Rộng mở cơ hội hợp tác ASEAN - Trung Đông
Mặc dù mối liên kết giữa ASEAN và Trung Đông chưa thực sự chặt chẽ, nhưng tiềm năng hợp tác vẫn còn rộng mở.
Vào thời điểm bất ổn thương mại gia tăng, đa dạng hóa kinh tế đã trở thành chủ đề chính, hành lang ASEAN-Trung Đông đang trở nên nổi bật khi hai khu vực này có nhiều tiềm năng kinh tế và kết nối.
Thương mại song phương giữa hai khu vực đạt hơn 126 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023. Ngoài một số sản phẩm nhất định, xuất khẩu của ASEAN sang Trung Đông vẫn còn khá hạn chế.
Trong khi xuất khẩu của ASEAN sang Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đã tăng trưởng trong những năm qua, nhưng mức xuất khẩu tuyệt đối chỉ bằng 1/3 so với tổng lượng nhập khẩu từ khu vực MENA.
Mặt khác, trung bình 6% lượng hàng hóa nhập khẩu của ASEAN đến từ Trung Đông, tập trung nhiều vào lĩnh vực năng lượng. Mặc dù lượng hàng hóa nhập khẩu phi nhiên liệu tăng đều đặn qua các năm, nhưng nhập khẩu nhiên liệu chiếm ưu thế với thị phần gần 80%.
Đáng chú ý là vai trò của Singapore như một trong ba trung tâm giao dịch và tinh chế dầu hàng đầu thế giới, mặc dù không có nguồn tài nguyên hydrocarbon.
Khoảng một nửa lượng dầu thô nhập khẩu của Singapore đến từ Trung Đông, đặc biệt là từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (26%) và Qatar (13%).
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Singapore có công suất lọc dầu là 1,3 triệu thùng/ngày, trước khi xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu tinh chế sang các nước láng giềng châu Á. Các quốc gia khác trong ASEAN, cùng với Trung Quốc là những nước tiêu thụ phần lớn sản phẩm hóa dầu xuất khẩu của Singapore.
Theo Yun Liu, chuyên gia kinh tế ASEAN tại HSBC, sự phụ thuộc lớn vào thương mại năng lượng chỉ ra những cơ hội đáng kể cho ASEAN trong lĩnh vực phi năng lượng.
Chuyên gia này chỉ ra, dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy, tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác của khu vực này gần đạt 30 tỷ USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu hiện tại.
Thiết bị điện, điện tử sẽ được hưởng lợi khi ASEAN tăng cường hội nhập vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Đồng thời, tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác của MENA sang ASEAN ước tính 18 tỷ đô la Mỹ, với nhựa, hóa chất và kim loại là những lĩnh vực xuất khẩu đầy hứa hẹn.
"Với mức thuế quan trung bình ở hai khối vẫn ở mức cao, ngày càng có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy cơ hội thương mại giữa hai khu vực", chuyên gia này nhận định. Chẳng hạn, Singapore đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC, trong khi các quốc gia khác đã khởi động hoặc ký FTA với các nền kinh tế riêng lẻ.
Ở cấp độ khu vực, Malaysia đã đề xuất ký kết FTA ASEAN-GCC vào tháng 10 năm ngoái. Mặc dù các cuộc đàm phán có thể cần nhiều thời gian, nhưng các cuộc thảo luận đang đi đúng hướng.
Ngoài thương mại, đầu tư cũng là một lĩnh vực hợp tác mới giữa hai khu vực, đặc biệt là khi xét đến sức mạnh tài chính của MENA. Tuy nhiên, phần lớn dòng vốn chảy vào dưới dạng đầu tư danh mục thay vì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Điều đáng chú ý là 1/3 dòng vốn đầu tư của MENA vào ASEAN chảy vào lĩnh vực bất động sản, tiếp theo là lĩnh vực tài chính và khai khoáng. Trong những năm gần đây, du lịch, năng lượng tái tạo và thực phẩm ngày càng hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư MENA.
Ngoài dòng hàng hóa và đầu tư, hội nhập cũng là một trọng tâm chính. Là một khu vực cung cấp nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, ASEAN đã trở nên phổ biến đối với khách du lịch đến từ MENA kể từ khi đại dịch xảy ra.
Trong đó Thái Lan là điểm đến nổi bật khi thu hút hơn một nửa trong số 1,1 triệu khách du lịch từ MENA vào năm 2023. Mặc dù lượng khách vẫn còn hạn chế, nhưng sức mua rất quan trọng. Khách du lịch MENA không chỉ có xu hướng lưu trú gấp đôi thời gian so với các du khách đến từ các khu vực khác, mà còn chi tiêu nhiều hơn 30%, tương đương gần 200 đô la Mỹ mỗi ngày.
Tương tự tại Singapore, lượng du khách từ Trung Đông đã tăng lên 130.000 người vào năm ngoái, gần như trở lại mức trước đại dịch trong khi tổng số khách du lịch chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019.