Thu - chi của quỹ, ai quản?

Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập đến hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhà nước. Các quỹ được đề cập trong bài là các quỹ được các cơ quan nhà nước thành lập (để phân biệt với các quỹ tài chính tư nhân), có một phần vốn từ ngân sách, đồng thời có huy động thêm từ các nguồn lực xã hội nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho việc xử lý những biến động bất thường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và để hỗ trợ thêm cho ngân sách trong trường hợp có khó khăn về nguồn lực tài chính...

Quỹ tài chính ngoài ngân sách ra đời chỉ bằng một quyết định của cơ quan nhà nước. Vì thủ tục chưa chặt chẽ, chế tài chưa rõ nên nhiều cơ quan nhà nước tự cho ra đời quỹ tài chính ngoài ngân sách kèm theo chức năng chính của mình. Hiện chưa thể thống kê một cách chính xác có bao nhiêu quỹ. Nhìn chung, số vốn mà các quỹ ngoài ngân sách quản lý là không nhỏ.

Ở Trung ương, có thể kể tên các quỹ như: Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Quỹ Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV-AIDS, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Phòng chống ma túy, Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài, Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam… Ở địa phương có Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Ngoài ra, còn có các quỹ vốn nhỏ nhưng phổ biến, “chạm” đến từng nhà, đó là Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Phòng chống lụt bão, Quỹ An ninh quốc phòng, Quỹ Hỗ trợ nông dân…

Thực trạng hình thành và phát triển các quỹ hiện nay có thể gọi là “trăm hoa đua nở”. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay ở nước ta có trên 20 quỹ tài chính ngoài ngân sách. Nhưng theo Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội thì có 35 quỹ tài chính ngoài ngân sách ở Trung ương và khá nhiều quỹ của các địa phương. Đấy là các con số ước lượng vì vẫn chưa có khảo sát chính thức nào.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta không bàn đến hiệu quả hoạt động hay lợi ích mà các quỹ mang lại cho xã hội, vì quỹ nào ra đời cũng mang ý nghĩa xã hội của nó. Vấn đề quan tâm là cách nào để quản lý tốt hơn, phòng chống tham nhũng khi mà các quỹ do các tổ chức nhà nước thành lập và tự quản lý, tự hoạt động thu chi không qua kho bạc nhà nước. Trong khi, các quy định pháp luật thì ngay cả khái niệm “quỹ tài chính ngoài ngân sách” hay có thể gọi là “quỹ tài chính nhà nước” cũng chưa được quy định rõ ràng, vì vậy công tác quản lý cũng không rõ ràng, minh bạch.

Có thể nói, vì chưa được luật định nên rất nhiều tổ chức nhà nước tự thành lập quỹ để hợp thức hóa những khoản chi “đen”. Nhìn ở một vài đơn vị, chỉ cần có sân rộng, ban đêm dùng sân cho thuê giữ xe, cắt tường rào cho thuê ki-ốt rồi thì tiền đó gọi là quỹ. Những khoản tiền ấy chi cho ốm đau, bệnh tật thì ý nghĩa nhưng nếu chi cho sếp uống rượu tây tiếp khách quả khó có thể chấp nhận. Nhưng hầu như các quỹ này chưa được công khai.

Hiện nay, nhiều quỹ tài chính nhà nước quản lý số quỹ rất lớn nhưng không được quy định bởi pháp luật nên không thể kiểm soát được. Nhất là khi quản lý mang tính nội bộ, việc tiêu xài tiền cũng dễ dàng hơn so với việc rút tiền từ ngân sách. Hơn nữa, vì chưa có quy định cụ thể nên nhiều quỹ có hạn mục thu chi trùng với danh mục thu chi của ngân sách nhà nước, lại càng khó kiểm tra, giám sát.

Ai giám sát hoạt động thu chi, quản lý các quỹ tài chính khi mà tiền chủ yếu được huy động từ nhân dân, mà ngay cả quốc hội – những người đại diện cho nhân dân – vẫn không nắm được, đó là vấn đề cần phải được xem xét lại. Nếu không luật hóa và minh bạch thì sẽ không thể kiểm soát được nguồn lực mà nhân dân đóng góp, mất đi ý nghĩa cộng đồng xã hội, đồng thời nguy cơ tham nhũng cũng rất cao.

