như bà Phạm Thị Minh phản ánh, căn cứ quy định của pháp luật đã viện dẫn nêu trên, thì:
- Số ngày nghỉ phép năm 2012 của bà Minh được tính từ khi bà vào làm việc ngày 1/10/2012 đến hết ngày 31/12/2012 như sau: 12 ngày: 12 tháng x 3 tháng = 3 ngày.
- Số ngày nghỉ phép năm 2013 của bà Minh tính từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/12/2013 là 12 ngày.
Việc cơ quan giải thích cho bà Minh cách tính ngày nghỉ hàng năm (thường gọi là nghỉ phép năm) như nội dung bà Minh phản ánh là không đúng với quy định của pháp luật về lao động.
Đến thời điểm này (tháng 5/2014) nếu cơ quan đồng ý bố trí cho bà Minh nghỉ phép 3 tháng cuối năm 2012 và cả năm 2013 thì tổng số ngày được nghỉ là 15 ngày làm việc. Nếu không được bố trí nghỉ phép năm 2012 và 2013, thì bà Minh có thể đề nghị cơ quan áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 114 Bộ Luật lao động năm 2012 thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ cho bà.