"Rủ nhau" không bán khẩu trang: Có thể xử lý hình sự

Theo Thùy Dương/nld.com.vn

Không chỉ vi phạm pháp luật, việc nhà thuốc kêu gọi nhau “liên kết” không bán khẩu trang trong tình hình dịch corona diễn biến phức tạp còn vi phạm đạo đức kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một số ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền bài viết của một thành viên tên Nguyễn Kim Dung trong nhóm "Chợ thuốc Hapulico Hà Nội" với chủ đề kêu gọi các nhà thuốc không nhập khẩu cũng không bán khẩu trang nữa.

Theo đó, thành viên này cho rằng việc bán khẩu trang "có nhà nước lo" và miễn phí hay bán giá như trước nhà thuốc không làm được. "Vậy nên chúng ta chung sức không nhập không bán nhé, hiện tại cũng 70% các nhà không nhập, 10% không bán, 10% phát miễn phí" - tài khoản này đăng tải.

Đáng nói, bài viết này nhận được không ít ý kiến hưởng ứng. Tài khoản có tên Dược sĩ Nguyễn Hạnh bình luận: "Đa số nhà thuốc hiện giờ đồng loạt không nhập khẩu trang về bán nữa, được không bao nhiêu… Mấy nhà còn ít hàng thì thậm thụt bán khổ hơn cả ma túy, bán bao nhiêu cũng bị kêu là đắt. Tài khoản Dược sĩ Huyền Trang cũng đăng bài tỏ ra bức xúc vì bị phản ánh là bán khẩu trang giá đắt, trong đó có nội dung: "Hôm nay, tất cả nhà thuốc không nhập về để bán cho nữa đấy, xong đi hỏi mua không được cũng chửi…".

TK Facebook Nguyễn Kim Dung kêu gọi các nhà thuốc không nhập khẩu cũng không bán khẩu trang nữa. Ảnh chụp màn hình
TK Facebook Nguyễn Kim Dung kêu gọi các nhà thuốc không nhập khẩu cũng không bán khẩu trang nữa. Ảnh chụp màn hình

Phản ánh thực tế từ báo chí cũng cho thấy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, một số hiệu thuốc đã treo bảng thông báo "không bán khẩu trang y tế và nước rửa tay" khiến người dân bức xúc. Đa phần đều đồng tình trong tình huống khan hiếm, có thể tăng giá một phần trong phạm vi cho phép và bảo đảm hợp lý; còn hiện tượng găm hàng, tăng giá quá cao thì không chấp nhận được.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng hành vi kêu gọi, bắt tay nhau… găm hàng, tăng giá hay ngừng bán bất cứ loại hàng hóa nào, kể cả hàng hóa thông dụng và không trong diện quản lý, cũng vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh. "Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh khá phức tạp, nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết thì hành vi liên kết ngừng nhập và bán khẩu trang của các nhà thuốc không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức kinh doanh. Đây là việc không chấp nhận được" - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế - VCCI) cũng cho rằng về mặt đạo đức và pháp lý, việc các nhà thuốc nâng giá khẩu trang trong bối cảnh nguồn cung vô cùng khan hiếm còn có thể thông cảm, chứ đồng loạt không bán dựa trên sự kêu gọi, "rủ nhau", "liên kết" với nhau thì là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vi phạm Luật Cạnh tranh.

"Nếu 100 nhà thuốc ra quyết định ngừng bán một cách độc lập với nhau thì không vi phạm nhưng nếu có lời kêu gọi và thỏa thuận cùng ngừng bán chính là vi phạm. Cái sai nằm ở hành vi thỏa thuận với nhau" - ông Đức nói rõ hơn.

Cũng theo ông Đức, hành vi này có thể bị xử phạt 10% tổng doanh thu năm 2019 hoặc xử lý hình sự.