Cần được luật hóa

Số lượng quỹ rất lớn, chúng ta chưa thể thống kê hết được. Thế nhưng, quy mô quỹ càng là vấn đề đáng quan tâm. Tính đến cuối năm 2011 , một số quỹ quản lý số vốn lớn phải kể đến là: Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam quản lý 5.700 tỷ đồng, trong đó, số vốn ngân sách nhà nước rót là 200 tỷ đồng, số còn lại chủ yếu do các doanh nghiệp đóng góp; Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc quản lý số dư hơn 150.000 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp quản lý số dư 15.000 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm y tế quản lý số dư 9.100 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương quản lý số tiền lên đến 16.300 tỷ đồng; Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm quản lý 5.600 tỷ đồng; Quỹ Đầu tư phát triển của địa phương với tổng nguồn vốn hoạt động lên đến 15.000 tỷ đồng; Quỹ Bảo lãnh tín dụng của địa phương có số dư bảo lãnh 2.000 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm xã hội tự nguyện quản lý số dư gần 600 tỷ đồng; Quỹ Bảo vệ môi trường quản lý 780 tỷ đồng, trong đó ngân sách rót 500 tỷ đồng…

Mặc dù gọi là quỹ ngoài ngân sách, nhưng thực chất nhiều quỹ bắt nguồn từ vốn rót từ ngân sách nhà nước. Ai cũng biết, các khoản chi từ quỹ ngoài ngân sách sẽ bị kiểm soát lỏng lẻo hơn so với việc chi từ ngân sách. Điều đó có nghĩa là các quỹ ra đời từ vốn ngân sách nhưng hoạt động thu chi không theo quy trình thu chi ngân sách. Đó là nguyên nhân dễ dẫn đến thất thoát tiền từ ngân sách thông qua con đường thành lập quỹ.

Như số liệu sơ bộ nguồn vốn các quỹ nói trên, cho thấy nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách quản lý số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí là hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng Quốc hội chưa được báo cáo về nguồn hình thành, tình hình hoạt động thì làm sao biết để giám sát. Vốn từ ngân sách đương nhiên cần được giám sát, hơn thế, vốn do các quỹ huy động từ nhân dân, cộng đồng lại càng được các đại biểu quốc hội giám sát. Quốc hội là cơ quan đại diện cho quyền lực của dân, cần quyết định và được biết các quỹ tài chính nhà nước được hình thành, sử dụng ra sao nên phải có trách nhiệm giám sát tất cả các quỹ ngoài ngân sách. Quốc hội không chỉ nắm bắt về ngân sách nhà nước, mà cần chế định toàn bộ tài chính nhà nước, trong đó có các quỹ tài chính ngoài ngân sách – một bộ phận cấu thành tài chính quốc gia.

Trước thực trạng này, thiết nghĩ, Quốc hội cần ban hành pháp luật để quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách một cách tốt nhất, trong đó chế tài toàn bộ các hoạt động của tài chính nhà nước, bao gồm cả NSNN, các quỹ tài chính nhà nước và các hoạt động tín dụng nhà nước.

Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách: Cần được luật hóa

ThS. ĐẶNG THỊ HÀN NI - Báo Sài Gòn Giải phóng

(Tài chính) Trước việc Quốc hội lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; Luật Đầu tư công, mua sắm công; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, hiện có quá nhiều quỹ tài chính của Nhà nước chưa được luật hóa để quản lý. Trong khi thực tế, các quỹ này hoạt động rất rầm rộ, đa dạng, nhiều quỹ quản lý số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng – đấy cũng là một bộ phận cấu thành của tài chính quốc gia – thế nhưng Quốc hội vẫn chưa được báo cáo, giám sát. Nên chăng, Quốc hội cần luật hóa để quản lý toàn bộ hoạt động quỹ tài chính nhà nước này?

Xem thêm

Video nổi bật