Sản xuất công nghiệp tăng 5,8% - thành công vượt bậc của nền kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Bộ Công thương cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng qua tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước. Đây được coi là thành công vượt bậc của nền kinh tế, chứng tỏ sự phục hồi và phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chưa thể yên tâm với kết quả này, mà cần những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong 6 tháng cuối năm.

Sản xuất công nghiệp tăng 5,8% - thành công vượt bậc của nền kinh tế
Bộ Công thương cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng qua tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Bộ Công thương, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà tăng trưởng và chuyển biến dần qua các tháng. Ngành có mức tăng trưởng cao nhất là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%, tiếp đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải đứng thứ ba tăng 5,9%. Song, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,5%, do trong thời gian qua đã xảy ra sự cố xì van đường ống cấp khí trên giàn BRA tại hệ thống khí PM3 cung cấp cho 2 nhà máy điện Cà Mau. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, thời tiết mưa nhiều, không thuận lợi cho công tác khai thác. Các doanh nghiệp trong ngành than, khoáng sản điều tiết sản lượng khai thác để cân đối với khả năng tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho. Và dù điều tiết sản lượng khai thác, nhưng Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Biên cho biết, sản lượng than khai thác và tiêu thụ vẫn đạt 50% kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng do sự kiện Biển Đông. Tình hình sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp có bị chậm lại. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương, sự chủ động của doanh nghiệp… nên các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường. Để chủ động nguyên liệu cho hoạt động sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Ngoài ra, việc thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm nhập khẩu một cách hợp lý cũng như khuyến khích việc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước... đã tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp.

Bộ Công thương khẳng định, mặc dù giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tăng 5,45% (mức tăng trưởng này cao hơn cao hơn mức 5,19% của cùng kỳ năm 2013) nhưng vẫn ở mức thấp so với mức tăng của các năm 2012 trở về trước. Tăng trưởng ở mức cao vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành dệt may, da giày, các ngành lắp ráp ô tô, điện tử... Đây là những ngành có giá trị gia tăng chưa được cải thiện. Trong khi đó, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chưa đạt yêu cầu phát triển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu. Các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nhiều trong sản xuất khi mà kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức tăng cao.

Vụ trưởng Vụ thống kê thương mại, Tổng cục thông kê Lê Thị Minh Thủy dẫn chứng, vải nhập từ Trung Quốc tới 44 - 46%, nguyên phụ liệu như bông, sơ sợi, cúc áo, băng chun, khóa móc... cũng khoảng trên 30%. Hay đối với mặt hàng điện tử, điện thoại - mặc dù sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng kim ngạch tăng mạnh thì nhập khẩu linh kiện từ thị trường Trung Quốc cũng tăng cao, chiếm khoảng 70%. Vì vậy, theo bà Lê Thị Minh Thủy thì việc chủ động nguyên vật liệu cho sản xuất từ thị trường nội địa đòi hỏi quyết tâm chính trị của các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp.

Nhưng có thể thấy, Bộ Công thương đã xác định, sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm, trong đó, sẽ tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư sản xuất công nghiệp, khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế. Đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao trình độ sản xuất trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, vật tư nông nghiệp, hóa chất, công nghiệp nhẹ. Đặc biệt, sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện, thực hiện không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất.