Quyết tâm nâng hạng tạo động lực mới

ThS. TRẦN THỊ VÂN HUYỀN

(Tài chính) Trải qua gần 15 năm phát triển, hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam được các tổ chức quốc tế khuyến nghị nằm trong danh sách tiệm cận nhóm thị trường mới nổi. Để biến điều này thành hiện thực, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường đang quyết tâm vào cuộc cao độ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ hội nâng hạng thị trường

Những tháng đầu năm 2015, nền tảng kinh tế vĩ mô của đất nước tiếp tục ổn định và được dự báo sẽ kéo dài đến cả năm sau. Sự bền vững của các cân đối vĩ mô tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nền tảng cho thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển bền vững.

Đây là cơ sở để cơ quan quản lý cùng với việc thúc đẩy sự ra đời thị TTCK phái sinh là tạo quyết tâm và sự đồng thuận nâng hạng TTCK Việt Nam lên vị thế mới, cụ thể là nhóm thị trường mới nổi nhằm tăng sức hấp dẫn và uy tín cho thị trường, thu hút hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII). Theo tổ chức xếp hạng Morgan Stanley Capital International (MSCI), trải qua gần 15 năm phát triển, TTCK Việt Nam hiện nằm trong nhóm các thị trường cận biên, đang tiến sát nhóm thị trường mới nổi. Hiện, TTCK Việt Nam có 8 DN niêm yết quy mô vốn hóa hơn 1 tỷ USD, đồng thời có một số tiêu chí định lượng khác đạt được tiêu chuẩn của thị trường mới nổi. Dựa trên 15 tiêu chí do MSCI đặt ra, quy mô, thanh khoản và khả năng tiếp cận thị trường, cơ hội để TTCK Việt Nam sớm nâng hạng đã hiện hữu, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Để được phân loại là thị trường mới nổi, TTCK phải có tổng giá trị vốn hóa đạt tối thiểu 15 tỷ USD.

Ngoài ra, cần đáp ứng 3 trong 5 tiêu chí sau: thời gian bù trừ tối thiểu T+3 hoặc nhanh hơn, rủi ro của trái phiếu Chính phủ được xếp hạng ít nhất BB+, mức lạm phát dưới 15%, hạn chế đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài không quá lớn, không có giới hạn trong giao dịch đồng nội tệ...

Để thực hiện điều này, Việt Nam cần mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, thực hiện mở room sở hữu, DN công bố thông tin bằng tiếng Anh, tiết giảm thủ tục hành chính, cho phép NĐT nước ngoài đăng ký mã số giao dịch trực tuyến...

Đồng thời thực hiện sáp nhập 2 Sở Giao dịch Chứng khoán, tái cấu trúc hệ thống tổ chức thị trường, nâng cao thanh khoản, quy mô thị trường, năng lực hạ tầng công nghệ, chi phí giao dịch...

Các giải pháp như quyết liệt gắn cổ phần hóa DNNN với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK; tổ chức hiệu quả các diễn đàn đầu tư quốc tế; phối hợp quảng bá hình ảnh của TTCK Việt Nam ra thế giới, gắn với ký kết các thỏa thuận hợp tác về cơ chế phối hợp, giám sát, hỗ trợ thu hút vốn đầu tư từ các quỹ đại chúng quốc tế... cũng cần được triển khai đồng bộ.

Theo TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc nâng hạng TTCK Việt Nam không phải là mục tiêu cuối cùng của quá trình xây dựng TTCK bậc cao mà chúng ta sẽ hướng đến những cái đích xa hơn. Tuy nhiên, trước mắt đây là hướng phấn đấu trong tương lai gần để gắn sự phát triển thị trường với quá trình tái cấu trúc đang đạt được những kết quả tích cực.

Các mục tiêu trong năm

Trong năm 2015, mục tiêu lớn nhất của TTCK Việt Nam là thực hiện quyết liệt cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK. Với kế hoạch cổ phần hóa khoảng 280 DN, đồng thời thực hiện đúng yêu cầu niêm yết bắt buộc sau 1 năm chuyển đổi, chắc chắn TTCK sẽ có thêm nhiều cổ phiếu tốt, vốn hóa lớn.

Bên cạnh đó, một vấn đề không mới nhiều khả năng sẽ được rà soát và trình để ban hành vào dịp cuối năm 2015 đó là việc mở room. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành, rà soát về thể chế và cơ sở pháp lý nhằm hoàn thành nhiệm vụ trên trong thời gian sớm nhất, trình các cấp có thẩm quyền.

Năm 2015, nền kinh tế ghi nhiều dấu son hội nhập mới, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương… Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nỗ lực nâng hạng TTCK Việt Nam để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn lớn đã và đang được đặt ra như một đích đến cho chặng đường phía trước.