Sản xuất giày dép giảm sâu

Theo Hương Giang/Báo Đồng Nai

Trong tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh Đồng Nai ước đạt 46,8 triệu USD, giảm đến 86,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhiều thập niên, đây là lần đầu tiên ngành giày dép của Đồng Nai rơi vào cảnh sản xuất, xuất khẩu sụt giảm sâu.

Do dịch bệnh COVID-19, Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) chỉ duy trì sản xuất hơn 30% công suất. Ảnh: H. Giang
Do dịch bệnh COVID-19, Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) chỉ duy trì sản xuất hơn 30% công suất. Ảnh: H. Giang

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, giày dép là ngành xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng. Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu giày dép lớn nhất cả nước. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất giày dép ở Đồng Nai đa số gia công cho các hãng giày nổi tiếng thế giới như: Nike, Adidas, Reebok, Puma...

Nhiều DN thu hẹp sản xuất

Từ cuối tháng 6/2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam và lây lan ra diện rộng đã khiến nhiều nhà máy sản xuất giày dép bị ảnh hưởng nặng nề. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các DN muốn duy trì sản xuất phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Ngành Giày dép có nhược điểm cố hữu là cần tập trung nhiều lao động trong các nhà máy nên rất khó duy trì sản xuất theo những phương án trên. Các “ông lớn” trong ngành giày dép ở Đồng Nai trong 3 tháng nay đã lần lượt phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất ở nhiều nhà máy như: Changshin, Taekwang Vina, Phong Thái, Hwaseung, Pousung, Pouchen...

Ông Chang Yong Jin - Giám đốc hành chính Công ty TNHH Hwaseung Vina ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (H. Nhơn Trạch - Đồng Nai) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các loại giày thể thao để xuất khẩu theo đơn đặt hàng của Nike. Trước khi xảy ra đợt dịch lần thứ tư, các nhà máy của Hwaseung tại Đồng Nai có 25 ngàn lao động làm việc. Trong tháng 7/2021, tỉnh thực hiện giãn cách xã hội do đó Hwaseung phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, tuy nhiên công ty chỉ tổ chức được 700 người lưu trú tại các nhà máy để hoàn thành tiếp những đơn hàng gấp”.

Cũng theo ông Chang Yong Jin, do số lao động làm việc chỉ còn gần 3%, sản lượng giày làm ra sụt giảm mạnh, thời gian giãn cách xã hội kéo dài hơn 2 tháng dẫn đến nhiều đơn hàng bị chậm và mất đi.

Tại Đồng Nai, Tập đoàn Taekwang Vina có 3 nhà máy sản xuất giày dép với tổng số 33 ngàn lao động, DN chỉ duy trì sản xuất “3 tại chỗ” được 2 tuần thì phải dừng hoạt động, do số lượng công nhân quá đông, không đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch, nơi ăn chốn ở để sản xuất.

“Các nhà máy của công ty ở Đồng Nai chỉ đủ sức bố trí cho khoảng 1,2 ngàn lao động lưu trú để làm việc. Sản lượng hàng hóa và doanh thu của công ty hơn 2 tháng qua rất thấp, thu không đủ trả lương cho hàng chục ngàn lao động đang nghỉ chờ việc. Công ty phải thương lượng với đối tác kéo dài thời gian giao hàng và cũng không dám ký kết thêm các đơn hàng mới. Hiện công ty đã lên kế hoạch khôi phục lại sản xuất nhưng chưa biết khi nào mới trở lại bình thường được” - ông Vũ Đình Quân - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Taekwang Vina Industrial ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chia sẻ.

Mong khôi phục sản xuất từng ngày

Khoảng 90% sản lượng giày dép sản xuất ở Đồng Nai được xuất khẩu qua hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong quý III/2021, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép của tỉnh đã chứng kiến một mức sụt giảm nghiêm trọng nhất trong nhiều năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Từ ngày 20/9/2021, tỉnh có kế hoạch từng bước mở cửa khôi phục lại kinh tế - xã hội, các DN giày dép đều hy vọng có thể vực dậy sản xuất trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, DN ngành giày dép có đặc thù là sử dụng nhiều lao động, trong thời gian ngắn phục hồi sản xuất như bình thường sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân là vì quy định “mở cửa” của UBND tỉnh còn ràng buộc thêm một số điều kiện đi kèm để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo ông Kim Si Jung - Tổng giám đốc Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), Công ty có 3 nhà máy tại Đồng Nai với gần 42 ngàn lao động, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều dây chuyền sản xuất phải dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng đã ký kết cho dịp cuối năm.

Do đó, DN rất mong khôi phục lại sản xuất từng ngày để không mất đi các đơn hàng vào dịp cuối năm, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Các DN hoạt động trở lại có doanh thu, người lao động có thu nhập ổn định, Chính phủ bớt đi gánh nặng trong công tác an sinh xã hội, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Nhiều DN giày dép cho rằng, theo Kế hoạch 11102/KH-UBND của tỉnh, DN muốn bổ sung, hoán đổi, hoạt động trở lại thì lao động phải ở những vùng xanh, đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày hoặc người bị nhiễm bệnh đã chữa khỏi trong vòng 180 ngày. Nhiều DN còn khó khăn khi thực hiện quy định này, đặc biệt là các DN ngành giày dép, do các nhà máy đa số nằm ở khu vực H.Nhơn Trạch, H.Long Thành, H.Trảng Bom và TP. Biên Hòa.

Trong đó, nhiều nhà máy có 50-90% người lao động đang sinh sống ở các vùng đỏ, cam, vàng nên DN rất khó khôi phục được sản xuất trong một thời gian ngắn. Hiện đang vào cao điểm của mùa sản xuất giày dép cuối năm, nếu chậm khôi phục sản xuất ngày nào, DN bị thiệt hại nặng nề ngày đó.

Ông Lê Quốc Thanh - Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam của Tập đoàn Phong Thái bày tỏ: “Gần 3 tháng qua, Tập đoàn Phong Thái đã mất đi khoảng 25% đơn hàng do ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ tư. Vì thế, các nhà máy chậm khôi phục sản xuất ngày nào nguy cơ đơn hàng bị dịch chuyển sang nước khác sẽ tiếp tục gia tăng. Khi đối tác đã chuyển đơn hàng sang nước khác, sau này dịch bệnh được kiểm soát, DN rất khó tìm lại được những đơn hàng mới”.

Hiện nay, các DN ngành giày dép mong sớm có đủ vắc xin để tiêm cho tất cả người lao động, sau đó UBND tỉnh sẽ nới dần các quy định để có thể khôi phục lại sản xuất.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu giày dép trong 9 tháng năm 2021 ước đạt hơn 2,73 tỷ USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu giày dép của Đồng Nai tập trung ở các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.