Quyền lực "đòi lại tiền" của nhà đầu tư

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp (DN) chây ỳ niêm yết, đăng ký giao dịch sẽ phải hoàn lại tiền cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư có yêu cầu.

Quyền lực "đòi lại tiền" của nhà đầu tư
Từ ngày 15/11/2013, nhà đầu tư có quyền "đòi lại tiền" nếu DN vi phạm cam kết lên sàn khi chào bán. Nguồn: internet

Một chế tài mới vừa được Chính phủ quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP đối với DN đại chúng cố tình chậm niêm yết, đăng ký giao dịch nếu đủ điều kiện, là buộc DN phải hoàn lại tiền cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư có yêu cầu. Chế tài này nhằm mục đích buộc các DN đại chúng phải minh bạch, phải tôn trọng cam kết với nhà đầu tư.

Từ khi Luật Chứng khoán 2006 ra đời, khái niệm về công ty đại chúng chính thức được áp dụng. Theo đó, DN đại chúng bắt buộc phải đăng ký làm công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và thực hiện nghĩa vụ lên sàn trong vòng 1 năm, kể từ ngày là công ty đại chúng. Nếu vi phạm, DN sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính dường như chưa đủ mạnh buộc các DN đại chúng phải lên sàn, bởi thực tế, trong số hơn 1.000 DN đại chúng đăng ký với UBCK, có hàng trăm DN đứng ngoài Thị trường chứng khoán. Đó là chưa kể còn hàng nghìn DN khác, đang trốn tránh trách nhiệm DN đại chúng của mình.

Bằng Nghị định 108, chế tài dành cho DN đã chào bán chứng khoán ra công chúng, nhưng không lên sàn sau 1 năm, tăng nặng hơn nhiều. Ngoài khoản phạt tiền 100 - 150 triệu đồng nếu DN đủ điều kiện lên sàn mà không lên sàn, Nghị định còn quy định rõ: "Các cá nhân, tổ chức vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là 60 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành".

Theo UBCK, trong lịch sử xử phạt ngành này, có một số lần, cơ quan quản lý đã áp dụng biện pháp mạnh, buộc DN đã huy động vốn sai quy định phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, nếu họ có yêu cầu. Cách xử lý như vậy là để làm gương, để các DN khác phải tuân thủ đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi Nghị định 108 có hiệu lực, việc trả lại tiền cho nhà đầu tư nếu DN đã huy động vốn từ phát hành đại chúng mà không thực hiện nghĩa vụ lên sàn đã được luật hóa, là công cụ pháp lý mạnh mẽ buộc các DN phải thực thi những gì đã cam kết trong hồ sơ phát hành.

Quy định này cũng đồng nghĩa với việc trao cho nhà đầu tư một quyền lực, đó là quyền yêu cầu DN phải trả lại tiền, nếu sai cam kết. Theo UBCK, ngày quyết định biện pháp trả tiền cho nhà đầu tư có hiệu lực chính là ngày UBCK ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với DN. Trong quyết định của UBCK sẽ đề cập rõ 3 cấp độ xử  gồm xử phạt chính (bằng tiền theo quy định); xử phạt bổ sung (như thu hồi các khoản thu trái pháp luật) và biện pháp khắc phục hậu quả.

Điều "may" cho nhiều DN đại chúng đang trốn trách nhiệm niêm yết là Nghị định 108 có hiệu lực từ 15/11/2013. Kể từ thời điểm Nghị định 108 có hiệu lực, tiếng nói của nhà đầu tư góp vốn vào DN huy động vốn từ đại chúng chắc chắn sẽ khác, bởi từ đây, nhà đầu tư có quyền "đòi lại tiền" nếu DN vi phạm cam kết lên sàn khi chào bán.