Ổn định lãi suất hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Tuy nhiên, phấn đấu ổn định tiến tới giảm lãi suất là nỗ lực lớn trong bối cảnh Chính phủ buộc phải dành sự ưu tiên vào một trong 2 mục tiêu, kiểm soát lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2017 đến nay, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tích cực triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
Cùng với các giải pháp điều hành đồng bộ của Chính phủ và các bộ, ngành, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5,73%, lạm phát có xu hướng tăng chậm lại (chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,2% so với cuối năm 2016, tăng 2,54% so với cùng kỳ, bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 4,15%), thanh khoản của hệ thống được bảo đảm, thị trường tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng.
Trong quý I/2017, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng cục bộ khoảng vài chục điểm cơ bản ở các kỳ hạn tại một số ngân hàng vừa và nhỏ. Tuy nhiên, khi xét chung cả hệ thống, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều thay đổi so với đầu năm, trần lãi suất huy động 5,5% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng được bảo đảm, phổ biến trong khoảng 4,3 - 5,5%/năm. Lãi suất huy động từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,3 - 7%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5 - 8%/năm.
Theo TS. LS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, thành viên Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, áp lực tăng lãi suất huy động cục bộ tại một số ngân hàng có thể đến từ việc một số ngân hàng trong giai đoạn gần đây liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, làm gia tăng đáng kể áp lực cạnh tranh huy động nhằm mục đích tăng vốn và đáp ứng các tỷ lệ an toàn.
Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng này, áp lực còn đến từ việc thiếu hụt thanh khoản. Cùng lúc lãi suất liên ngân hàng luôn được giữ ở mức cao khiến các ngân hàng này gặp khó khăn với việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng tốt hơn cùng kỳ cũng được xem là một trong số nguyên nhân khiến nhu cầu huy động tăng trưởng.
Theo các chuyên gia, cùng với việc kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng, các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình, đây sẽ là những thách thức đối với việc giữ ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm.
Với thị trường hiện nay, việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn năm 2016, do nhiều nguyên nhân như kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay.
Nợ xấu chưa được xử lý triệt để tiếp tục là rào cản lớn cho hạ lãi suất, khiến lãi suất huy động có sức ép tăng cao hơn mức tăng của năm ngoái.
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu
Để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, Luật sư Bùi Quang Tín nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VNĐ ở mức hợp lý.
Với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng khoảng từ 1-2%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7% vẫn bảo đảm có lợi cho VNĐ. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất cho vay USD và VNĐ khoảng 5,2%, lợi ích nghiêng về vay bằng VNĐ.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ trong 6 tháng tới tại một số ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ 1/1/2018.
Tuy nhiên, việc ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố hỗ trợ từ phía trong và ngoài nước. Cụ thể, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do lộ trình tăng lãi suất của Fed có thể dự báo được nên sức ảnh hưởng không nhiều.
Bên cạnh đó, lạm phát nhiều khả năng đạt được kế hoạch của Quốc hội đề ra (trong mức 4%) và việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) 6 tháng cuối năm chỉ còn hơn 30% kế hoạch, làm giảm áp lực lên lợi suất TPCP, tạo điều kiện hỗ trợ việc ổn định lãi suất.
Ngoài ra, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi quốc hội (QH) vừa chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, có hiệu lực ngay từ 15/8/2017.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016, cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VNĐ ở mức hợp lý như hiện nay. Đồng thời, các NHTM sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, mục tiêu phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay tiếp tục được đặt ra, theo đó Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.