Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Theo Bộ Công Thương, sau 8 năm kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu khởi xướng đàm phán Hiệp định RCEP, ngày 15/11/2020, 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand chính thức ký kết Hiệp định RCEP. Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Cùng với đó, Hiệp định RCEP sẽ tiến tới loại bỏ khoảng 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm; thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, Hiệp định được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực; đồng thời, được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.
Do đó, để thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương đã soạn thảo dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định. Cụ thể, liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, dự thảo nêu rõ, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phát hành bởi tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu, dựa trên đơn đề nghị của nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.
Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nộp đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng bản viết hoặc điện tử cho tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu theo quy định nội luật của nước thành viên xuất khẩu.
Đặc biệt, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có mẫu chung được thống nhất bởi các nước thành viên; có số tham chiếu cụ thể thể hiện bằng tiếng Anh; chữ ký và con dấu của tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, dự thảo quy định, cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu có thể tiến hành kiểm tra, xác minh theo những phương thức gửi thư đề nghị yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thêm thông tin. Hoặc, gửi thư đề nghị yêu cầu nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin.
Mặt khác, gửi thư đề nghị cho tổ chức cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu cung cấp thêm thông tin; kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất tại nước thành viên xuất khẩu bằng việc quan sát quá trình sản xuất sản phẩm và kiểm tra các chứng từ, tài liệu chứng minh xuất xứ của hàng hóa bao gồm các dữ liệu kế toán mà bất kỳ cơ chế mà các nước thành viên thoả thuận.
Ngoài ra, cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả xác minh. Nước thành viên nhập khẩu sẽ cho phép thông quan hàng hóa, nhưng có thể yêu cầu việc thông quan tuân thủ theo quy định nội luật.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau dịch COVID-19.
Hơn nữa, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc xuất xứ chung giữa 15 nước, thay vì áp dụng năm bộ quy tắc xuất xứ theo năm hiệp định tự do thương mai của ASEAN+1 như hiện nay giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Bởi vậy, việc thiết lập hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.
Những năm qua, ASEAN đã đa phương hoá quan hệ song phương với các đối tác trước đây, qua đó khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc đặt ra các điều kiện về thương mại với các đối tác. Do vậy, RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu của ASEAN ổn định lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam. Từ đó, góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.
Mặt khác, nó sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp và tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Tuy nhiên, để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ cam kết của hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp phải chuẩn bị chiến lược phòng thủ như củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác. Với chiến lược tấn công, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường, thậm chí thị trường quen với mặt hàng có lợi thế. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.