Hệ thống giao dịch phát thải tại một số quốc gia trên thế giới

Huy Nguyễn

Trong những thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề toàn cầu nghiêm trọng nhất, đe dọa đến sự ổn định của môi trường tự nhiên và đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc ra đã xây dựng Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) nhằm kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

EU hiện đang sở hữu Hệ thống giao dịch phát thải lớn nhất thế giới.
EU hiện đang sở hữu Hệ thống giao dịch phát thải lớn nhất thế giới.

Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) là một công cụ thị trường được chính phủ sử dụng để kiểm soát và giảm dần lượng phát thải khí nhà kính trong một số ngành, lĩnh vực hoặc trên toàn bộ nền kinh tế.

ETS hoạt động theo nguyên tắc “đặt hạn mức (Cap) và giao dịch (Trade)”. Trong đó, hạn mức (Cap) là giới hạn đối với tổng lượng phát thải của một một doanh nghiệp hay một hoặc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Hạn mức này sẽ giảm theo thời gian để đảm bảo tính hiệu quả giảm phát thải của hệ thống.

Theo Bản đồ Hệ thống giao dịch phát thải của International Carbon Action Partnership (ICAP), tính đến thời điểm tháng 3/2024, trên thế giới có tổng cộng 29 Hệ thống giao dịch phát thải đang được thực thi. Trong đó, một số Hệ thống có quy mô lớn đang được triển khai tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Trung Quốc.

Cụ thể, châu Âu là khu vực đi đầu trong xây dựng và vận hành thị trường giao dịch quyền phát thải carbon và các khí nhà kính khác với mục tiêu kiểm soát và giảm phát thải với chi phí thấp nhất. Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU-ETS) được triển khai từ năm 2005, là thị trường carbon tuân thủ được phát triển đầu tiên trên thế giới.

Theo ICAP (2024), đây hiện cũng là thị trường tuân thủ có quy mô lớn nhất thế giới và bao phủ khoảng 10.000 cơ sở phát thải, chiếm 40% tổng lượng phát thải toàn châu Âu. EU-ETS đã trải qua 3 giai đoạn phát triển và hiện đang ở giai đoạn 4, cụ thể: Giai đoạn 1 (2005-2007): Giai đoạn thử nghiệm; Giai đoạn 2 (2008-2012): Mở rộng và liên kết; Giai đoạn 3 (2013-2015): Cải cách sâu rộng; Giai đoạn 4 (2021-2030): Tương lai và hướng tới mục tiêu 2050.

Tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên áp dụng thị trường carbon tuân thủ trên phạm vi toàn quốc khi bắt đầu triển khai Hệ thống giao dịch phát thải quốc gia (K-ETS) kể từ năm 2015. Đây cũng là thị trường carbon tuân thủ lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau thị trường carbon của Liên minh châu Âu. Tính đến thời điểm hiện nay, K-ETS đang bao phủ gần 74% lượng phát thải khí nhà kính của Hàn Quốc. Đến nay, K-ETS đã trải qua 02 giai đoạn phát triển và hiện đang ở giai đoạn thứ ba, cụ thể: Giai đoạn 1 (từ năm 2015-2017) chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu và thiết lập cơ sở hạ tầng và các công cụ để vận hành thị trường; Giai đoạn 2 (từ năm 2018-2020); Giai đoạn 3 (từ năm 2021-2025) tập trung vào việc cải tiến chính sách, trong đó bao gồm cả việc đổi mới mô hình thị trường.

Năm 2021, Trung Quốc đã đưa Hệ thống giao dịch phát thải quốc gia (ETS quốc gia) vào vận hành chính thức. Tuy triển khai ETS quốc gia muộn hơn so với Hàn Quốc nhưng Trung Quốc đã có thời dài thực hiện thí điểm Hệ thống mua bán phát thải cấp địa phương tại 07 tỉnh trước đó. ETS quốc gia của Trung Quốc hiện đang bao phủ các doanh nghiệp trong ngành điện có mức phát thải hằng năm từ 26.000 tấn CO2 tương đương trở lên (khoảng 2000 doanh ngiệp), chiếm khoảng 40% lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc.

Có thể thấy, 03 mô hình Hệ thống giao dịch phát thải tại Hàn Quốc, Trung Quốc và EU đều là các thị trường carbon lớn; trong đó, thị trường tại Hàn Quốc và EU đã trải qua giai đoạn phát triển lâu dài, thị trường tại Trung Quốc mới được vận hành nhưng cũng được thực hiện trên cơ sở đã thí điểm trước đó ở cấp địa phương. Các mô hình này đều phản ánh sự tiến bộ trong quản lý thị trường carbon.