Quy định về trích nộp Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
Việc trích nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện từ năm tài chính 2014 theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quy định về việc trích nộp phí trên đã được bổ sung, sửa đổi tại Thông tư số 06/2017/TT-NHNN ngày 5/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 5/7/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2014/TT-NHNN ngày 23/ 01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/ 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quỹ tín dụng nhân dân.
Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ bảo toàn) là một quỹ tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã (bao gồm ngân hàng hợp tác xã và các quỹ tín dụng nhân dân) do ngân hàng hợp tác xã lập trên cơ sở phí trích nộp của ngân hàng hợp tác xã và các quỹ tín dụng nhân dân thành viên, đặt tại ngân hàng hợp tác xã và do ngân hàng hợp tác xã quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân (trừ trường hợp đang bị áp dụng kiểm soát đặc biệt) có trách nhiệm trích nộp phí tham gia đầy đủ, đúng hạn vào Quỹ bảo toàn một năm một lần trước ngày 31/01 của năm tiếp theo. Việc trích nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Thông tư này bắt đầu thực hiện từ năm tài chính 2014.
Để phù hợp với tình hình thực tế, thông lệ quốc tế về thời điểm ngừng thu phí tại Quỹ bảo toàn, đồng thời để có cơ sở xác định thời điểm ngừng thu phí tại Quỹ bảo toàn, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung quy định về việc trích nộp Quỹ bảo toàn. Theo Thông tư 06/2017/TT-NHNN, việc trích nộp Quỹ bảo toàn được thực hiện như sau:
- Mức phí trích nộp hằng năm bằng 0,08% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.
Dư nợ cho vay bình quân năm được tính bằng tổng dư nợ cho vay (nhóm 1 và nhóm 2 theo quy định về phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tại thời điểm cuối mỗi tháng trong năm chia cho số tháng phải tính thực tế. Riêng đối với ngân hàng hợp tác xã, số dư nợ cho vay tại thờiđiểm cuối mỗi tháng được loại trừ phần dư nợ cho vay điều hòa vốn đối với các quỹ tín dụng nhân dân thành viên;
- Việc trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính chỉ được thực hiện khi tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn trước khi trích nộp thấp hơn 1,5% tổng tài sản có của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
Trường hợp, sau khi trích nộp Quỹ bảo toàn của năm tài chính dẫn đến tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo toàn cao hơn hoặc bằng 1,5% tổng tài sản có của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân thì Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân vẫn thực hiện trích nộp Quỹ bảo toàn đối với năm tài chính đó;
- Số tiền trích nộp Quỹ bảo toàn được hạch toán vào chi phí hoạt động của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.