Quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ

Theo Đại biểu Nhân dân

Qua báo cáo hàng năm doanh nghiệp năm 2012 với chủ đề Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 2,1% tổng số doanh nghiệp nước ta, trong khi tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng. Cần có câu trả lời cho nguyên nhân của tình trạng này cũng như vấn đề sức khỏe doanh nghiệp.

Quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ
Ảnh minh họa. Nguồn: vinadesign.vn

Theo Tổng thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng, trong 10 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng các mô hình quản trị hiện đại, hoạt động theo các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần - hai loại hình doanh nghiệp này chiếm  80% tổng số doanh nghiệp. Xét theo hình thức sở hữu, các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ngày càng chiếm đa số với hơn 96% về số lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng cả về số lượng, số lao động, nguồn vốn. Lực lượng doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 2,1% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Số doanh nghiệp này đang có xu hướng thu hẹp quy mô lao động và ít khi phát triển lên thành các doanh nghiệp có quy mô lớn về lao động (từ 74 người/doanh nghiệp năm 2002, xuống còn 34 lao động/doanh nghiệp năm 2011). Song các doanh nghiệp này lại lớn dần về quy mô vốn từ 23 tỷ đồng/đơn vị lên 47 tỷ đồng/đơn vị.

Ngoài ra, theo đại diện VCCI, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nước ta trong giai đoạn 2002 - 2011 đã giảm hơn so với giai đoạn trước. Trong 3 khu vực doanh nghiệp, các doanh nghiệp ngoài nhà nước có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất, tiếp đến các doanh nghiệp nhà nước. Hiệu suất sử dụng lao động trong các doanh nghiệp giảm, nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài một phần do tốc độ tăng khá nhanh của tiền lương nhưng chất lượng lao động vẫn chưa tương xứng. Chỉ số thanh toán hiện tại, thanh toán nhanh cũng liên tục giảm. Đồng thời, khả năng thanh toán các khoản vay ngân hàng liên tục xấu đi, đặc biệt là  khu vực doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp ngày càng kém và các doanh nghiệp ngày càng dựa nhiều vào vốn vay.

Theo báo cáo, 6 ngành được VCCI khảo sát (gồm chế biến thủy sản, sản xuất đồ uống, sản xuất cấu kiện kim loại, bán lẻ thực phẩm – đồ uống, quảng cáo, giới thiệu xúc tiến thương mại) đều đã có sự tăng trưởng về số lượng các đơn vị, lao động, tài sản và doanh thu. Nhưng doanh nghiệp thuộc các ngành này đều giảm năng lực sử dụng vốn trong giai đoạn từ năm 2007 - 2011, giảm mạnh nhất là ngành bán lẻ thực phẩm và đồ uống. Đây được coi là thực trạng đáng báo động về hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nước ta thời gian qua. Xét về chỉ số năng lực sinh lời, tỷ lệ các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong 6 ngành đều tăng mạnh năm 2011, nhất là ngành thương mại dịch vụ.

Nhìn vào các thông tin như tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng, hiệu suất sử dụng lao động và năng lực sử dụng vốn đều giảm... không thể không lo ngại về tình trạng sức khỏe doanh nghiệp nước ta. Nhưng từ tình trạng quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ không thể nhận xét cảm tính là do năng lực quản trị có hạn. Bởi rõ ràng với quá trình cải cách thủ tục hành chính và nhiều luật được ban hành trong giai đoạn khảo sát trên thì điều kiện thành lập doanh nghiệp đã thuận lợi hơn. Và như báo cáo đã nêu rõ, trong khi quy mô lao động của một số đơn vị giảm, thì quy mô vốn lại tăng lên. Ngoài ra, trong giai đoạn khảo sát của VCCI đã có một nửa thời gian kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước khó khăn. Như vậy, có phải điều kiện khách quan khiến doanh nghiệp chưa phát triển quy mô được, năng lực sử dụng vốn, khả năng thanh toán giảm... hay không?

Kết quả khảo sát của VCCI chưa giúp đưa ra câu trả lời cặn kẽ cho những vấn đề nêu trên. Nguyên nhân khiến sức khỏe doanh nghiệp đang xấu đi chưa được nhìn rõ, cơ quan chức năng cần tiếp tục khảo sát sâu hơn. Việc nhìn nhận rõ tác động từ năng lực quản trị, cơ chế, chính sách hay điều kiện khách quan đến các doanh nghiệp sẽ giúp đưa ra khuyến nghị chính sách chính xác.

Trong giai đoạn 2002 - 2012, các doanh nghiệp nước ta đã phát triển từ khoảng 63.000 đơn vị lên 312.600 đơn vị đang hoạt động vào thời điểm 1.4.2012 (dù con số doanh nghiệp đăng ký hoạt động lên tới 700.000 doanh nghiệp). Số lượng lao động đã tăng hơn 2 lần, lên 11 triệu người với tốc độ tăng trưởng gần 10%. Tổng vốn các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã tăng hơn 10 lần, từ 1,4 triệu tỷ đồng lên 15,3 triệu tỷ đồng năm 2011. Tổng doanh thu tăng từ 1,2 triệu tỷ đồng lên 10,7 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt hơn 27% - cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng doanh nghiệp và lao động.